Chân dung ba nghệ nhân đờn ca tài tử tiêu biểu ở thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương
Trong quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đất Nam bộ, người Nam bộ sáng tạo ra một dòng âm nhạc vô cùng đặc sắc, đó là nghệ thuật Đờn ca tài tử. Do mang giá trị nghệ thuật độc đáo và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, hiện nay, Đờn ca tài tử không chỉ là tài sản chung của 21 tỉnh, thành khu vực Nam bộ, mà còn được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đạt được thành quả tốt đẹp này là do công lao xây dựng, bồi đắp của các nghệ nhân tiền bối ở Nam bộ; sau đó, lại được sự cộng hưởng nhiệt tình của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ khắp các vùng, miền trên cả nước. Riêng người Bình Dương đã có những đóng góp đáng kể, góp phần tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển nhạc Tài tử Nam bộ. Xin điểm qua một vài chân dung nghệ nhân Đờn ca tài tử tiêu biểu có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở quê hương Bình Dương.
Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn (1935 – 2011)
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tư Còn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật, Ba ông ngày trước là một nhạc công thổi sáo cho một số đoàn hát Cải lương. Chính ba ông là người nhìn ra thiên khiếu âm nhạc bẩm sinh và định hướng cho con trai mình đi theo nghiệp đờn hát chuyên nghiệp. Năm 11 tuổi, Nguyễn Văn Còn (tên thật của NSƯT Tư Còn) bắt đầu học đờn cổ nhạc. Do có năng khiếu lại được hai nghệ nhân đờn nổi tiếng lúc bấy giờ là thầy Chín Hòa và thầy Út Lăng truyền dạy, nên ông thạo nghề đờn rất nhanh.
NSƯT Tư Còn
Mặc dù sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, nhưng chỉ có cây đờn Kìm mới khẳng định chuyên môn của người nhạc sĩ sinh năm 1935. Cũng nhờ ngón đờn Kìm, khi mới 25 tuổi, ông đã được các đoàn Cải lương nổi tiếng thời bấy giờ như: Minh Cảnh, Kim Chung, Thanh Hương, Hùng Minh, Thanh Minh – Thanh Nga, Hoa Đăng – Qui Sắc… mời về làm “nhạc trưởng”. Ngón đờn Kìm của ông cứ thế rong ruổi theo bước chân các đoàn hát Cải lương, làm nức lòng giới mộ điệu nhạc Tài tử – Cải lương và kể từ đó, ông dần khẳng định tên tuổi của mình qua các giải thưởng tại các cuộc liên hoan âm nhạc dân tộc. Đặc biệt là danh hiệu “Danh cầm đàn Nguyệt” do Viện Âm nhạc Việt Nam phong tặng năm 1978.
Những năm sau đó, người nhạc sĩ của quê hương Thủ Dầu Một – Bình Dương liên tục đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn toàn quốc như: Huy chương bạc (không có Huy chương vàng) tại Hội diễn độc tấu đờn Kìm toàn quốc năm 1988; rồi Huy chương bạc tài năng diễn tấu toàn quốc năm 1992; Huy chương vàng độc tấu đờn Kìm toàn quốc năm 1993.
Năm 2000, tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc, Ban Đờn ca tài tử Bình Dương do ông làm Trưởng đoàn tiếp tục đoạt Huy chương vàng toàn đoàn. Cá nhân ông cũng đạt Huy chương vàng toàn quốc về độc tấu đờn Kìm. 4 năm sau, ông vào vai huấn luyện và dẫn dắt Ban Đờn ca Tài tử của tỉnh Bình Dương đi dự thi tại Bạc Liêu cũng mang về tấm Huy chương vàng cấp quốc gia… Với những thành tích đạt được và những cống hiến của ông cho nghệ thuật ca cầm, năm 2007, ông là một trong số ít ỏi những nghệ sĩ của đất Bình Dương được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. Khi sân khấu Cải lương không còn hưng thịnh, NSƯT Tư Còn trở về quê nhà mở lớp dạy đờn, ca Tài tử – Cải lương miễn phí tại tư gia cho đến ngày nhắm mắt (2011). Hiện nay, nhiều học trò được ông truyền dạy đã đạt giải cao trong các cuộc liên hoan, hội thi nghệ thuật lớn và trở thành nghệ sĩ của các đoàn hát chuyên nghiệp như: Trương Mộng Hùng, Ngân Huệ, Hùng Thái, Ái Hằng… Dù nay ông đã đi xa, nhưng ngón đờn Kìm với cú lăn tay độc đáo “có một không hai” của ông vẫn ở trong lòng người ái mộ nhạc Tài tử – Cải lương như chất chứa bao tâm trạng buồn, vui trong cuộc sống.
Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng
Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó thuộc xã An Điền huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương – nơi có những người thợ gốm cần cù, lam lũ, ngày ngày làm cho đất nở thành hoa, làm cho đất biến thành những câu hò, điệu lý. Những câu hò, điệu lý của quê hương như dòng sữa mát nuôi dưỡng tâm hồn, làm trỗi dậy trong Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng một tình yêu thiết tha với âm nhạc dân tộc. Thuở nhỏ, Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng học cổ nhạc bằng cách hát theo các nghệ sĩ nổi danh của nghệ thuật Cải lương như: Sầu nữ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy… từ chiếc Radio cũ kỹ của gia đình. Sở hữu vóc dáng sáng sân khấu, giọng ca vang ấm ngọt ngào, cuối năm 1975, Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng được tuyển chọn vào vị trí diễn viên cho Đoàn Văn công tỉnh Bình Dương. Với vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, cùng lối ca diễn mộc mạc, dễ tạo cảm tình với khán giả, Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng góp mặt hầu hết các xuất diễn của Đoàn Văn công Bình Dương. Thời gian này, Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng là một trong ba giọng ca cổ nhạc (cùng với Nghệ nhân ưu tú Cao Thị Thắng và nghệ sĩ Kim Lệ Thy) được nhiều người yêu thích ở đất Bình Dương.
NSƯT Thu Hồng
Hơn 40 năm gắn bó với nghiệp cầm ca, Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng đã xây dựng và khẳng định được phong cách ca diễn riêng cho mình và đạt một số giải thưởng lớn như: Giải thưởng Giọng hát hay và Diễn viên xuất sắc trong Liên hoan các tỉnh miền Đông tại Đồng Nai (1979); Huy chương bạc Liên hoan Tiếng hát miền Đông (1989); Huy chương vàng Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ (2002); giải Nhất Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức (2003); Huy chương vàng Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc do tỉnh Long An đăng cai (2007); Huy chương Vì Sự nghiệp Văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng và danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (2015).
Năm nay, ngoài tuổi 60, nhưng Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng vẫn hăng say yêu nghề, luôn lao động nghệ thuật nghiêm túc. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trực thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Bình Dương, cô cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước đã nhiệt tình chỉ dẫn, dìu dắt lớp đàn em những kinh nghiệm quý báu mà bản thân cô tích lũy được trong quá làm nghề. Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng đã sống hết mình với nghiệp cầm ca, đã tâm huyết hết mình vì phong trào Đờn ca tài tử Bình Dương.
Nghệ nhân ưu tú Kiều My
Xưa nay, trong giới cầm đờn của nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương Nam bộ hiếm có nữ giới, nhất là cây đờn Kìm. Vì vậy Nghệ nhân ưu tú Kiều My là một trong những trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Mấy mươi năm trước, ở Thủ Dầu Một – Bình Dương, nghệ nhân Tư Bộ (ông ngoại của Nghệ nhân ưu tú Kiều My) và con rể là nghệ nhân Ngô Văn Thía (Thân phụ của Nghệ nhân ưu tú Kiều My) khá nổi tiếng về cây đờn Kìm ở địa hạt Nhạc lễ và nhạc Tài tử Nam bộ. Mỗi lần nhà cụ Thía tổ chức đờn ca đều có mặt ái nữ của cụ là Nghệ nhân ưu tú Kiều My. Không chỉ thừa hưởng tinh hoa nghệ thuật dân tộc từ ông ngoại và người cha của mình, Nghệ nhân ưu tú Kiều My còn được các danh cầm nổi tiếng ở Bình Dương như: Nghệ nhân Út Lăng, Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn truyền dạy ngón đờn Kìm qua những bài bản truyền thống và 20 bài bản Tổ của nhạc Tài tử Nam bộ. Năm 1984, Kiều My về Đoàn Văn công tỉnh Bình Dương, vừa làm nhạc công vừa làm diễn viên sân khấu. Tại môi trường nghệ thuật này, đã giúp ngón đờn và giọng ca của chị ngày càng mượt mà, chín chắn. Thập niên 1990, tên tuổi của Nghệ nhân ưu tú Kiều My vang xa hơn, nhiều đơn vị nghệ thuật khắp các tỉnh, thành Nam bộ mời tham gia biểu diễn. Nhờ có chất giọng thiên phú, dễ cuốn hút người nghe cộng với tài chơi đờn Kìm xuất sắc, Nghệ nhân ưu tú Kiều My đã gặt hái nhiều thành tích cao với ba Huy chương vàng độc tấu đờn Kìm trong các cuộc liên hoan Đờn ca Tài tử Nam bộ cấp khu vực và toàn quốc trong các năm 2004, 2006 và 2007.
NNƯT Kiều My
Mặc dù khẳng định được tài năng của mình, nhưng Nghệ nhân ưu tú Kiều My không bao giờ tự mãn. Với tinh thần cầu tiến ham học hỏi, chị tiếp tục thọ giáo danh cầm đờn Kìm – Nghệ sĩ ưu tú Ba Tu. Ông đã giúp chị chỉnh lý ngón đờn Kìm, từ phong cách độc tấu, hòa tấu cho đến kỹ thuật chạy chữ, chẻ nhịp và nhấn nhá âm sắc… Nhờ vậy mà ngón đờn của Nghệ nhân ưu tú Kiều My chững chạc như “Quân tử cầm”, vừa điêu luyện vừa sâu sắc. Chị rất nhạy bén khi chạy chữ xôm tụ, giòn giã ở những bài bản thuộc hơi điệu Bắc, mùi mẫn ở các làn điệu hơi Hạ, Nam và Oán. Đặc biệt, khi diễn tấu vọng cổ, chị nắn nót từng chữ, từng âm sắc làm cho bản nhạc thêm dạt dào cảm xúc. Nhiều người cho rằng, ngón đờn của chị vừa trầm bổng nhặt khoan, vừa mềm mại, da diết… dễ tạo xúc cảm cho người thể hiện diễn đạt tình cảm qua nội dung lời ca của bài hát. Từ nhiều năm qua, ngoài hoạt động trình diễn, Nghệ nhân ưu tú Kiều My còn đảm nhận vai trò truyền dạy đờn và ca Tài tử tại gia đình. Một số học trò của chị đã chứng minh được bản lĩnh ca diễn với người ái mộ Tài tử – Cải lương như: Bùi Trung Đẳng (Chuông vàng Vọng cổ năm 2010); Hà Xuyên…
Theo dòng chảy chung của nghệ thuật Đờn ca Tài tử ở Nam bộ, ngay từ thuở mới hình thành cho đến nay, Đờn ca Tài tử Bình Dương đã xuất hiện nhiều soạn giả, danh cầm, danh ca xuất sắc. Không chỉ có Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn, Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng, Nghệ nhân ưu tú Kiều My, đất Bình Dương còn rất nhiều nghệ nhân vang danh khắp miền Nam, Bắc. Trước những nghệ nhân tiêu biểu đó, người ái mộ khó mà khẳng định ai giỏi hơn ai, vì mỗi người có nét độc đáo và phong thái riêng. Tuy nhiên, họ có một điểm chung nhất đó là đã tích cực góp phần vào việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương Bình Dương nói riêng, quê hương Nam bộ nói chung. Từ đó, Bình Dương tự hào có những đóng góp nhất định trong quá trình phát triển, làm phong phú thêm kho tàng nhạc Tài tử Nam bộ và góp phần giúp nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn doncatatu.vn (TT)