Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, năng động và tiên phong trong việc đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm (thứ 3 từ phải qua) trao đổi với các nhà đầu tư
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, năng động và tiên phong trong việc đối thoại với doanh nghiệp cộng với việc các ngành, các cấp thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã để lại ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được tỉnh thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành. Việc vận hành Khu hành chính mở tại Trung tâm hành chính tỉnh với mô hình một cửa, một cửa liên thông, hỗ trợ tư vấn pháp lý các thủ tục hành chính, nhất là cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường bình đẳng, thuận lợi và an toàn cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư được chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phối hợp với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan khi thực hiện trong và ngoài nước ngày càng đi chiều sâu và đạt hiệu quả. Trong đó, chú trọng vào từng quốc gia, từng nhà đầu tư ở các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án ít thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng, cơ khí chính xác, điện, điện tử là những dự án có hàm lượng công nghệ cao.
Với những yếu tố thuận lợi trên, đến nay, Bình Dương đã thu hút được 2.808 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 25,5 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 25 lần về số dự án và 26 lần về số vốn so với năm 1997. Không chỉ gây ấn tượng về số dự án thu hút thành công, mức đầu tư, Bình Dương còn thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như tập đoàn Tokyu, Far Eastern, P&G, Kolon, Kumho,... hứa hẹn tạo ra những thay đổi lớn về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.
Sự thành công trong thu hút đầu tư của Bình Dương cho thấy, các nhà đầu tư hài lòng với môi trường đầu tư của tỉnh và Bình Dương luôn là địa điểm hấp dẫn để các nhà đầu tư chọn lựa.
Thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ
Bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, ít thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường, tỉnh còn quan tâm thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ (CNPT), nhất là CNPT cho các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh. Do đó, CNPT ngành dệt may, da - giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ của tỉnh phát triển mạnh trong những năm gần đây và có những đóng góp quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Mối liên kết giữa các nhà sản xuất sản phẩm CNPT và các nhà sản xuất thành phẩm cũng dần được thiết lập. Đến nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da - giày, cơ khí, điện - điện tử.
Trong những năm qua, Bình Dương đã thu hút nhiều dự án FDI vào lĩnh vực CNPT. Chỉ riêng trong năm 2015, tỉnh đã thu hút dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Việt Nam) với vốn đầu tư 274,2 triệu đô la Mỹ vào Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng; Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu đô la Mỹ vào KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) II - A để sản xuất các sản phẩm nhựa các loại với quy mô gần 16.890 tấn/năm… Năm 2016, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, toàn tỉnh đã thu hút được 217 dự án FDI, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trên 1 tỷ 929 triệu đô la Mỹ.
Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành CNPT; trong đó dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953, cơ khí 710 doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam (bìa phải) trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển CNPT, tỉnh đã có quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp để phục vụ phát triển CNPT. Theo ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh hạ tầng các KCN đã và đang tạo thuận lợi lớn cho nhà đầu tư, tỉnh đã quy hoạch hơn 300 ha tại KCN Bàu Bàng để phát triển CNPT. Hiện nay, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại KCN Bàu Bàng đã khá hoàn chỉnh và đang thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình cho rằng, hiện nay, ngành da giày đang phải nhập khẩu chủ yếu nguồn nguyên liệu phụ trợ. Khi Bình Dương phát triển KCN phụ trợ, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi rất lớn, giúp họ tự chủ trong sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu.
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, cùng với chính sách "trải thảm đỏ thu hút đầu tư" của tỉnh, huyện Bàu Bàng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển khai, xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm thu hút các nhà đầu tư vào KCN. Huyện Bàu Bàng cũng tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư. Địa phương cũng sẽ phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp- TNHH MTV (Becamex IDC) thực hiện các chính sách an sinh xã hội như xây dựng nhà ở xã hội, trường học… để chăm lo cho người lao động, giúp người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài tại địa phương.
Tới đây, Bình Dương sẽ thực hiện công bố quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu gắn với phát triển CNPT. Đây là một trong những đòn bẩy thu hút đầu tư và thúc đẩy ngành CNPT phát triển. Điều này cũng sẽ tác động tích cực để sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển căn cơ và bền vững. Như vậy, việc Bình Dương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng KCN phụ trợ ở Bàu Bàng sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào CNPT tại Bình Dương.
Kỳ 6 – Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường
Nguồn binhduong.gov.vn (TT)