Bài 4: Những danh ca, danh cầm của Bạc Liêu
Vùng đất Bạc Liêu không chỉ có những tác phẩm quan trọng, có thể nói là làm thay đổi cả bộ mặt của đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương Nam bộ, mà nơi đây còn có nhiều danh cầm, danh ca tên tuổi của họ đã vang xa đến nhiều nơi trong cả nước.
Có dịp thưởng thức ĐCTT ở Bạc Liêu, mới có thể hiểu được sức hút của ĐCTT Nam bộ tuyệt diệu đến chừng nào. Các nghệ nhân thong thả hòa đờn, hòa ca từ những bài bản cổ xưa cho đến những bài ca mới được sáng tác. Với họ, phải tập luyện và chơi tài tử làm sao để có thể truyền đạt hết những tâm huyết của các vị tiền hiền năm xưa.
Sở hữu ngón đờn “độc”, mùi mẫn và sâu lắng như tình đất, tình người Bạc Liêu, nghệ nhân Tư Loan (tên thật là Phạm Văn Loan) đã từng làm sứ giả mang ĐCTT Nam bộ giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Mỹ. Ông kể: “kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tài tử của tôi là được vinh dự mang ĐCTT trình làng tại lễ hội đời sống dân gian Smithsonian - Washington D.C (Hoa Kỳ) năm 2007. Nhìn thấy người nước ngoài nghe và chiêm nghiệm ĐCTT Nam bộ với vẻ tâm đắc, trong lòng tôi vừa vui mừng tự hào, vừa nhủ lòng phải nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo hết mình để cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của bản thân cho sự phát triển và duy trì lâu bền của Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, để bộ môn nghệ thuật này ngày càng thăng hoa và tỏa sáng hơn, lan tỏa xa hơn nữa ra thế giới”.
Các nghệ nhân ĐCTT, cải lương ở Bạc Liêu luôn nỗ lực để có thể truyền “lửa” đam mê cho tất cả mọi người và góp phần làm cho dòng nhạc tài tử được bảo tồn, gìn giữ. Trong ảnh Tài nữ quân tử cầm - Ngọc Cần (thứ năm từ trái sang) cùng các tài tử hòa đờn, hòa ca tại Vườn nhãn cổ.
Rồi ông lần lượt kể cho chúng tôi nghe về thân thế và cuộc đời của những danh cầm có công trong phong trào cổ nhạc Bạc Liêu. Ngoài Cao Văn Lầu (Sáu Lầu, tác giả của bản Dạ cổ hoài lang), Bạc Liêu còn có nhiều danh cầm đã đi vào lịch sử. Đầu tiên phải kể đến Nhạc Khị (tên thật là Lê Tài Khí, thầy của Sáu Lầu, người khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, đã được anh em nghệ nhân, nghệ sĩ tôn xưng là Hậu tổ. Ông có biệt tài sử dụng 4 món nhạc khí: Đẩu, bạt, kèn, phách tấu lên cùng một lúc, rất mực điêu luyện, ai cũng khen phục. Nhạc Khị có người con trai duy nhất tên Lê Văn Túc (Ba Chột) từ thuở nhỏ đã nổi danh là “thần đồng” về cổ nhạc ở Bạc Liêu. Sự nghiệp của Ba Chột ngoài 18 sáng tác về bài bản cổ nhạc, ông còn để lại cho đời một sản phẩm vô giá đó là chiếc đờn sến ba dây và cách đờn đặc biệt của loại nhạc cụ này. Cùng thời với Ba Chột còn có Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ), người đầu tiên sử dụng ghi-ta như là một nhạc cụ chính thống của cổ nhạc ở Bạc Liêu. Điểm nổi bật của Năm Nhỏ là đờn quăng bắt, khi gặp bạn đồng môn với nhau, thì tiếng đờn của họ lại quyện vào nhau thật gắn bó hoặc là kẻ buông, người bắt thật tài tình, hoặc đan xen tiếng đờn này với tiếng đờn kia thật chặt chẽ.
Sau này, Bạc Liêu còn có nhiều ngón đờn độc đáo như: ông Mười Khói được gọi là tiếng đờn thần, ông Mộc Thái với tiếng đờn tranh lả lướt, Nhạc Tẹn với chiếc độc huyền làm say đắm lòng người, Tư Bình điêu luyện nhị cầm, Ba Khi với chiếc đờn kìm thật độc đáo, Đỗ Hữu Trí sử dụng đờn ghi-ta rất hay… Ngày nay, thế hệ thứ ba, thứ tư như: Duy Trì, Ngọc Cần, Tư Loan, Thanh Sử, Văn Phước, Vũ Trường Giang… cũng đang tiếp nối sự nghiệp của người xưa.
Giọng ca ngọt ngào hương nhãn
Theo lời giới thiệu của ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi tìm đến Đoàn cải lương Cao Văn Lầu gặp nghệ sĩ Ngọc Đợi. Tiếp chúng tôi ngay sau khi vừa tập xong vở tuồng chuẩn bị chào mừng Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ngọc Đợi vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về những thành tích của cô. Năm 2007, Ngọc Đợi sở hữu quán quân Chuông vàng vọng cổ (CVVC). Cũng từ đó trên các chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”, “Ngân mãi chuông vàng”, các vở cải lương truyền hình…, cô đào quê Bạc Liêu được giới mộ điệu cả nước biết đến. Tiếp lời Ngọc Đợi, ông Vưu Long Vĩ nói thêm, ánh hào quang của Ngọc Đợi đã làm Đoàn cải lương Cao Văn Lầu của tỉnh ít nhiều được “thơm lây”, nhất là khi sau đó Ngọc Đợi tiếp tục gặt hái HCV Trần Hữu Trang năm 2011 và HCV Liên hoan sâu khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012.
Chia tay Ngọc Đợi, chúng tôi đến lớp tập huấn ĐCTT cho các em học sinh tiểu học ở TP.Bạc Liêu và tình cờ gặp nghệ sĩ Thu Tâm. Nghe chị tâm sự, chúng tôi mới có dịp hiểu thêm về tình yêu chị dành cho nghệ thuật ĐCTT không gì có thể so sánh được. Với chị, khi người nghệ sĩ có niềm đam mê đủ chín thì dù biểu diễn ở bất kỳ sân khấu nào cũng có thể truyền “lửa” đam mê cho tất cả mọi người và góp phần làm cho dòng nhạc tài tử được bảo tồn, gìn giữ. Chị nói, do sinh ra trong gia đình có ba đời đều là nghệ sĩ, nên ngọn lửa văn nghệ của con nhà nòi lúc nào cũng âm ỉ cháy, thôi thúc chị tiến bước trên con đường nghệ thuật. Chị từng tham gia Đoàn cải lương Tháp Mười, Đoàn cải lương Tây Đô, rồi Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, sau đó chị lập gia đình và con đường nghệ thuật gián đoạn từ đây. Sau một thời gian dài vắng bóng, niềm đam mê, ngọn lửa khát vọng trong chị bắt đầu trỗi dậy và bùng cháy mãnh liệt hơn. Những thành công sau sự trở lại của chị là minh chứng sống động nhất. Chị giành được nhiều giải thưởng như: Giải A Liên hoan ĐCTT Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng năm 2010 với bản vọng cổ “Chiều trên đồng muối Kinh Tư”; Huy chương vàng ca cổ Liên hoan Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ 13 vào tháng 5-2011; Giải A Liên hoan ĐCTT Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng năm 2011... cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Ngoài Ngọc Đợi, Thu Tâm, Bạc Liêu còn sản sinh ra nhiều giọng ca ngọt lịm như nhãn. Những danh ca hương nhãn Bạc Liêu lần lượt gặt hái nhiều giải thưởng cao quý tại các sân chơi khu vực có thể kể đến như: Huyền Trang (CVVC 2012), Quốc Phòng (chuông bạc trong Cuộc thi CVVC 2008), Lâm Ngọc Hoa (chuông bạc trong Cuộc thi CVVC 2013, huy chương vàng Triển vọng Trần Hữu Trang 2014)…
Bài 5: Bạc Liêu “Giữ mãi hồn quê”
Nguồn baobinhduong.vn (TT)