Cùng với NSND Năm Châu, NSND Út Trà Ôn, NSND Phùng Há, danh cầm Năm Cơ, soạn giả Quy Sắc…; NSND - soạn giả Viễn Châu là một trong những “viên ngọc quý” của nhạc tài tử - cải lương Nam bộ. Ông từng được tôn vinh là “vua sáng tác vọng cổ”, để lại dấu ấn khó phai trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà hơn nửa thế kỷ qua.
Thân thế và sự nghiệp
NSND - soạn giả Viễn Châu cất tiếng khóc chào đời vào năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh với tên khai sinh Huỳnh Trí Bá, trong một gia đình nho học. Vì là con thứ sáu trong gia đình, nên ông còn có tên gọi là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam. Thuở nhỏ, trừ những lúc học chữ ở trường làng, cậu bé Huỳnh Trí Bá rất mê thích đờn ca văn nghệ. Sự hiểu biết về bài bản của nhạc tài tử - cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ nhạc ở các đĩa nhựa và đài phát thanh. Ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi về kỹ năng đờn ca với các nghệ sĩ và một số đoàn hát thời xưa như: Văn võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Nếu như năm 15 tuổi, Bảy Bá được mọi người hết lời ngợi khen với ngón đờn tranh điêu luyện thì đến năm 19 tuổi, ông đờn thành thạo các loại nhạc cụ khác như: violon, guitar phím lõm. Cũng vì tính mê thích đờn ca, ông rời bỏ quê nhà Đôn Châu lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh để hòa đờn thỏa mãn niềm đam mê cổ nhạc. Nhờ khiếu đờn của mình, ông có mặt trong một dàn nhạc với những bậc danh tài lúc bấy giờ như: Jean Tịnh (đờn violon), Bảy Hàm (đờn cò), Hai Biểu (đờn tranh), Chín Hòa (đờn kìm)... Ban cổ nhạc này chuyên đệm đàn cho các danh ca: Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé… và những nghệ sĩ nổi tiếng trong giới cổ nhạc miền Nam thời điểm đó. Vậy là cái tên Bảy Bá được ghi danh trong giới danh cầm cổ nhạc.
Một kỷ niệm đáng nhớ của danh cầm Bảy Bá trong những năm đầu mới vào nghề là ông được nhạc sĩ Mười Còn giới thiệu vào đoàn Việt kịch Năm Châu đi lưu diễn ở Hà Nội suốt hai tháng rưỡi. Khi vừa về tới Sài Gòn thì anh ruột của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa. Sau khi cha mẹ mất, một lần nữa, ông rời quê hương Trà Vinh để dấn thân cuộc phiêu lưu vào ca trường nhạc giới. Khi trở lại Sài Gòn, ông tham gia đoàn Việt kịch Năm Châu đi lưu diễn khắp mọi miền đất nước. Ông được một số nghệ sĩ, soạn giả nổi danh của sân khấu cải lương thời đó như: Năm Châu (tức Nguyễn Thành Châu), Trần Hữu Trang, Duy Lân, Lê Hoài Nở… tận tình chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cổ nhạc. Những năm cuối cùng thập niên 1940, cảm tác từ tác phẩm “Đường rừng” của nhà văn Khái Hưng (thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn), danh cầm Bảy Bá cho ra mắt kịch bản đầu tay có nhan đề “Nát cánh hoa rừng”, với bút hiệu Viễn Châu, với hàm ý mãi nhớ về quê hương Đôn Châu của ông. Soạn phẩm này đã thành công trên sân khấu Việt kịch Năm Châu, mở đường cho những thành công liên tiếp sau đó của người con đất Trà Vinh trong sự nghiệp biên soạn cổ nhạc.
Soạn giả Viễn Châu (phải) và cố GS.TS Trần Văn Khê trong chương trình
“Làn điệu phương Nam” tại Nhà hát thành phố
Dấu ấn thăng hoa điệu “vọng cổ”
Trong quãng đời làm nghệ thuật, từng tham gia biên soạn lời vọng cổ và sáng tác tuồng cải lương cho nhiều hãng đĩa, nhiều gánh hát cải lương và từng được người trong giới và công chúng tôn vinh là “vua vọng cổ”. Thế nhưng, ấn tượng nhất về soạn giả Viễn Châu có lẽ chính là việc ông góp phần làm thăng hoa điệu “vọng cổ” thành “tân cổ giao duyên” và “vọng cổ hài”. Đây là hai sáng tạo của soạn giả Viễn Châu có ý nghĩa rất “đặc biệt” trong âm nhạc cổ truyền Nam bộ. Bản “tân cổ giao duyên” đầu tiên của ông có tựa đề “Chàng là ai” (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết), sáng tác năm 1958, do NSND Lệ Thủy ca vào năm 1964. Cũng trong thời điểm này, nhân dịp đến quán Lệ Liễu (Thị Nghè - Sài Gòn) tham gia đờn hát, ông phát hiện giọng ca vui tươi, dí dỏm của nghệ sĩ Văn Hường và chỉ một đêm, ông viết xong bài vọng cổ hài “Đêm tân hôn” với nội dung hài hước tặng cho Văn Hường thể hiện. Không ngờ, cả hai cùng thành công. Cho đến hôm nay, hai điệu cổ nhạc này vẫn được đông đảo người ái mộ nhạc tài tử - cải lương ưa chuộng.
Người tạo danh cho nhiều nghệ sĩ
Nhờ có đôi mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm tốt, soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là “người tạo danh cho nhiều nghệ sĩ”. Chỉ cần nghe nghệ sĩ cổ nhạc ngâm thơ hoặc hát một bài bản vắn, ông biết được làn hơi của họ thích hợp với thể loại bài bản nào và qua những sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện được đông đảo công chúng yêu mến, chú ý nhiều hơn. Những nghệ sĩ may mắn được ông phát hiện và “đo ni đóng giày” có các danh ca như: NSND Út Trà Ôn nổi tiếng với bài “Tình anh bán chiếu”; Sầu nữ Út Bạch Lan với bài “Hoa lan trắng”; Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga với “Hồi chuông Thiên Mụ” và “Hai lối mộng”; NSND Bạch Tuyết với “Tâm sự Dương Quý Phi”… Khi nói về soạn giả Viễn Châu, NSND Ngọc Giàu khẳng định: “Nếu không có chú Bảy Viễn Châu sẽ không có Ngọc Giàu và cũng như một số nghệ sĩ tài danh khác của sân khấu cải lương. Hồi tôi mới 12 - 13 tuổi, ông đã viết cho tôi bài vọng cổ “Áo tình đắp mộ người yêu” để tôi thu dĩa và nổi danh từ đó”.
Bí quyết thành công
Soạn giả Viễn Châu để lại cho đời khoảng 50 kịch bản cải lương, hơn 2.000 bản vọng cổ đủ các thể loại (vọng cổ thuần túy, tân cổ giao duyên và vọng cổ hài), để lại dấu ấn khó phai trong lòng giới mộ điệu. Sự thành công này, nhờ ông có một tình yêu “cháy bỏng” dành cho âm nhạc cổ truyền Nam bộ.Tình yêu ấy là chất xúc tác giúp cho người nghệ sĩ của quê hương Trà Vinh bền bỉ sáng tác cho đến những ngày cuối đời. Từng chi tiết, tâm lý, tính cách nhân vật ở mỗi tác phẩm của soạn giả Viễn Châu đều rất tròn đầy, khiến người thưởng thức rung cảm và nhớ mãi. Khi còn tại thế, soạn giả Viễn Châu từng bộc bạch về những kinh nghiệm sáng tác rất khiêm tốn: “Sở dĩ tôi viết được nhiều, được cho là hay vì tôi đi nhiều, học nhiều, quan sát và thấy nhiều. Nhưng quan trọng nhất cái thấy của tôi phải qua tâm cảm yêu thương, bằng tâm hồn của người nghệ sĩ”. Bí quyết thành công của ông còn nằm ở chỗ, khi sáng tác, ông luôn đặt hết tâm trí vào đầu bút để viết thành những lời văn trau chuốt, ý nghĩa, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm, truyền thống đạo đức của con người Việt Nam.
Chiều ngày 1-2-2016, tin NSND - soạn giả Viễn Châu qua đời ở tuổi 92, khiến giới cổ nhạc và công chúng yêu điệu nhạc tài tử - cải lương ngậm ngùi, thương tiếc. Dù nay ông đã ra đi, nhưng những tác phẩm của soạn giả Viễn Châu vẫn sống mãi với thời gian.
Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH
Nguồn baobinhduong.vn (TT)