Giá trị trường tồn của tư tưởng hồ chí minh về “Lấy dân làm gốc”, tất cả quyền lực Nhà Nước thuộc về Nhân Dân
Hồ Chí Minh luôn đề cao các giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc và Người đã lấy các các giá trị đó để đặt thành tiêu ngữ cho dưới tên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Đối với Hồ Chí Minh dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc là mục tiêu, là động lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển.
Dân là gốc và dân là chủ, các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước là đầy tớ của nhân dân. Từ sự khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” , Hồ Chí Minh đã nêu một triết lý hết sức sâu sắc với cách diễn đạt hết sức đơn giản, dễ hiểu: Dân là gốc và dân là chủ, thì các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước là đầy tớ của nhân dân; các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước được uỷ quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tương xứng với quyền hạn được giao, đồng thời
có nghĩa vụ và trách nhiệm phục tùng quyền lực nhân dân, phụng sự nhân dân. Người viết: “Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân… Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” .
Vai trò chủ thể của nhân dân thể hiện trên nhiều phương diện, người dân có thể tham gia vào mọi công việc của nhà nước và xã hội với nhiều tư cách khác nhau như: là cá nhân con người với những tố chất, phẩm chất, năng lực, cá tính, sở nguyện độc lập, khả năng tự quyết và những giá trị riêng biệt của mỗi người; là công dân với những quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể được thể hiện ở quy chế pháp lý của công dân trong mối quan hệ với nhà nước; là thành viên của các thực thể xã hội: gia đình, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo; là thành tố hợp thành Nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước và xã hội…
Để bảo đảm cho nhân dân có thể phát huy được vai trò làm chủ của mình với những tư cách chủ thể đó, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đông đảo vào các công việc của nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên đồng thời, tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.” . Đồng thời, nhân dân cũng phải có nghĩa vụ giúp đỡ Nhà nước bằng cách chủ động, tích cực tham gia vào việc quản lý nhà nước với mục tiêu và trách nhiệm của người làm chủ nước nhà. Người viết: “thực tế thì chỉ có chế độ của chúng ta mới thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thực sự tham gia quản lý nhà nước. Vì vậy cho nên nhân dân ta đưa hết khả năng làm tròn nhiệm vụ của người chủ nước nhà để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh dân ta giàu”
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện quyền dân chủ của mình, nhân dân còn thông qua các tổ chức (tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghệ nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) do mình lập ra với vai trò chủ thể - là thành hiệp của các tổ chức nhất định. Các tổ chức này có chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng của các lực lượng xã hội và là cầu nối để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, quyền lập hội có vai trò quan trọng để nhân dân tham gia vào các hoạt động xã hội, để thể hiện ý chí, nguyện vọng và chính kiến của mình và cũng là môi trường để mỗi người học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Người viết: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân, như… Mặt trận, Công đoàn, Hội Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc v.v. Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ”15. Trong Sắc lệnh số 102-SL/L-004, ngày 20/5/1957, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quy định rõ: “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta. Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội.
Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác” .
Thực hành dân chủ là cái chía khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc. Dân chủ là giá trị xã hội lớn, có tính phổ quát, là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến và quyền lực của mình tham gia vào các hoạt động của nhà nước và xã hội. Dân chủ là yếu tố quan trọng để bảo đảm công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội… Tuy nhiên, về mặt lý luận, dân chủ là một khái niệm trừu tượng, một phạm trù có tính lịch sử. Dân chủ không có mục đích tự thân. Giá trị, nội dung, tính hiện thực và những tác động cụ thể của dân chủ chỉ có thể được biểu hiện thông qua những nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động cụ thể do các chủ thể (nhà nước, tổ chức, cá nhân) tổ chức, thực hiện. Vì thế, nhận thức đúng về dân chủ là cần thiết, quan trọng, nhưng chưa đủ. Để tiếp cận và phát huy giá trị của dân chủ, để dân chủ trở thành động lực và sức mạnh, thì vấn đề quan trọng hơn là phải thực hiện dân chủ, nghĩa là phải thực hành để hiện thực hoá dân chủ, đưa dân chủ vào thực tiễn đời sống, để dân chủ trở thành yêu cầu, tiêu chí, điều kiện, phương cách sinh hoạt của đời sống xã hội, nhà nước và cá nhân.
Hồ Chí Minh là người luôn đề cao dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, và Người đặc biệt coi trọng thực hành dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là dân làm chủ; nhà nước ta là nhà nước dân chủ nên muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì “Nhà nước ta phải phát huy dân chủ đến cao độ” và “Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc” . Để thực hành dân chủ thì phải triển khai nhiều nội dung, nhiều hình thức, với sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó mỗi chủ thể có vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác nhau.
Đối với nhân dân, việc tham gia vào thực hiện dân chủ trước hết là quyền của mỗi người dân. Quyền này có nội dung rất rộng như: quyền sử dụng lá phiếu để bầu
ra những người đại diện mình vào các cơ, tổ chức của bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội; quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (quyền phúc quyết hiến pháp và tham gia các cuộc trưng cầu dân ý); quyền tham gia vào các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; quyền tham gia vào các các hoạt động giám sát, phản biện xã hội… Bên cạnh những quyền đó, thì mỗi người cũng có những nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong thực hiện dân chủ.
Đối với các cơ quan, cán bộ, người có chức vụ trong bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thì việc thực hiện dân chủ trước hết là trách nhiệm và nghĩa vụ: trách nhiệm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy dân chủ, trách nhiệm tổ chức các hoạt động để nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến, quyết định của mình; trách nhiệm giải trình, tiếp thu, phản ánh những ý kiến, quyết định của nhân dân…Đồng thời, các cơ quan, cán bộ, người có thẩm quyền cũng được trao những quyền hạn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đó.
Muốn có dân chủ thật sự, chân chính thì phải có tự do tư tưởng, phải tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi, phải có năng lực và biết cách tổ chức, khơi dạy tiềm năng, sự sáng tạo, nhiệt tình của mọi người, để mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý và tham gia tích cực vào mọi quá trình dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo” ; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do… Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền lợi mà cũng là nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý” .
ThS. Mai Văn Bằng - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương