Thanh niên cần kiên định, bản lĩnh trong thời đại mới
TTBD - Những người lính ấy đến từ mọi miền đất nước, mọi thành phần trong xã hội. Có thể chỉ là một sinh viên còn ngồi trên giảng đường ở tuồi hai mươi cháy bổng tình yêu thương như anh Nguyễn Văn Thạc, hay bác sĩ nhiệt tâm cứu chữa cho những chiến sĩ bị thương, bỏ lại quê nhà những người thương yêu nhất mà xông pha ra chiến trường, đối mặt bơm rơi, lửa đạn như Đặng Thùy Trâm sống mãi cùng chúng ta. Thậm chí, đấy chỉ là những người nông dân đến từ nơi vùng quê cằn cỗi, khổ nghèo như trong thơ Chính Hữu, Quang Dũng… Tất cả những trái tim trẻ trung, sôi nổi, nhiệt tình ấy đã hòa cùng chung nhịp đập, họ dấn thân vào nơi khổ đau để tìm lấy thứ ánh sáng dịu kì cho hòa bình độc lập dân tộc.
“Nếu làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!”
(Chào xuân 67 – Tố Hữu)
Bốn câu thơ, tuy không quá dài nhưng lại chan chứa biết bao nhiêu cung bậc tình cảm mà muôn đời sau chúng ta vẫn thiết tha trân trọng, cố gắng giữ gìn. Bởi đó chính là lí tưởng, là quan niệm sống thiết tha ân tình, nguyện hi sinh tất cả vì kết quả độc lập dân tộc chung của nhân dân cả nước.
Hàng ngàn năm đô hộ giặc Tàu, hàng trăm năm đô hộ giặc Tây, bao đau thương mất mát chồng chất lên nhau, nỗi đau âm ỉ kéo dài mãi đến hôm nay đây. Và cũng trong giai đoạn đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, loạn lạc, Việt Nam ta đã có hàng triệu những trái tim nhiệt huyết yêu nước tràn đầy, bỏ lại sau lưng tất cả bạn bè, gia đình, chuyện học còn dang dở hay những mối tình vừa mới hé… để lên đường chinh chiến, dấn thân mình vào nơi hiểm nguy, gian lao, nơi mà ranh giới giữ sự sống và cái chết gần nhau lắm.
Mới đây thôi, tại vùng đất Tân Uyên còn nhiều khó khăn, đất đá khô cằn, người ta đã tìm được quyển nhật kí mang tên “Nhật kí thế hệ Hồ Chí Minh” còn sót lại trong tàn tích chiến tranh bao năm, vỏn vẹn có 35 trang giấy đã ít nhiều lu mờ theo năm tháng. Lật từng trang giấy trong nghẹn ngào xúc động, tìm về mảnh đất thân thương miền Tây Nam Bộ cùng 6 tấm ảnh sót lại về kỉ niệm với những người đồng đội cũ thân thương, lại thêm những tiếng nấc nghẹn ngào, đau xót…
Người con gái ấy – Lê Thị Thiên – một chiến sĩ, một nhà giáo đã cống hiến rất nhiều cho thành quả hôm nay đây của đất nước. Chị rời bỏ mái trường, xa quê hương, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu nhất để lên đường theo kháng chiến khi tuồi đời mới có mười bảy. Dân gian ta thường nói “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, không hẳn đề cao sức mạnh thể lực, mà đấy còn là lứa tuổi nhiều nhiệt tình, say mê, khát vọng cao đẹp với đời. Và Lê Thị Thiên cũng như thế, chị luôn cháy bổng một niềm tin yêu, tràn đầy khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần công sức cho sự nghiệp chung của dân tộc theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Như Tố Hữu cũng từng viết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đàn em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Rời bỏ mái trường xiết bao trìu mến thương yêu, chị tham gia cách mạng. Vẫn làm công việc dạy học, mang tri thức đến cho mọi người, chị lại tham gia các công tác khác ở địa phương, không màng gian lao, hiểm ngauy ngày đêm đang rình rập. Cũng như bao nhiêu người có trái tim nhiệt huyết, chị hăng say công tác, quên mình vì nghĩa lớn. Những lúc rỗi rảnh, chị lại lật từng trang giấy quý giá, nắn nót từng nét chữ ghi lại bao cảm xúc, tâm trạng của mình khi ở chiến trường xa xôi, nơi mà cái chết và sự sống chỉ là một ranh giới mập mờ, khó lòng phân định được.
Tháng 12 năm 1962, những dòng chữ đầu tiên được khắc ghi mang theo nhiều cung bậc tậm trạng. Theo thời gian, những dòng chữ này nối tiếp nhau, để lại bao bâng khuâng, xao xuyến trong lòng người đọc. Sau hơn nữa thế kỉ, người ta lục tìm trong kí ức dường như đã lãng quên theo năm tháng, xuôi theo dòng chảy cuộc đời mà lại gợi nhớ nhiều hơn, để rồi những trang giấy mờ nhạt ấy lại đậm nét, bừng sáng ngọn lửa hào hùng dân tộc thuở nào. Với chị, rời bỏ mái trường để tham gia kháng chiến, đó là một sự lựa chọn dứt khoát, không hề hối tiếc. Và chị luôn khát khao, luôn vui sướng vì mình có thể giúp ích cho đời. Hạnh phúc viên mãn khi chị được chọn cử tham gia lớp học về sư phạm, để có nhiều điều kiện mnang con chữ, mang tri thức và truyện đạt tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, cháy bổng đến với hàng trăm, hàng triệu trái tim người Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu từng nói:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Đấy, con chữ cũng chính là vũ khí vô cùng lợi hại để chúng ta tấn công, tiến đánh, chống lại bọn quân thù. Vì thế, chị Lê Thị Thiên đã quyết mang con chữ đến với mọi người, bất cứ nơi đâu, trên lãnh thổ này, nơi nào cần thì chị có thôi, không quản ngày hay đêm cả.
“Đâu cần thanh niên có
Đâu khó có thanh niên”
Chị là một người con ưu tú của đất Việt, luôn học tập, phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại. Chị không ngại gian khó, vất vả, sẵn sàng hi sinh cả thân mình, góp phần xương máu trong công cuộc chung của đất nước. Phấn đấu, hoạt động trong âm thầm lặng lẽ, không một lời ca thán, không một lời đòi hỏi phần thưởng xứng đáng, và để rồi chị ra đi trong âm thầm, lặng lẽ xót thương cho người con gái miền Tây Nam Bộ. Tuổi đời 21, ôi trẻ trung làm sao! Độ tuổi mà người ta luôn tràn đầy nhiệt huyết yêu thương, bao khát vọng tốt đẹp. Thế mà chị đã rời khỏi vùng đất đầy yêu thương, xiết bao trìu mến để về với cõi hư vô vĩnh hằng. Một giậc ngủ ngàn thu để lại bao tiếc nuối…
Hôm nay đây, được đọc, được tìm hiểu, có dịp trải lòng mình cùng những dòng chữ mờ nhạt theo thời gian suốt bao năm trong lòng đất, tôi mới thấu hiểu rõ về người thiếu nữa mang tên Lê Thị Thiên. Chị như một ngọn lửa bừng sáng, cháy mãi không thôi. Đọc quyển nhật kí ấy, tôi như thầu hiểu, học hỏi được rất nhiều điều. Và bất giác cảm thấy mình kém cõi quá trong cuộc đời này, để bắt kịp chị, bản thân cần rèn luyện, trau dồi nhiều hơn về mọi mặt.
Ngày 30 tháng 11 năm 1964, chị viết:
“Trong thời gian qua M. có nhiều nỗ lực trong học tập, trong công tác, có nhiều ưu điểm trong tất cả các mặt sinh hoạt. Nhưng bên cạnh đó, còn có những khiếm khuyết, bản thân cần khắc phục tiến lên, nhất là phần lý luận. Cần phải đấu tranh tư tưởng vươn lên hơn nữa theo hướng học tập mà M. đã xác định.
Tập trung cao độ, khắc phục những thiếu sót, gạt bỏ tư tưởng không hay, chủ nghĩa cá nhân. Hãy vì tập thể, cùng tương trợ nhau trong học tập và công tác. Thi hành tốt trách nhiệm, bồi dưỡng giúp đỡ đồng chí tiến bộ qua sự phân công của tổ Đoàn. Luôn nhớ đạo đức người cộng sản “Vì mọi người, vô tư mà học tập, công tác”. Rèn luyện bản thân về kiến thức văn hóa, đạo đức cách mạng”.
Đọc những dòng tâm sự, tôi cảm nhận rõ nét đây không chỉ là một người làm nghề giáo, mà còn là một chiến sĩ rất mực nghiêm túc đến nghiêm khắc tuyệt đối. Trước hết là đối với bản thân mình, rồi lan dần, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Chị đã âm thầm hoạt động và chiến đấu như thế ấy. Gạt bỏ sau lưng những gì tươi đẹp nhất, và ngay cả mối tình chớm nở đầy hạnh phúc ngọt ngào và ước vọng tương lai nhiều hứa hẹn.
Yêu nước, yêu giai cấp và căm thù giặc, Chị hạ quyết tâm làm tốt nội dung thi đua “5 tốt – 3 sẵn sàng”, giữ vững lập trường giai cấp, tinh thần chiến đấu đến cùng , lấy “lạc quan – phấn khởi – tin tưởng” làm mục tiêu công tác trong mọi hoàn cảnh. Chị còn là gương tự học cho thế trẻ mai sau, Chị luôn lấy lời nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi”, học để hiểu tri thức khoa học, có văn hóa làm cơ sở, để nâng cao khả năng chất lượng công tác, học để xứng đáng là con người mới. Chị học để có trình độ văn hóa phục vụ cho công tác, có trình độ chính trị để phục vụ cho Đảng.
Tất cả đã hội tụ nơi người con gái ưu tú ấy. Nếu như chúng ta đã biết về người anh hùng mang tên Võ Thị Sáu với khúc hát “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng trọn cuộc đời để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước… Chị Sáu đã hi sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội, vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lùi”. Thì hôm nay đây, chúng ta biết đến chị Lê Thị Thiên – người nữ anh hùng sống mãi cùng thời gian, luôi theo dấu bao thế hệ người Việt Nam, soi sáng dẫn đường để chúng ta không phải có những bước hụt lầm đường lỡ bước. Cảm ơn chị - người chị của chúng em muôn đời. Xin với lòng tri ân tha thiết, chân thành nhất thành kín tưởng nhớ đến chị.
Khép lại quyền nhật kí với 35 trang giấy mỏng manh nhưng lại là bài học rất quý giá, không bạc vàng hay bất cứ thứ vật chất nào có thể sánh được. Thiết nghĩ, quyển nhật kí là tài sản quý báu của dân tộc mà mỗi chúng ta cần nâng niu, trân trọng giữ gìn. Đó cũng chính là tấm gương tươi sáng, soi rọi sâu thẳm tâm hồn ta từ suy nghĩ đến hành động. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với nhiều biến động, những thay đổi xoay chuyển tình thế không thể lường trước được với âm mưu của kẻ thù đang ngày đêm rình rập, mỗi chúng ta cần kiên định, cần bản lĩnh và hãy học tập tấm gương của người liệt sĩ mang tên Lê Thị Thiên một cách mạnh mẽ, rõ ràng và có hành động thiết thực. Hãy biến lời nói thành hành động, kiểm chứng trong thực tế, đừng bao giờ để đó chỉ là lời nói suông cho có, như vậy chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn thôi.
Dân tộc ta, đất nước ta có vững bền, có phát triển mạnh mẽ và bền chặt được hay không, tất cả là do chúng ta. Hãy hành động với lòng quyết tâm bền chặt nhất, cùng chung tay góp sức vì sự nghiệp chung, các bạn nhé!
Tôi xin mượn lời bài hát Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh thay cho lời kết chân thành nhất.
“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương… Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm. Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm. Là người, xin một lần khi nằm xuống, cùng anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”.
Chi Đoàn THCS Phú Mỹ