Những tài năng Đờn ca tài tử Đất Thủ
Soạn giả Quy Sắc tên thật Nguyễn Phú Quý, sinh năm 1924, tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, vì tuổi già, sức yếu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ 25 phút ngày 6-1-2010 tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi.
Vốn là một giáo viên dạy trung học, soạn giả Quy Sắc đến với sân khấu cải lương nhờ làm gia sư cho Juliette Nga (tức cố NSƯT Thanh Nga) khi ông là giáo viên của Trường Lê Tấn Thành (ngôi trường mang tên người sáng lập là anh thứ ba của nữ NSND Bảy Nam, cậu ruột của kỳ nữ Kim Cương).
Được gia đình bà bầu Thơ động viên sáng tác, ông đã từng bước thâm nhập nghề viết kịch bản cải lương. Nhờ kiến thức văn học của một nhà giáo cộng với tâm hồn yêu nghệ thuật cải lương, bút pháp của soạn giả Quy Sắc nhanh chóng được khẳng định. Các vở tuồng ông viết như Người vợ không bao giờ cưới (hợp soạn với Kiên Giang), Khi rừng mới sang thu (hợp soạn với Loan Thảo), Nghiệp giáo, Trăng thề vườn thúy (hợp soạn với Mộc Linh), Má hồng phận bạc, Cung thương sầu nguyệt hạ, Số đỏ... đều là những vở tuồng hay, có tuổi thọ trên vài trăm suất diễn.
Về các bài ca cổ, soạn giả Quy Sắc nổi tiếng là người viết bài ca mang hình tượng văn học sâu sắc và gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ thể hiện, như Cô gái bán đèn hoa giấy (nghệ sĩ Thanh Hương, NSƯT Lệ Thủy), Kiếp hồng nhan (NSƯT Út Bạch Lan), Nắm xương tàn (nghệ sĩ Hữu Phước)..., đa số được thu đĩa với số lượng phát hành cao nhất. Ông được người trong giới đánh giá là soạn giả tài hoa, có nhiều cống hiến cho sân khấu cải lương.
* Soạn giả Loan Thảo - Một bậc kỳ tài
Trong giới soạn giả Cải lương và tác giả viết Vọng cổ Nam bộ trước năm 1975, cố soạn giả Loan Thảo là một trong những soạn giả Cải lương và tác giả viết Vọng cổ tài hoa, nhưng lại bạc mệnh nhất.
Có thể nói, nổi bật nhất của ông là viết thể loại Tân cổ giao duyên đến hàng trăm bài và rất nhiều vở Cải lương nổi tiếng trên nhiều góc cạnh đề tài và loại thể. Bút pháp của ông xây dựng hình tượng nhân vật có sức sống mạnh mẽ, ngôn từ rất gần gũi với đời sống tâm lý xã hội, ca từ thông thoáng gợi cảm, giàu biểu hiện và tạo sự dễ dàng cho người ca cảm xúc.
Cố soạn giả Loan Thảo tên thật là NguyễnTấn Vị, sinh năm 1942 và mất năm 1982. Ông cầm bút sáng tác từ thời còn là học sinh (13, 14 tuổi), ban đầu ông viết báo tường và làm thơ. Vốn mê Đờn ca Tài tử - Cải lương nên ông học ít nhiều cả đờn Guitar phím lõm (đờn không hay) và ca; có lẽ, đó là yếu tố để làm cơ sở nền tảng cho công việc sáng tác của ông sau này. Ông vốn thông minh và nhạy cảm, tư duy giàu tưởng tượng; ông là một soạn giả - tác giả kỳ tài so với nhiều đồng nghiệp khác. Sở trường và sở đoản của Loan Thảo đều đa năng: soạn kịch bản Cải lương khá rộng về thể tài như tâm lí xã hội, hương xa, dã sử, màu sắc, kiếm hiệp… Ở thể loại Tân cổ giao duyên lại càng phong phú hơn về đề tài, bút pháp sắc bén, khai thác mọi ngõ ngách cuộc sống xã hội, nhất là nhiều bài Tân cổ giao duyên đi vào tình cảm mọi tầng lớp xã hội và gần gũi với cuộc sống đương thời, nhất là tình yêu đôi lứa với nhiều chuyện tình đa dạng, trắc ẩn… Ngoài bút danh Loan Thảo, ông còn có các bút danh: Quế Anh, Quế Chi, Anh Vị, Dạ Thảo, Hoàng Loan…
Về kịch bản Cải lương, mặc dù ông viết nhiều thể tài (thể loại - đề tài) nhưng có lẽ ở thể tài sửhương xa là đắt giá nhất. Ông vận dụng từ những cốt truyện sử Trung Quốc và nhuận sắc Cải lương mà trong giới thường gọi là hương xa (tuồng nước ngoài). Nét riêng của Loan Thảo là vừa kết hợp tâm lý xã hội về những câu chuyện tình cảm, tình yêu, với kiếm hiệp, nhất là thể tài màu sắc. Loan Thảo là soạn giả từng một thời chấp cánh cho nhiều đại bang Cải lương Sài Gòn trước năm 1975 nổi tiếng, nhất là các gánh của Công ty Kim Chung và Dạ Lí Hương.
Có lẽ, thể loại Tân cổ giao duyên xưa nay khó có ai sánh kịp Loan Thảo, biết rằng mỗi người có thế mạnh và cái hay riêng, nhưng nét độc đáo của Loan Thảo là nổi trội hơn hết về bút pháp, ca từ. Bởi do sự nhạy bén của ông về đề tài và thể loại rất phong phú, những chi tiết đơn giản ở đời thường, khi ông đưa vào tác phẩm qua sự trau chuốt thành những ngôn từ văn chương bóng bẩy và hàm súc. Ông viết lời Vọng cổ cho Tân cổ giao duyên luôn quyện chặt nội dung giữa tân và cổ, không có nghĩa là lời tân một nơi, lời cổ một nẻo như một số bài của một số tác giả khác sau 1975. Ca từ của ông bám sát trạng thái tâm lý của chủ thể, ngôn từ thích nghi với từng hoàn cảnh, vừa mộc mạc, vừa trữ tình sâu lắng, có tính triết lí nhân sinh…
Ngoài ra, Loan Thảo còn sáng tạo đưa hò Huế vào Tân cổ giao duyên để “đi ni đóng giày” cho NS Minh Cảnh đi vào lòng người những bài như: Mười thương, Mưa trên phố Huế…; ông còn kết hợp những ca khúc vui nhộn trữ tình, mang tính dân gian qua các bài Lý: Lý quạ kêu, Lý chim quyên, Lý ru con… Hàng loạt tác phẩm Tân cổ giao duyên chuyên chở nội dung phong phú ở nhiều đề tài rất thực tế với đời sống tâm lý xã hội, nhất là trạng thái tâm lý về tình yêu đôi lứa; và điều này, tác giả Loan Thảo đã thay mặt cho biết bao tình nhân để bày tỏ nỗi niềm trắc ẩn của họ. Có thể thấy qua một số tác phẩm của ông nói lên điều đó như:Yêu lầm, Bìm bịp kêu,Thà trắng thà đen, Lý Quạ Kêu,Tựa cánh bèo trôi, Thà như giọt mưa , Phút cuối, Dòng lệ thương đau, Giòng tâm sự, Bao nhiêu ngân lệ, Bao giờ em quên, Điệp khúc thương đau, Đò tình lỡ chuyến, Đôi lời tâm sự, Nếu, Nếu anh đừng hẹn, Nếu chúng mình cách trở, Nếu duyên không thành, Nếu ta đừng quen nhau,Thiệp hồng báo tin… Ở đề tài về mẹ, ông cũng có tác phẩm miêu tả tình cảm, tâm trạng người mẹ như: Con gái của mẹ, Bông hồng cài aó, Lòng mẹ,Mùa xuân của mẹ, Xuân này con không về... và bài “Xuân này con không về” đã được xem như trong trong những bài nổi bật của NSƯT Thanh Tuấn trước 1975.
* Nghệ nhân ưu tú Huy Thanh
Sinh năm 1944 tại Thuận An – Bình Dương và thành danh trong cuộc đời nghệ thuật cũng trên quê hương Bình Dương. Ngày còn nhỏ ông rất đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử, ông tìm học thầy Chín Lựa tại Lái Thiêu. Chẳng bao lâu, ông thuộc nằm lòng rất nhiều làn điệu nhạc và gắn bó với nghệ thuật độc đáo này cho đến ngày nay. Đến nay tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn rất say mê nghệ thuật truyền thống này và tiếp tục hướng dẫn truyền dạy cho thế hệ tiếp nối.
Thùy Trinh (Tổng hợp)