Lưu bút tình nguyện
TTBD - Thời sinh viên, ai ai cũng muốn khắc ghi cho mình những hình ảnh ý nghĩa nhất. Với tôi, ý nghĩa nhất là khi trở thành một tình nguyện viên tham gia các hoạt động phong trào, các chương trình tình nguyện. Mỗi khi khép lại một chương trình, là khi đó trong lòng tình nguyện viên luôn dấy lên cảm xúc bồi hồi khó tả. Ví như chương trình lần này, chương trình " Festival Đờn ca tài tử lần thứ II" được tổ chức tại Bình Dương cũng vậy. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi đã được trúng tuyển, trở thành Tình nguyện viên đồng hành trực tiếp cùng đơn vị được phân công, nhưng cũng lại vừa lo vì đối tượng lần này là các cô, chú độ tuổi trung niên trở lên. Áp lực càng tăng khi tôi cùng 3 bạn nữa biết được mình sẽ phụ trách đơn vị tỉnh Hậu Giang, tôi chợt nghĩ một tỉnh "xa lắc xa lơ" thì chắc hẳn cũng "khó gần" với mình? Thế nhưng, mọi thứ lại không như tôi tưởng.
Ấn tượng lần đầu tiên tôi gặp và đón đoàn, các cô, chú, anh, chị thân thiện và nhiệt tình hơn bao giờ hết đã giúp tình nguyện viên chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Mọi người luôn thông cảm và coi trọng những tình nguyện viên như tôi, nhất là chú phụ trách đoàn. Chú thân thiện, cởi mở đúng chất của một người dân Nam Bộ miền sông nước. Chú chưa hề tỏ ra khó chịu với chúng tôi về bất cứ việc gì, thậm chí còn xem chúng tôi như con cháu trong nhà vậy. Mỗi khi chúng tôi khách sáo từ chối lời mời ăn cùng đoàn, chú lại nói rằng "chú sẽ giận, mà giận rồi là khó huề đó nhen", rồi lại bắt chúng tôi ngồi cạnh chú cùng dùng bữa với đoàn. Những lúc rỗi rãi, chú lại hỏi chúng tôi từ việc học đến việc thi thế nào rồi, hay lại kêu bọn tôi ngồi nghỉ ngơi và bắt đầu bằng những câu chuyện cười thư giãn. Và cứ thế, mỗi lần xuất hiện, chú lại hỏi: "đã ăn gì chưa, nếu chưa thì đi ăn với chú".
Lưu giữ những khoảnh khắc đẹp cùng Chú trưởng Đoàn tỉnh Hậu Giang
Vì thế, với chúng tôi, công việc của tình nguyện viên không hề có áp lực nữa, mọi việc diễn ra rất thoải mái và tự nhiên. Đặc biệt hơn, cứ gần 9h tối, dù chương trình chưa kết thúc, mọi người lại giục chúng tôi về trước vì trời khuya chạy xe sẽ không an toàn, đặc biệt là con gái như tôi. Nếu bọn tôi cứ nhất quyết đợi đến khi đưa đoàn về khách sạn nghỉ ngơi rồi mới về thì y như rằng sẽ lại bị "giận khó huề" một phen. Suốt thời gian đồng hành cùng đoàn Hậu Giang, chúng tôi được học hỏi rất nhiều về con người văn hóa nơi đây, về những phím đàn và những điệu lí mượt mà, lay động lòng người. Thế mà nhanh thật, thời gian thoắt cái đã đến ngày bế mạc chia tay. Lúc tiễn các cô chú xuống xe, tôi lại nhận được câu nói đó: "con về đi, khuya lắm rồi", lúc ấy nước mắt tôi đã sắp chực trào nhưng lại cố nặn ra nụ cười mà đáp: " không sao ạ, để tụi con tiễn chú xuống xe; đêm cuối rồi, chú cho tụi con ở lại thêm chút nữa." Cuối cùng, cũng đã đến lúc phải chia tay thật sự. Mọi lời định nói vẫn chưa kịp nói ra thì đã nghẹn lại ở cổ họng, bao nhiêu bịn rịn, quyến luyến giờ đây không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được; chỉ có cái siết tay thật mạnh và cái ôm thật chặt lúc này dường như mới tỏ được hết nỗi lòng. Những kỉ niệm như mới ngày hôm qua thôi, về đến nhà mà vẫn nhớ thói quen đó, buổi sáng không thể yên giấc vì sợ sẽ đến trễ đón đoàn, tối đến lại nhớ đến những nụ cười thân thiện cùng sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của cô chú. Nhớ lắm, nhớ lắm, nhớ lắm những gì đã qua!
Cảm ơn chương trình! Cảm ơn ban tổ chức đã cho chúng tôi trở thành Tình nguyện viên, có cơ hội tiếp xúc và học hỏi những điều hay về Đờn ca tài tử, có dịp để thử sức mình đồng hành cùng các đoàn. Nhờ đó, chúng tôi có thể lưu lại trong trang sách cuộc đời mình những hồi ức đẹp, những kỉ niệm đầy ý nghĩa. Hơn hết, đó còn là ngọn gió thổi bùng lên lòng nhiệt huyết cống hiến sức trẻ của mình đúng như câu nói của Mahatma Gandhi: "Hãy sống như ngày mai anh chết. Hãy học như anh sẽ sống mãi mãi.”
Lưu bút
Đội trưởng nhóm tình nguyện viên tỉnh Hậu Giang
Ngô Thanh Trúc (TT)