Thực hiện chính sách ưu đãi NCC theo Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thực hiện chi đúng, chi đủ các khoản trợ cấp, phụ cấp; cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh; chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo; chế độ miễn giảm tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất, chế độ mua Bảo hiểm y tế, chế độ điều dưỡng luân phiên, chế độ mai táng phí...
Ngoài những chính sách được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi NCC, tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC, động viên mọi nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ những NCC. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ đền ơn đáp nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng,... đã nhanh chóng lan rộng trong toàn tỉnh và mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức thăm, tặng quà trong những dịp Tết cổ truyền của dân tộc, kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7. Mức quà tặng tăng bình quân từ 12% -16% mỗi năm. Nếu năm 1997, mức quà tặng là từ 200.000đ - 400.000đ/đối tượng vào dịp 27/7 thì đến nay đã tăng lên từ 500.000đ - 1.500.000đ; từ 500.000đ - 800.000đ đã tăng lên 1.200.000đ - 3.500.000đ/đối tượng vào dịp Tết Nguyên đán. Từ năm 1997 đến năm 2015, đã có trên 683.452 lượt đối tượng chính sách được tặng quà với tổng số tiền trên 350,7 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thăm và tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7
Xây dựng nhà tình nghĩa cho NCC và gia đình chính sách được xem là công tác hàng đầu, góp phần tạo nên sự "an cư" và cùng với các chương trình phối hợp khác tạo điều kiện "lạc nghiệp" để ổn định cuộc sống NCC. Đến năm 2005, tỉnh Bình Dương cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách còn khó khăn về nhà ở hoặc nhà ở mục nát. Hằng năm, các cấp địa phương đều thường xuyên kiểm tra tình trạng nhà ở của người có công để có kế hoạch vận động, đề xuất hỗ trợ trong việc xây, sửa nhà tình nghĩa kịp thời. Giai đoạn 1997-2015, toàn tỉnh đã xây dựng và sửa chữa gần 6.000 căn nhà tình nghĩa với số tiền trên 112 tỷ đồng; trao tặng 3.967 sổ tiết kiệm với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Năm 1997, mức hỗ trợ xây dựng 1 căn là 40 triệu đồng và sửa chữa là 20 triệu đồng, đến năm 2011 đã tăng mức xây mới lên 60 triệu đồng và sửa chữa 30 triệu đồng.
Tỉnh đã cân đối ngân sách mua Bảo hiểm y tế hằng năm cho 1.797 vợ (hoặc chồng) của thương, bệnh binh đã hết tuổi lao động, con thương, bệnh binh dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng còn đang đi học, 175 con liệt sĩ đã hết tuổi lao động, 1.522 thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đã hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, vận động các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng suốt đời 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống mức hỗ trợ tối thiểu là 1 triệu đồng/Mẹ/tháng. Các thương, bệnh binh nặng và các gia đình liệt sĩ khác có hoàn cảnh đời sống khó khăn được đỡ đầu chăm sóc với mức hỗ trợ thêm hằng tháng từ 200.000 đồng trở lên.
Các mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh nặng được chăm sóc sức khỏe theo chế độ khám chữa bệnh cán bộ trung cao; các tổ chức, các y, bác sĩ ngành y tế, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh... trong những dịp lễ thường xuyên đến các địa phương khám bệnh, tặng quà và cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách và các hộ nghèo. Ngoài ra còn hỗ trợ thêm chi phí tang lễ cho gia đình người có công khi đối tượng từ trần (trung bình khoảng 15 triệu đến 25 triệu đồng cho một trường hợp).
Ủy ban MTTQ tỉnh trao trang thiết bị nội thất cho gia đình chính sách
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khảo sát đời sống các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thương, bệnh binh nặng, qua đó trích từ nguồn vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa mua sắm các trang thiết bị nội thất cho các đối tượng này cùng với các gia đình chính sách nghèo còn khó khăn trong cuộc sống với kinh phí trên 11 tỷ đồng cho trên 300 lượt đối tượng.
Chăm lo đời sống tinh thần cho NCC, hàng năm tỉnh đều trích ngân sách từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng tổ chức cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và người có công tiêu biểu được một lần đi tham quan Hà Nội - viếng Lăng Bác, Côn Đảo và Phú Quốc.
Tu bổ, chăm sóc mộ và nghĩa trang liệt sĩ
Trong thời gian qua, tỉnh đã thường xuyên tổ chức tìm kiếm và quy tập, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng ở các nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện Thông tư số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, đã xét nghiệm lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và thân nhân để thử ADN, phần nào tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn ở địa phương và tìm lại danh tính liệt sĩ. Đây là niềm an ủi to lớn nhất của các gia đình liệt sĩ.
Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2015), tỉnh đã quy tập hơn 100 hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 3 và các đơn vị phối hợp thuộc Sư đoàn 9 - Bộ Tư lệnh Miền hy sinh vào đêm 21/11/1965 tại làng 10, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng và long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Dầu Tiếng.
Lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm tại Lễ truy điệu và an táng hơn 100 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Dầu Tiếng
Tỉnh Bình Dương có một nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh và 5 (năm) nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, với 13.006 mộ liệt sĩ. Hệ thống nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh luôn được chỉnh trang, nâng cấp để xứng đáng là những công trình văn hóa truyền thống cách mạng mang tính giáo dục cao. 20 năm qua tỉnh đã đầu tư trên 158 tỷ đồng để nâng cấp và cải tạo hệ thống nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các huyện, thị; đầu tư trên 9 tỷ đồng xây dựng 35 nhà bia ghi danh và công trình tưởng niệm liệt sĩ. Các phần mộ liệt sĩ được tu bổ theo hướng bền vững và thường xuyên được chăm sóc sạch, đẹp. Công tác quản lý nghĩa trang luôn được cải thiện tốt phục vụ nhu cầu tìm kiếm, thăm viếng mộ liệt sĩ.
Có thể thấy, bằng nhiều hình thức, tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt các chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống cho NCC. Đến nay, 99,71% NCC trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Bình Dương là một trong hai tỉnh đầu tiên đạt 100% xã, phường, thị trấn được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận "Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công" và cho đến nay vẫn giữ vững chỉ tiêu này.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thương binh, liệt sĩ lên một bước mới. Ngoài việc bảo đảm cho người có công ổn định về cuộc sống còn phải chăm lo về đời sống tinh thần. Đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ những gia đình chính sách còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, chăm lo nhiều hơn nữa đến việc giáo dục - đào tạo cho con liệt sĩ, thương bệnh binh trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Kỳ 8 - Tích cực xây dựng nông thôn mới
Nguồn binhduong.gov.vn (TT)