Lý tưởng thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
TTBD - Quyển Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” đã làm rung động lòng người, sự chân thực của nội dung quyển nhật ký cùng ngọn lửa nhiệt tình sống tỏa ra từ những trang nhật ký đã tạo nên sức hút và lan truyền kỳ diệu đối với những thế hệ hôm nay. Lý tưởng cao đẹp của tuổi thanh xuân, chị đã xác định cho mình một lý tưởng và quyết tâm cao từ việc làm rất bình thường nhưng cao quý.
>> Mời tham gia diễn đàn “Viết tiếp Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh”
Tuy sống, học tập và chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt và ác liệt của chiến tranh, nhưng chị Lê Thị Thiên vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo cho người thân và bà con quê nhà. "Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin" (nhật ký ngày 16/7/1764). Và chị xác định "CĂM THÙ->HÀNH ĐỘNG+CÔNG TÁC+HỌC TẬP TỐT". Đối với chị nói riêng và các chiến sĩ nói chung, gia đình và người thân luôn là một hậu phương vững chắc cho họ trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Nhật ký ngày 9, 10, 11, 12/9/1966: "Mấy ngày nay sau khi được thư người anh (Quang), M. có mừng nhưng rồi lại cũng nghĩ nhiều đến gia đình. Nghĩ và nhớ, phải nói như vậy...". "Được thư của người anh ruột M. mừng biết bao! Đọc đi đọc lại mấy lần vẫn muốn đọc mãi. Qua những lời khuyên lơn, dặn dò. M. cố khắc ghi mãi mãi trong lòng... Anh ơi! Em sẽ cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng là đứa em gái của anh, đứa con yêu của ba má, một đảng viên ưu tú của Đảng" (nhật ký ngày 13/9/1966).
Khi đọc quyển nhật ký của nữ nhà giáo - liệt sĩ này, tôi bắt gặp một cảm xúc giống nhau đến lạ thường giữa ý chí, hành động cùng lý tưởng cao đẹp của tuổi 20 lúc bấy giờ như của nữ Bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là khát khao được cống hiến cho Tổ quốc.
Chị đặt ra mục tiêu cho mình "Chiến sĩ giết nhiều giặc, người giáo viên trên trận tuyến văn hóa cần nỗ lực nhiều hơn với vai trò, nhiệm vụ của mình mà Đảng, nhân dân đã giao cho. Ngày 8/1/1966: Tình hình động, giặc càn vào C2. Đây là lần đầu M. có nhiều ý nghĩ mới: Làm công tác gì cho phù hợp với tình hình giai đoạn hiện tại...?" Chị luôn khao khát được hoạt động, cống hiến ngay cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất của cuộc chiến đấu, "Một tuần qua là thời gian lộ chết (nằm hầm). Rất mong tình hình trở lại bình thường để tiếp tục công tác. Không làm được gì, M. buồn nhiều..."
Đặc biệt hơn hết, quyển nhật ký gây ấn tượng mạnh với độc giả bởi vẻ giản dị, chân thực trong từng câu chữ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nét lấp lánh những hy vọng của tác giả trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa. Bên cạnh cuộc chiến với kẻ địch, chị cũng như đồng đội còn đối phó với bệnh tật trong điều kiện thiếu thốn lương thực và thuốc men nhưng vẫn tự tin, lạc quan tin vào chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.
Tôi đã cảm nhận được ngọn lửa cháy hừng hực và không bao giờ tắt trong Quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của liệt sĩ Lê Thị Thiên; chị và những người cùng thế hệ đã sống chiến đấu hết mình cho hoài bão sự nghiệp, lý tưởng cách mạng; giống như nhân vật Paven Cosagin người thanh niên Cộng sản thập niên sáu mươi thế kỷ trước trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” đã từng viết: “Cái quí nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận, khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
CTV Dương Mỹ Trang (TT)