Rực cháy từ ngọn lửa tuổi Hai mươi
TTBD - Qua những tình tiết về cuộc đời của liệt sĩ Lê Thị Thiên và những gì người ghi trong nhật ký, chân dung một người lính một nhà giáo đã để lại cho thế hệ, tiếp nối ngọn lửa rực cháy hy sinh gian khổ, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân vì tổ quốc thiêng liêng.
>> Mời tham gia diễn đàn “Viết tiếp Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh”
Một lần nữa tôi thật sự xúc động khi đọc quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của người giáo viên, người con ưu tú của Đảng, người chiến sĩ Lê Thị Thiên. Đây là những câu thơ của Nhà giáo Liệt sĩ Lê Thị Thiên viết trong những ngày chiến đấu trên chiến trường khắc nghiệt, lòng khao khát của chị mong sao cho đất nước được thanh bình chị được về với mái trường thân yêu, gia đình và người thân. Mong cho đất nước ta hoàn toàn giải phóng đưa những đứa trẻ được cắp sách đến trường, để chị tiếp tục cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước bằng con đường dạy học.
Qua từng trang nhật ký của Liệt Sĩ Lê Thị Thiên đã để lại cho lớp trẻ chúng tôi ngọn lửa rực cháy. Chúng tôi thật khâm phục với lứa tuổi đôi mươi mà chị Thiên đã không ngại hy sinh, gian khổ cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân vì Tổ quốc thiêng liêng. Quyển nhật ký chỉ có 35 trang giấy học trò được lấy lên từ lòng đất hơn nữa thế kỷ qua. Mà trong dòng lưu bút của chị vẫn sục sôi lửa chiến đấu chúng tôi thật xúc động khi thấy những bức ảnh là ký ức đồng đội của liệt sĩ một thời chiến tranh. Dù gian khổ nhưng trong lòng các liệt sĩ vẫn cười tươi đây là ngọn lửa đã giúp các anh chị chiến đấu quên mình.
Tôi được đọc những dòng nhật ký của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên tôi thực sự xúc động và khâm phục trước sự hy sinh cao cả của người con gái thánh thiện, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì lý tưởng cách mạng cao đẹp “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Nội dung quyển nhật ký viết “Tháng 12/1962, rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng, vừa dạy học vừa tham gia các mặt trận khác. Sau đó lên đường vào chiến trường. Ngày đi, qua lời khuyên của cậu cố khắc sâu vào tư tưởng cố gắng làm thế nào cho xứng đáng đứa cháu của cậu, đứa con ngoan của ba má. Đứa con ưu tú của Đảng”. Tháng 6/1946 rời gia đình lên đường học tập trong lòng chị suy nghĩ mình phải cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa con yêu của ba má, đứa em của các chị, đứa con của cách mạng, của Đảng. Tự sống học tập và chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, ác liệt của chiến tranh nhưng chị vẫn canh cánh bên lòng lo cho gia đình và quê nhà.
Ngoài việc giải bày nỗi nhớ gia đình, chị còn thể hiện niềm khát vọng của tuổi trẻ, tinh thần yêu nước của chiến sĩ cách mạng. "Chị và các cô chú trong chiến trường nói chuyện tình hình thời sự chị rất phấn khởi, quân và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn” lúc đó chị suy nghĩ mình phải nổ lực trao dồi để kịp bạn bè. Chị tự nhủ với lòng phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù hay trước mặt kẻ thù không do dự, chị soi rọi bản thân cần phải học tập thêm, tư tưởng luôn hướng về lý tưởng cộng sản, chân lý cách mạng. Chị đưa ra phương châm chiến đấu cho bản thân mình phải “Sống và chiến đấu như anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”.
Qua quyển nhật ký của liệt sĩ Lê Thị Thiên tôi bắt gặp được ý chí nhiệt huyết của người trẻ, của lứa tuổi 20 mà mỗi thanh niên đều sẽ chiến đấu hy sinh tính mạng khi cần thiết cho đất nước hoàn toàn giải phóng. Là thế hệ trẻ, hơn ai hết mỗi đoàn viên, thanh niên phải học tập đức tính bình dị mà cao cả của chị; về lý tưởng sống của người đảng viên cộng sản để từ đó ra sức học tập, rèn luyện, phát huy tính xung kích, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ theo lời dạy của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”…
Tuy nhiên hiện nay đa phần thanh niên vì cuộc sống gia đình, vì cuộc sống xã hội, nên phải đi làm ăn xa, làm tại các khu công nghiệp, thời gian ở địa phương rất hạn chế, chủ yếu là chủ nhật mới được nghỉ làm, và điều kiện làm xa nên cũng ít về địa phương hàng tuần. Vì thế việc tập hợp thanh niên vào tổ chức và tham gia sinh hoạt của tổ chức Đoàn – Hội ở địa phương rất khó khăn. Một số thanh niên ăn chơi, lười lao động thì lại khó vận động vào tổ chức, có tư tưởng không lành mạnh và không thích vào tổ chức đoàn.
Theo tôi, thời nay chúng ta cần quan tâm đến vấn đề hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên, vì đây là lực lượng chính để phát triển kinh tế của bản thân và gia đình. Qua đó tổ chức Đoàn - Hội cần có chương trình đào tạo và hỗ trợ giới thiệu việc làm cho thanh niên tại địa phương. Trước hết cần tập trung đầu tư vào thanh niên và giúp đỡ đến nơi đến chốn, khi thanh niên đó đã tự tạo lập và có công việc ổn định chúng ta sẽ nhân rộng ra những thanh niên khác, có như thế thanh niên sẽ cố gắng nhiều hơn và sẽ cống hiến nhiều hơn cho tổ chức và tham gia vào phát triển kinh tế gia đình cũng như phát triển kinh tế của địa phương, góp phần vào xây dựng đất nước.
Trần Thị Tuyết Hà - Huyện Dầu Tiếng (TT)