Ứng xử văn hóa đô thị trong xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, đô thị hóa, sự biến đổi đô thị, cùng với đó là lối sống đô thị biến động đa dạng, phức tạp, đã và đang trở thành một xu thế phát triển mạnh không chỉ ở nước ta mà còn nhiều nước trên thế giới. Thực tế cho thấy, quá trình mở cửa kinh tế và văn hóa, sự giao lưu hội nhập mạnh mẽ trong và ngoài nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được mở rộng trên phạm vi cả nước với nhiều thuận lợi cũng như những thách thức…, lối sống đô thị nói chung, cách thức ứng xử văn hóa ở đô thị nói riêng đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh hiện nay, đô thị hóa, sự biến đổi đô thị, cùng với đó là lối sống đô thị biến động đa dạng, phức tạp, đã và đang trở thành một xu thế phát triển mạnh không chỉ ở nước ta mà còn nhiều nước trên thế giới. Thực tế cho thấy, quá trình mở cửa kinh tế và văn hóa, sự giao lưu hội nhập mạnh mẽ trong và ngoài nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được mở rộng trên phạm vi cả nước với nhiều thuận lợi cũng như những thách thức…, lối sống đô thị nói chung, cách thức ứng xử văn hóa ở đô thị nói riêng đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm.
Cả trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, nhiều mối băn khoăn đang được đặt ra trước sự biến đổi nhanh chóng của đô thị hiện đại: có một hay nhiều lối sống ở đô thị; mỗi tầng lớp cư dân hay thành phần kinh tế có một lối sống riêng hay cùng chung một lối sống; mức sống, phong cách sống chi phối thế nào tới lối sống của cư dân đô thị; giá trị và đặc trưng ứng xử văn hóa ở đô thị có gì nổi bật so với các vùng miền khác… Trong sự phức tạp đó, thật không đơn giản khi phải đề cập phân tích rành mạch những vấn đề vừa đặt ra. Trên cơ sở một cái nhìn khái quát về đô thị, lối sống đô thị, và sự biến đổi của nó, tác giả xin phép chỉ đi vào một vấn đề hẹp: ứng xử văn hóa đô thị trong văn hóa cộng đồng ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh biến đổi mạnh mẽ hiện nay có gì đáng chú ý và giải pháp nào để xây dựng nếp ứng xử văn hóa đẹp ở các đô thị.
2. ĐẶC TRƯNG ĐÔ THỊ VÀ ỨNG XỬ VĂN HÓA Ở ĐÔ THỊ
Về cơ bản, đô thị và lối sống đô thị có đặc trưng khác biệt so với nông thôn và lối sống ở nông thôn. Có thể nhận thấy rất rõ sự khác biệt đó khi đối sánh cảnh quan thiên nhiên, cơ cấu xã hội, thiết chế văn hóa, phương thức giao tiếp ứng xử, tâm lý cộng đồng… và nhiều yếu tố khác nữa. Khi tìm hiểu đô thị và lối sống đô thị để tạo tiền đề nhận diện ứng xử văn hóa ở đô thị, cần chú ý tới một số đặc trưng của đô thị: sự tập trung cao độ về các điều kiện hình thành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; dân số tập trung đông, mật độ cao do tăng trưởng tự nhiên và cơ học; sự đa tạp về nguồn gốc cư trú, về đặc điểm xã hội mang tính gá lắp thiếu chặt chẽ; sự biến động nhanh và mạnh của cơ cấu xã hội dân cư đô thị theo hướng nhiều thành phần và ngày càng phức tạp; xu hướng thị dân hóa theo những định chuẩn khác nhau, những tiêu chí khác nhau; sự chuyển đổi nhanh các định hướng giá trị, trong đó rõ rệt nhất là đề cao phẩm cách con người cá nhân; sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt và ngày càng có xu hướng gia tăng; xu hướng đóng, hẹp, lỏng lẻo trong giao tiếp ứng xử văn hóa, đặc biệt khi đối sánh với xu hướng mở rộng và chặt chẽ trong giao tiếp ứng xử ở nông thôn…
Những đặc trưng này chi phối rất nhiều đến phương thức và thực trạng văn hóa ứng xử ở đô thị, đặc biệt là ở những đô thị lớn có sự biến đổi nhanh chóng trên nhiều phương diện.
3. THỰC TRẠNG CHUNG CỦA ỨNG XỬ VĂN HÓA ĐÔ THỊ Ở CÁC KHU ĐÔ THỊ HIỆN NAY
Đô thị là trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dân cư, vì thế có thể thấy ngay rằng cộng đồng đô thị là một tập hợp lớn, mang tính gá lắp tương đối lỏng lẻo các nhóm xã hội đa dạng khác nhau, ở nhiều địa bàn không giống nhau và hết sức không thuần nhất về mặt cơ cấu dân cư, tâm sinh lý, nghề nghiệp… Ở nông thôn, trong một làng, một xã, thường chỉ gồm một số họ tộc, láng giềng từng sinh sống lâu đời, quen thuộc nhau như người nhà và khi gặp gỡ nhau, dù ở đâu họ cũng chào hỏi thân thiết. Còn ở đô thị, do là sự tập hợp ngẫu nhiên từ nhiều nguồn, việc giao tiếp ứng xử với nhau thực sự lỏng lẻo, thiếu thân thiết. Về môi trường và nghề nghiệp, giữa đô thị với nông thôn cũng có những khác biệt. Cảnh quan, môi trường sống ở nông thôn tương đối rộng rãi, thoáng đãng. Nghề nông tương đối thuần nhất và làm theo mùa vụ, nên người nông dân có cơ cấu thời gian rỗi hợp lý hơn (khi xong mùa vụ, cấy gặt xong hoặc nông nhàn), tạo điều kiện giao tiếp ứng xử thuận lợi hơn. Trong khi đó, người dân đô thị bắt buộc phải chịu đựng sức ép của cảnh quan không gian chật hẹp (trong khoảng cư trú có hạn của gia đình, ở công sở). Hơn nữa, nghề nghiệp của cư dân đô thị vô cùng đa dạng, khó bố trí cơ cấu thời gian rỗi hợp lý dành cho giao tiếp ứng xử cá nhân và cộng đồng. Vì thế, người dân đô thị, dù muốn hay không, bắt buộc phải lựa chọn phương thức ứng xử văn hóa trong môi trường hẹp, theo những nhóm riêng, với những quy chuẩn riêng. Như vậy, lấy lời chào làm ví dụ, người dân đô thị không chào cả xóm, không mời cả xóm khi có việc quan trọng như người nông dân, mà chủ yếu ứng xử theo kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng, ít giao du láng giềng, quá lắm là ứng xử trực tiếp trong gia đình, nhóm bạn, nhóm công việc… Ngay cả ở môi trường mở hơn như đi du lịch hoặc tham gia lễ hội thì tính chất giao tiếp ứng xử của người dân đô thị cũng không mở rộng được là bao. Rõ ràng, họ có thể chấp nhận ứng xử nội bộ trong từng nhóm xã hội mà không cần biết đến cách thức hay tiêu chuẩn ứng xử của các nhóm khác. Điều này là một yếu tố tạo nên sự đóng và hẹp trong giao tiếp ứng xử văn hóa của dân cư đô thị.
Một thực trạng khác, do tính chất ứng xử trực diện, trực tiếp đóng và hẹp ấy, đứng trước những biến động đô thị, người dân đô thị bắt buộc phải tìm cho mình một lối thoát ở sự giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông (nghe đài, đọc sách báo, xem truyền hình, internet, mạng xã hội…). Những điều tra xã hội học đô thị gần đây cho thấy, người dân đô thị ít có thời gian rỗi dành cho giao tiếp ứng xử văn hóa. Kể cả khi có thời gian, họ cũng ít ra khỏi nhà hoặc ít rời khỏi nhóm nhỏ (bạn bè, đồng nghiệp) để tham gia vào những hình thức giao tiếp ứng xử trực tiếp rộng lớn hơn. Họ dành phần lớn thời gian rỗi để làm thêm, giải trí trong gia đình, thăm hỏi họ hàng, bạn bè thân quen, thi thoảng mới tham dự lễ hội, đi du lịch và tham gia các hình thức sinh hoạt ngoài trời khác. Như vậy, bước đầu có thể thấy, giao tiếp ứng xử văn hóa ở đô thị mang tính gián tiếp, phân tán, không thuần nhất, đa dạng và phức tạp.
Hơn nữa, trong bối cảnh mới, khi mà sự biến đổi đô thị hóa ngày càng tăng, cơ chế thị trường ngày càng lan tỏa và thúc ép, thì sự phân chia vai trò người dân thành những vai trò kép là một hiện tượng đặc trưng ở đô thị nước ta. Từ vai trò một cán bộ nhà nước, sau giờ làm việc, họ có thể trở thành kẻ làm thuê cho người khác trong một công việc khác, hoặc bằng chính nghề nghiệp của mình. Vả lại, ở đô thị ngày càng đông đúc hiện nay, người dân ngày càng phải đương đầu một cách gay gắt hơn với hàng loạt vấn đề về môi trường sống (sự chật hẹp của nhà ở, đường đi, sự ô nhiễm môi trường, sự chụp giật về điều kiện sống, sự gia tăng của thói lãnh đạm thờ ơ, sự phức tạp của tệ nạn xã hội…). Điều đó khiến cho quan hệ giao tiếp ứng xử văn hóa, cũng như lối sống của cư dân đô thị, ngày càng có xu hướng thu hẹp, đóng kín lại để tự tìm một cảm giác an toàn nhất định. Đây là một trong những lý do tạo nên mặt trái của lối sống, lối giao tiếp ứng xử văn hóa ở đô thị hiện nay.
Một đặc điểm khác có tính chất trái ngược cần hết sức chú trọng trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay là sự xuất hiện khá đậm đặc của lối sống, cách giao tiếp ứng xử tiểu nông trong lòng đô thị hiện đại. Về cơ bản, giao tiếp ứng xử văn hóa ở nông thôn có nhiều điều tốt đẹp đáng trân trọng, cần kế thừa để tạo nên những chuẩn mực giao tiếp ứng xử văn hóa ở đô thị. Đó, chẳng hạn, là sự gắn kết chặt chẽ cộng đồng, tình cảm láng giềng, họ tộc tương thân tương ái, môi trường cảnh quan văn hóa lành mạnh thoáng đãng, phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa dân gian giàu giá trị… Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, giao tiếp ứng xử văn hóa ở nông thôn cũng đang bộc lộ không ít những mặt trái. Đó là tầm nhìn hạn hẹp, thái độ tùy hứng trong công việc, biểu hiện gia trưởng, ý thức sống và làm việc theo pháp luật yếu, đầu óc bè phái, tâm lý phép vua thua lệ làng… Có thể nhận thấy dư vị của lối sống tiểu nông trong đời sống đô thị, các công sở, nhiều gia đình và trong mỗi cá nhân… Chính điều đó sẽ gây cản trở sự phát triển đô thị, cản trở sự hình thành giao tiếp ứng xử văn hóa ở đô thị theo hướng hiện đại, văn minh. Nước ta là một nước nông nghiệp, trên dưới 70% dân số là nông dân, cuộc sống cơ bản còn gắn bó sâu nặng với nông thôn, song trước nhu cầu đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc loại trừ những biểu hiện của lối sống tiểu nông đang hiện diện trong giao tiếp ứng xử văn hóa ở đô thị vẫn là một vấn đề cần đặc biệt chú trọng.
Về thực trạng giao tiếp ứng xử văn hóa ở đô thị, còn quá nhiều vấn đề chung cũng như cụ thể đang diễn ra trong thực tiễn đời sống. Mỗi người chúng ta, dù là thị dân hay nông dân ở đô thị hiện nay, đã và đang cảm nhận quá rõ thực trạng này. Vì thế, bài viết cũng chỉ nêu lên vài đặc điểm chung của thực trạng ấy. Đó là: ứng xử văn hóa đô thị mang tính đặc trưng cao độ của nhiều loại ứng xử vùng miền, cộng đồng nên phức tạp, đa dạng, phong phú. Ứng xử văn hóa đô thị mang tính đóng và hẹp, phân tán và không thuần nhất. Ứng xử văn hóa đô thị về cơ bản biểu hiện tính chất gián tiếp thông qua tiếp xúc với phương tiện truyền thông, các loại hình nghệ thuật ở môi trường gia đình và nhóm nhỏ. Ứng xử văn hóa đô thị còn mang đậm tính chất tiểu nông cần được chú trọng sàng lọc… Xung quanh những đặc điểm đó, chúng ta có thể rất dễ dàng tìm ra những minh chứng từ thực tiễn. Và thực trạng đó đòi hỏi có những giải pháp để tìm hiểu, tác động, thúc đẩy hoặc loại trừ.
4. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ỨNG XỬ VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG Ở CÁC KHU ĐÔ THỊ
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhịp độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng tăng nhanh, tạo nên những biến đổi lớn lao, thì ứng xử văn hóa ở đô thị đang dần bộc lộ rõ nét cả cái được lẫn cái chưa được. Để gạn đục khơi trong, rất cần thiết phải có được những giải pháp mang tính mở, tính đối thoại từ hai phía: những nhà quản lý đô thị và cư dân đô thị. Bên cạnh những giải pháp vĩ mô về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tác giả nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể sau:
* Về phía những nhà quản lý đô thị:
- Nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử nơi công cộng. Không gian, môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay, góp sức của mỗi người với tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm.
- Để hình thành nên môi trường văn hóa, các cấp ủy đảng và chính quyền cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; trong đó, cần thực hiện tốt mục tiêu: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách” theo tinh thần Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ (Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009) nhằm đưa văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo những giá trị tốt đẹp để con người có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn.
- Đối với các cơ quan quản lý phụ trách, điều hành hệ thống thiết chế văn hóa công cộng, trên cơ sở bám sát những quy định, hướng dẫn của Chính phủ, nhất là Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Từ đó, xây dựng bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành nghề, phù hợp với tập tục, tập quán và nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền.
- Cần nghiên cứu sâu về đô thị, khoa học quản lý đô thị, những đặc trưng và sự biến đổi của đô thị trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
- Khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa ở đô thị, thực trạng lối sống văn hóa, ứng xử văn hóa của từng đối tượng cư dân đô thị. Từ đó, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu, tần số giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực nên có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa.
- Tăng cường phổ biến tuyên truyền về mục tiêu xây dựng lối sống mới, con người mới, văn hóa mới thông qua các phong trào văn hóa, nòng cốt là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Qua các phong trào đó, dần dần hình thành phong cách ứng xử văn hóa ở đô thị.
- Kết hợp quản lý nhà nước về đô thị với các quá trình tự quản của cư dân đô thị trong lĩnh vực lối sống văn hóa, ứng xử văn hóa phù hợp với điều kiện và môi trường sống ở đô thị hiện nay…
* Về phía cư dân đô thị:
- Nâng cao tri thức, hiểu biết, tự định chuẩn hóa hình thức, ngôn ngữ và hành vi ứng xử văn hóa phù hợp với môi trường, bối cảnh, chế định xã hội ở đô thị. Người dân cần được trang bị đầy đủ tri thức về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các phương tiện truyền thông nhằm tạo ra môi trường thuận lợi tác động tối ưu giúp con người hình thành và hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông có khả năng truyền bá, phổ cập rộng rãi các yếu tố văn hóa tiến bộ giúp cho các cá nhân ứng xử với nhau một cách thân thiện, khoan dung và tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
- Để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh thiếu niên. Trong các cơ sở giáo dục, cần thực hiện nhất quán, đồng bộ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI; trong đó, chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho người học.
Truyền thống giáo dục, văn hóa của mỗi gia đình, địa phương là yếu tố đầu tiên, đóng vai trò nền tảng, tạo môi trường tốt để mỗi cá nhân học tập và cố gắng vươn tới những giá trị cao đẹp. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới (Internet, mạng xã hội), sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, các gia đình cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa cho con em, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biến động trong tâm sinh lý con em mình để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp. Đối với các cơ sở giáo dục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho các học trò. Tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm thực tiễn và xử lí những tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành lên những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp.
- Tôn trọng những quy chuẩn pháp quy, cơ chế tự quản của nhóm xã hội, gia đình, cá nhân trong ứng xử văn hóa ở đô thị.
Tạo điều kiện, môi trường tốt cho việc tiếp nhận, thích ứng và hiện thực hóa các tri thức văn hóa. Vì việc thống nhất và phù hợp giữa những tri thức với thực tiễn xã hội có sự khác nhau nhất định nên việc tạo dựng được môi trường xã hội để những giá trị ứng xử được kiểm chứng là điều kiện tốt nhất để cá nhân thể hiện được văn hóa ứng xử của bản thân. Một cá nhân có thể thay đổi cách suy nghĩ, lối sống trong một thời gian ngắn, những biểu hiện của văn hóa ứng xử có thể thay đổi do các yếu tố về thời gian, về thể chế hay điều kiện kinh tế nhưng bản chất văn hóa ứng xử của một dân tộc thì không dễ gì thay đổi và luôn cần được gìn giữ.
- Nâng cao điều kiện, khả năng tạo quỹ thời gian rỗi và cơ cấu thời gian rỗi. Gia tăng nhu cầu, thị hiếu, tâm lý, tần suất giao tiếp ứng xử văn hóa trực tiếp trong sinh hoạt vật chất và tinh thần ở đô thị, nhằm thích ứng nhanh với sự biến động đô thị ngày càng mạnh mẽ.
KẾT LUẬN: Ứng xử văn hóa đô thị là một biểu hiện của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, xu hướng vận động, phát triển của ứng xử văn hóa đô thị cũng chịu tác động mạnh mẽ từ sự vận động, phát triển của xã hội. Từng cá nhân, từng thành viên của xã hội đều là những người góp phần xây dựng và phát triển ứng xử văn hóa đô thị, do đó việc xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân vững chắc là nhu cầu tất yếu trong quá trình đô thị hóa và phát triển xã hội hiện nay ở Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Phạm Xuân Nam: Văn hóa và kinh doanh, Nxb. Khoa học xã hội, 1996, Hà Nội, tr. 34.
3. Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.
4. Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
5. Nguyễn Thanh Tuấn: Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay, Nxb. Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008, tr. 36.
ThS. Mai Văn Bằng - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương