Đờn ca tài tử: “Huyền thoại sân khấu” giữa lòng dân tộc
Nếu như đất Bắc có Ca trù, xứ Huế có những điệu hò điệu lý thì vùng đồng bằng Nam bộ nổi tiếng với những bài Đờn ca tài tử gắn liền với đời sống tinh thần của người dân và đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhân là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Cơm ăn nước uống” của người Nam Bộ
Nhắc đến Đờn ca tài tử, có lẽ phải nhắc đến vùng đất Cần Đước, Long An nơi được coi như cái nôi của loại hình nghệ thuật này mà sự nổi tiếng của nó đã được đúc kết trong câu thơ:
“Tiếng đờn Cần Đước xuân xanh
Giai kìm, Quýnh gáo, Quế Tranh, Lòng cò”
Những cái tên được nhắc đến trong câu thơ như cô Năm Giai, cô Bảy Quế chính là những bậc anh tài nổi danh một thời. Nhưng thật ra, họ chỉ là thế hệ tiếp theo, sau một thời gian dài Đờn ca tài tử len lỏi và được yêu mến sâu rộng ở Nam bộ.
Theo thời gian, Đờn ca tài tử trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ
Phong trào đờn ca với tính cách vui chơi giải trí sau đó nhanh chóng lan rộng sang các tỉnh miền tây Nam bộ. Nhóm nhạc Tài Tử Miền Tây do ông Kinh Lịch Trần Quan Qườn ở Vĩnh Long hình thành sau đó vô tình tạo nên một sự tranh đua ngầm với nhóm của ông Ba Đợi. Nhờ vậy, kho tàng nhạc Tài Tử càng trở nên phong phú, bài bản.
Theo thời gian, Đờn ca tài tử trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ. Trước đây, các loại hình nghệ thuật như nhạc lễ, ca Huế chỉ dành cho Vua chúa và quan lại nhưng khi Đờn ca tài tử ra đời và được hòa hợp với chất phóng khoáng, hào sảng của con người miền Nam, loại hình âm nhạc này trở nên bình dân và phổ biến. Mọi tầng lớp nhân dân, từ trí thức đến nông dân đều có thể thể hiện và thưởng thức Đờn ca tài tử. Không chỉ biểu diễn trên sân khấu, nhạc Tài tử có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu, từ đám cưới, đám ma, trong vườn, trên ghe… không phụ thuộc vào bất kỳ không gian hay thời gian nào. Gần 100 năm nay, Đờn ca tài tử như trở thành “cơm ăn nước uống”, thỏa mãn đời sống tinh thần của người dân.
Cuộc hội ngộ lớn của giới Đờn ca tài tử cả nước
Vào năm 2013, loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lời ca tiếng đờn ngày nay đã vượt qua biên giới của một vùng đất nhỏ, trở nên phổ biến hơn không chỉ với người dân Việt Nam mà còn được biết đến trên thế giới.
Những chương trình mang tính quốc gia, với sự phối hợp của người dân và các cấp chính quyền là điều cần thiết để tô điểm lại giá trị tinh thần quý báu này của dân tộc. Vào đầu tháng tư tới đây, lần thứ hai giới tài tử đờn, tài tử ca của cả nước một lần nữa được hội ngộ tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương.
Phát biểu tại họp báo giới thiệu Festival vừa qua, ông Huỳnh Vĩnh Ái – thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đồng trưởng ban tổ chức – nhấn mạnh: “Nếu các loại hình nghệ thuật truyền thống khác có không gian tương đối hẹp thì Đờn ca tài tử có không gian trải rộng, phát triển rất mạnh mẽ qua 21 tỉnh thành, được rất nhiều người yêu mến. Vì vậy rất cần những sân chơi cho các tài tử đàn, tài tử ca được hòa nhịp chung trong dòng chảy của bộ môn nghệ thuật này cùng với cộng đồng!”.
Với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ – Bảo tồn và phát triển”, một loạt hoạt động tôn vinh bộ môn Đờn ca tài tử, tôn vinh những nghệ nhân ưu tú sẽ kéo dài từ ngày 08 đến 12/4 tại tại tỉnh Bình Dương. Đêm khai mạc Festival sẽ diễn ra vào tối 08/4 tại Quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương và một số các Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam.
Trong suốt những ngày diễn ra Festival Đờn ca tài tử lần II, còn có nhiều hoạt động phong phú như: Không gian đờn ca tài tử với sự tham gia của 21 tỉnh, thành khu vực Đông và Tây Nam bộ; không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ; đêm hội tôn vinh các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ đã có đóng góp cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ; tổ chức các tour, tuyến du lịch phục vụ du khách nhân dịp festival… Đặc biệt lần đầu tiên, sẽ có chương trình diễu hành môtô phân khối lớn và xe cổ trên các tuyến đường, đại lộ Bình Dương – Phạm Ngọc Thạch – Hùng Vương – Lê Lợi và kết thúc tại Quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh.
Với sự đồng hành trong vai trò quảng bá của Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh và nghệ sĩ nhí Bảo Ngọc, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II – Bình Dương năm 2017 hứa hẹn sẽ được đông đảo người dân, nhất là giới trẻ yêu thích và quan tâm. Đặc biệt, thông qua chương trình, công chúng trong và ngoài nước không chỉ biết đến bộ môn nghệ thuật gắn liền với sự phát triển của đất nước mà còn cho thấy một tỉnh Bình Dương tươi đẹp, phát triển, hội nhập nhưng luôn giữ gìn những giá trị truyền thống.
Nguồn doncataitu.vn (TT)