Liệt sĩ Lê Thị Thiên - ngọn lửa nhiệt huyết không bao giờ tắt
TTBD - Chỉ bằng tuổi chúng ta bây giờ, nhưng những con người ấy đã khẳng khái cất bước lên đường, đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước. Biết bao thế hệ thanh niên đã "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu)", hy sinh cả tuổi xuân của mình để góp phần tô đậm màu xanh hoà bình độc lập Tổ quốc, cho tương lai đất nước được tươi đẹp như ngày hôm nay mà chúng ta đã và đang được hưởng lấy. Một trong những con người tiêu biểu ngày ấy là nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên - người con gái ở miền sông nước Tiền Giang. Chị đã hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 21.
Nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên và cuốn nhật ký của mình
Tôi chợt nhớ lại câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel Korchagin trong "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky, rằng:“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”. Những dòng này chắc chắn cũng có trong sổ tay của nhiều thanh niên cùng thời với chị Lê Thị Thiên. Sống vì mọi người là quan niệm đã khắc sâu trong tâm thức của cả một thế hệ những người đi đánh Mỹ. Thế hệ ấy đã sống và hành động đúng như những gì họ đã khắc ghi tâm niệm.
Bởi tâm hồn trong trắng, thánh thiện của chị đã đem đến cho chị một cái chết thật bi hùng; để những gì chị để lại cho đời không rơi vào quên lãng. Trong đó, đặc biệt nhất là cuốn nhật ký mà chị để lại: “Thế hệ Hồ Chí Minh” - một kỷ vật vô giá, thiêng liêng như một lời nhắn nhủ thế hệ trẻ sau này về lý tưởng sống. Nội dung chủ yếu cuốn nhật ký ghi lại những năm tháng công tác, hành quân của chị trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1966, trên vùng đất Chiến khu Đ, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay.
Những trang viết trong cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”
Cuốn nhật ký chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tình cảm trong sáng của liệt sĩ Lê Thị Thiên giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về gia đình, quê hương của người nữ chiến sĩ cách mạng mới 17 tuổi đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ, và hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 21. Những dòng viết rất thật, như chắt lọc từ đáy lòng sâu thẳm, như trải ra với những lời yêu thương, khát khao cống hiến vĩnh viễn, là lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Cuốn nhật ký đã thể hiện tâm tư của liệt sĩ Lê Thị Thiên - một người chiến sĩ cộng sản luôn vững vàng trong chiến đấu, xây dựng niềm tin tươi sáng cho ngày mai, sự kiên định lập trường trong tư tưởng, sự dung dị của đời thường,… Nó tiếp tục thắp lên trong thế hệ hôm nay lòng yêu nước, tri ân và trân trọng lý tưởng cách mạng cao đẹp mà thế hệ cha anh đã hy sinh để khẳng định sự trường tồn của lý tưởng ấy.
Tư tưởng xuyên suốt của cuốn nhật ký là chất anh hùng cách mạng ở trách nhiệm của bản thân khi nghĩ về Tổ quốc được thể hiện qua tình yêu quê nhà, gia đình và đồng đội; một lòng son sắt hướng về Đảng, cách mạng Vệt Nam. Chị xác định cho mình một lý tưởng và quyết tâm thực hiện cao từ những việc làm rất bình thường, rất thật nhưng lại rất cao quý, đáng trân trọng, khâm phục và đáng học tập.
Tôi thực sự xúc động khi đọc nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”.Tuổi trẻ ngày đó nhờ lý tưởng cách mạng cao cả, ý chí phi thường mà ở giữa mưa bom lửa đạn, giữa muôn vàn khó khăn lại cháy bỏng lên tâm hồn đầy nhiệt huyết, không sợ hiểm nguy không sợ chết. Quả đúng như những lời hào hùng, khí phách của nhà thơ Tố Hữu:
“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu Dấn thân vô là phải chịu tù đày”
Trăng trối - Tố Hữu (Lao Bảo, 11-1940 -Trong những ngày tuyệt thực).
Là một thanh niên chị đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ. 17 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người với biết bao mơ mộng. Song chị quyết định đánh đổi tất cả những gì của tuổi thanh xuân: tình cảm gia đình, sắc đẹp, tài năng, tình yêu đôi lứa,… đang rộng mở chỉ để được dấn thân… không chịu nỗi đau nô lệ, không chịu nhìn cảnh đất nước bị chia đôi. Việt Nam chiến thắng kẻ thù cũng vì có những con người như thế.Hạnh phúc đối với chị chính là sự xả thân và sống bằng sự cống hiến. Vì vậy ngay từ khi tham gia cách mạng, chị đã đặt ra mục tiêu cho mình là luôn luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, để trở thành con người tiến bộ, người đảng viên ưu tú của Đảng. Lý tưởng cộng sản, chân lý của cách mạng là những điều chị luôn hướng tới và xem như bó đuốc soi đường dẫn dắt chị khỏi lầm đường lạc lối:“Qua lời kể của chú Năm, M. soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý của cách mạng”.
Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, sự giáo dục của cách mạng mà chị đã gặt hái kết quả to lớn, đó là đã lớn lên về tư tưởng, về công tác. Chị viết “M. cũng từ đó, qua sự giáo dục của cách mạng, của Đảng, với nhiệm vụ công tác của mình, M. đã lớn lên về tư tưởng, về công tác. Phải trui rèn nhiều hơn nữa để trở thành con người ở thế hệ Hồ Chí Minh”.
Thấp thoáng trong Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” có một tình yêu rộng lớn hơn, một tình người gắn liền với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, tình nghĩa với đồng bào và sâu rộng hơn đó là tình yêu đất nước.
Chị sống giản dị, gần gũi, yêu thương… mang trong lòng một khát vọng hoà bình cháy bỏng. Điều này chúng ta có thể đọc thấy ở những trang nhật ký viết khi chị suy nghĩ, trăn trở. Chị giàu lòng yêu nước và chí căm thù giặc sâu sắc. Đối với kẻ thù, chị tỏ thái độ dứt khoát là không do dự:
“Này bè lũ cướp nước hôi tanh, Đừng có hống hách, đừng mong được về”.
Còn đối với Tổ quốc, chị “dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến”, điều đó là hiện thực, chị đã ngã xuống khi mới 21 tuổi.Có thể nói tình yêu đất nước trong con người chị luôn trỗi dậy như ngọn lửa hồng cháy rừng rực không bao giờ tắt. Lúc nào chị cũng nghĩ đến Tổ quốc. Hai tiếng Tổ quốc luôn khắc sâu trong trái tim chị. Vì Tổ quốc mà “chiến đấu đến cùng, vì Tổ quốc mà phục vụ quên mình.
Để có được chiến thắng “góp phần thắng nhanh về ta” thì thế hệ của chị phải:
“Đấu tranh gian khổ, đắng cay kiên lòng
Bên nhau chiến đấu cùng lý tưởng
Vững lòng san phẳng mọi bất công
Bên nhau chiến đấu vì dân
Đạp bằng trở ngại, tiến lên diệt thù...”.
Chị vui với thắng lợi của dân tộc.Chị luôn khao khát được hoạt động, cống hiến ngay cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất của cuộc chiến đấu, "Một tuần qua là thời gian lộ chết (nằm hầm).Rất mong tình hình trở lại bình thường để tiếp tục công tác. Không làm được gì, M. buồn nhiều...".
Những trang viết trích từ Nhật ký Chị mơ ước về một cuộc sống hoà bình cho người dân khi chiến tranh kết thúc:
“Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn
Nhớ anh, sống chiến đấu như anh
Góp công giải phóng quê hương
Giành quyền dân tộc, tình thương giống nòi
Làm sao xứng với tuổi xanh
Giải phóng đất nước, đoạt thành ước mơ”.
Nhớ anh (Kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi)
“Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng
Miền Nam ta giải phóng tự do
Gia đình sum họp một nhà
Cùng nhau vui hát bài ca “Thanh bình”.
Nói đi em (Mến tặng em H., người em cùng quê hương)
Nhưng tiếc rằng ngày đất nước giải phóng, thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà thì chị không còn nữa. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ: ở bên kia thế giới chị cũng đang cảm thấy hạnh phúc khi đất nước được độc lập, tự do.
Đọc những trang nhật ký của chị, xen lẫn và bao trùm những dòng chữ hừng hực đầy ắp chất lý tưởng là một tình người bao la, đằm thắm, sâu sắc, mang đậm nét nữ tính vị tha và dịu dàng. Trước hết là tình cảm gia đình, vô cùng yêu thương gắn bó với gia đình nhưng chị vẫn quyết tâm ra đi vì một tình yêu lớn lao hơn, đó là tình yêu đất nước. Trong những trang nhật ký của chị ghi ở chiến trường, nhiều lần chị đã nhắc đến ba má, đến các em với một nỗi nhớ thương cồn cào, da diết : Ngày 26-7-1964: Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin.
Một mạch tình cảm nữa cũng dâng tràn trong những trang nhật ký của liệt sĩ Lê Thị Thiên, đó là tình bạn.Họ là những người bạn và cũng là những người đồng đội của chị. Chị nhớ đến họ trên nhiều trang nhật ký, chị tìm các cách để quan tâm đến họ một cách cụ thể, chị lo lắng dõi theo bước chân của họ trên những nẻo đường đầy bom đạn và bóng thù rình rập và chị bàng hoàng nhỏ những giọt nước mắt mặn mòi xót thương khi có ai trong số những người bạn ấy bị thương:
- Ngày 8-8-1966: Có người ở C2 xuống Dĩ An, CT (anh Lý) cho biết anh H.Thu bị thương nặng (cách đây 2 tháng) suýt chết. Được tin này, M. lo lắng thương xót cho anh, cả chị nữa. Anh ấy đau vì vết thương hành, còn chị ấy đau vì nhìn vết thương sự mỏi mệt của chồng. Thảo nào M. đã trách và cũng không biết vì sao thư từ lại vắng bặt. M đã thông cảm và cũng xúc động nhiều.Không biết rồi đây M. còn có gặp lại anh, chị ấy hay không, có thể là không?Vì sức khỏe anh ấy đã kém đi, có thể sẽ chuyển công tác khác. Do tình cảm sâu nặng, M. rất không muốn tương lai bị xa cách.
Mong anh chóng lành vết thương để trở lại công tác.
Qua những dòng nhật ký trên cho thấy chị Thiên là một người giàu tình cảm.
Thật là thiếu sót nếu không nói về những cảm nhận của chị Thiên đối với tình yêu. Giữa thời kỳ khói lửa bom đạt mịt mùng, ngoài tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, tình yêu bao la giành cho đồng loại, chị Thiên còn có một trái tim biết yêu và biết thổn thức vì yêu. Tình yêu mà ta cảm nhận được trong Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” là một tình yêu trong sáng nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Về tình cảm riêng tư, chị thổ lộ: "Có người đến tìm hiểu và hỏi ý kiến muốn xây dựng cùng M. nhưng ý nghĩ, tư tưởng chưa nghĩ tới. Cho nên M. không thể nhận lời, không thể vừa lòng người được" (nhật ký ngày 20/10/1965).
Là người con gái ở vào tuổi yêu đương, chị cũng có những xảm xúc, rung động đầu đời nhưng vì đất nước mà chị chưa nghĩ tới xây dựng gia đình với người ấy. Điều đáng khâm phục là chị đã biết cách nén đau thương để biến thành lòng căm thù và tiếp tục chiến đấu khi chị biết tin "người ấy" của mình đã bị địch bắt trong cuộc càn quét ác liệt. Nhật ký ngày 21/1/1966, chị viết: "Đến gặp anh C. để bàn công tác. Một tin làm M. xúc động vô cùng: người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8/1 (ngày đầu địch càn vào bắt C2). M. buồn và suy nghĩ nhiều. Dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc, nhưng trong lòng ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra, còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư. Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi là người... lý tưởng của M.". Cách để chị vượt qua mất mát này là so sánh tình cảm của mình với tấm gương của anh Nguyễn Văn Trỗi: "M. lại nghĩ đến tình yêu cao thượng của anh Trỗi - chị Quyên. Đôi vợ chồng vừa mới cưới nhau 20 ngày, mới sống chung thời gian ít như vậy". Biến đau thương thành hành động, giờ đây M. phải làm tốt mọi công tác được giao, là cơ sở chuẩn bị cho công tác mai sau (giáo dục)...".
Những dòng nhật ký ngắn thoáng qua về riêng tư của bản thân chị trong quyển nhật ký 35 trang đã khẳng định lý tưởng sống, chiến đấu cao đẹp, hạnh phúc con người của chị là: "Khi Tổ quốc cần, họ phải biết xa nhau" (Nguyễn Mỹ)
Hay:
“Hạnh phúc là gì?Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.
(Dương Hương Ly)
Có thể tìm thấy ở Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” một lối sống lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, mặc dù đang sống giữa thời kỳ khó khăn và ác liệt nhất của cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh cuộc chiến với kẻ địch, chị cũng như đồng đội còn đối phó với bệnh tật trong điều kiện thiếu thốn lương thực và thuốc men nhưng vẫn tự tin, lạc quan tin vào chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Điều này chị nhấn mạnh rất rõ trong nhật ký: “LẠC QUAN + PHẤN KHỞI + TIN TƯỞNG”.
Sau khi đọc cuốn nhật ký của Nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam viết: "Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả tâm hồn của họ luôn trẻ trung trong sáng; lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan; họ hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; tính tự giác, tự phê bình, tự chịu trách nhiệm nghiêm túc, sâu sắc...".
Gấp cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, trong tôi bỗng trỗi dậy những ký ức về chiến tranh. Bởi lẽ, chúng ta càng thấy mình trở nên nhỏ bé so với chị, với những thế hệ đã hy sinh cho dân tộc. Chị cho thế hệ thanh niên ngày nay hiểu rõ hơn về cuộc sống của thế hệ cha anh đi trước.Thế hệ của thời kỳ máu lửa, nhưng vẫn giữ đậm tính nhân văn sâu sắc, người với người sống với nhau đầy tình thương yêu.Ở đâu cũng vậy, con người cũng cần có tình yêu thương. Tình yêu thương giữa con người với con người là những giá trị vĩnh hằng. Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” chính là một cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những giá trị đích thực như vậy.
Đọc xong nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, tôi thật sự cảm phục chị Thiên.Ở chị có một sức mạnh cương tỏa, chinh phục tất cả bởi sự giản dị, dịu dàng và mạnh mẽ, không khuất phục. Chúng ta học tập ở chị cái tình, cái nghĩa, cái chí khí quyết thắng, sự gần gũi yêu thương chân thành, trung hậu,… Phải chăng đó là sức mạnh lớn nhất trong con người!
Chúng ta, tất cả những người đang sống hôm nay phải làm thế nào để tiếp bước những gì mà chị Thiên đã khao khát. Câu hỏi đó vẫn còn trăn trở trong mỗi con người, trong bạn trẻ hôm nay và ngay cả trong tôi.
Là người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, thành quả của những người đã ngã xuống hôm qua, những chiến sĩ anh hùng cách mạng. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn mãi mãi thành quả đó để xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày một giàu mạnh, văn minh, công bằng hơn.Chúng ta cần phải sống và lao động có hoài bão, có lý tưởng, nhiệt huyết hơn. Phải biết “tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi hai mươi” để tạo nên một thế hệ anh hùng mới trong thời đại mới. Điều này lại càng rất cần thiết khi trong bối cảnh xã hội ngày nay có không ít những thanh thiếu niên đã nhận thức sai về giá trị và lý tưởng sống của mình.
Trần Hữu Tài - Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Tân Uyên