TTBD - Nhà tù Phú Lợi nay là một di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Bình Dương. Trong suốt 8 năm tồn tại (1957 - 1964), nhà tù Phú Lợi được mệnh danh là "Địa ngục trần gian" với đủ thứ cực hình tàn khốc nhằm lung lạc ý chí của những người cộng sản.
Cổng vào Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi (Ảnh: TL)
Trước những thủ đoạn vừa khủng bố vừa mị dân, những cảnh tra tấn dã man đày ải cực hình, anh chị em trong tù vẫn giữ được lòng kiên định và ý chí kiên cường chiến đấu. Qua kinh nghiệm thực tế trong phong trào hoạt động bí mật, nên chỉ trong một thời gian ngắn các Đảng viên ở các trại đã tổ chức được đường dây liên lạc với nhau, các nhóm Đảng viên các chi bộ bí mật lần lượt được thành lập. Suốt những năm tháng ở đây, tù nhân có tổ chức bí mật của Đảng ta chỉ đạo. Ban Đại diện, Tổ Tâm giao, hoặc Đôi bạn đồng hương ở từng trại giam làm nòng cốt đấu tranh, từng bước đấu tranh với kẻ thù đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, chống tra tấn tù nhân.
Khu phòng giam C trong nhà tù Phú Lợi (Ảnh: TL)
Vào tháng 11 năm 1958, Chính phủ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam tổ chức các đợt đày tù nhân chính trị (tù nhân "loại A" hay còn gọi là "tù Cách mạng") ra Côn Đảo. Do biển động, tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo nên chuyến đi phải hoãn lại. Ngày 30 tháng 11 năm 1958, nhà tù đã bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của tù nhân khiến hàng ngàn tù nhân bị trúng độc. Trước tình hình đó, tổ chức Đảng Cộng sản trong nhà tù vừa tổ chức tự cứu chữa cho tù nhân bị trúng độc, vừa đấu tranh tố cáo hành động này. Các tù nhân đã tung nóc nhà giam, chiếm đài phát thanh, dùng các tấm tôn cuộn thành loa lên tiếng tố cáo. Vụ việc lan truyền rộng khắp, gây nên làn sóng căm phẫn không chỉ trong nước mà cả thế giới, cuối cùng nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán vào năm 1964.
Tượng đài tại nhà tù Phú Lợi (Ảnh: TL)
Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng của Khu Di tích nhà tù Phú Lợi. Năm 1995, Di tích đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương đầu tư công trình biên soạn lược sử và trùng tu, tôn tạo Khu Di tích vào đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày đoàn kết, bất khuất đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi. Trung tâm nhà tù là bức tượng bằng đồng cao 3,5m của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu ghi lại sự kiện "Phú Lợi căm thù". Các khu nhà giam C, nền nhà giam D, E, nhà kỷ luật, tháp canh, lô cốt đều được giữ nguyên vẹn hoặc tôn tạo lại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý về cuộc đấu tranh của các tù nhân, đồng thời phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của các tù nhân, như bộ cờ tướng chạm khắc tinh xảo bằng gỗ cẩm lai, chiếc vỏ gối được thêu hay chiếc quần nhiều tác dụng...
Hàng năm, Di tích đã tiếp đón nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của con người Việt Nam. Các tổ chức phong trào đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao lưu, kết nạp đoàn viên mới, hướng đạo sinh... tham quan, cắm trại ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của cha anh. Khu Di tích Phú Lợi trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: thegioidisan.vn