Cơ sở hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: KCN VSIP I
Việc quy hoạch hình thành, xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là ở các thị xã mới thành lập như Bến Cát, Tân Uyên. Điểm đặc biệt của Bình Dương là không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng trong các KCN. Hiện tại, có 19 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN.
Đến nay các chủ đầu tư đã đầu tư trên 14.500 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 98% trên diện tích 9.234 ha và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đạt 88% tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt, để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp tại các KCN.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC, yếu tố đem lại sự thành công của các KCN ở Bình Dương là cơ sở hạ tầng của các KCN được xây dựng hoàn chỉnh đấu nối thông suốt với các hạ tầng ngoài hàng rào KCN, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng với chất lượng ngày càng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp.
Phát triển KCN gắn với phát triển đô thị, dịch vụ
Quan điểm phát triển KCN gắn với khu dân cư và đô thị lần đầu tiên được Bình Dương thực hiện từ năm 2002 đối với quy hoạch KCN Mỹ Phước. Chỉ trong hai năm, KCN Mỹ Phước đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và là tiền đề để phát triển tiếp KCN Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3 theo mô hình quy hoạch trên và phát triển tiếp các khu đô thị Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Bàu Bàng, Việt Nam - Singapore II. Các mô hình quy hoạch KCN gắn với đô thị như hiện nay đã đánh dấu sự phù hợp của quan điểm mới và cách nhìn mới về phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ.
Một góc Khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước
Đặc biệt, việc hình thành Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ với diện tích khoảng 4.196 ha; trong đó đã quy hoạch 7 KCN và xây dựng Khu đô thị mới với diện tích 1.000 ha. Đây sẽ là đô thị văn minh, hiện đại và là nền tảng để Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu đã tương đối hoàn chỉnh, ngầm hoá hệ thống cáp quang, hoàn thiện một số hạ tầng xã hội như: Trung tâm thể dục thể thao cộng đồng, hình thành và thu hút các cơ sở giáo dục xã hội hoá chất lượng cao, các khu dân cư chất lượng cao, tuyến xe buýt tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam, trung tâm thương mại, trung tâm ăn uống, các công trình tôn giáo, bệnh viện đa khoa mới 1.500 giường đang được xây dựng, các khu nhà ở xã hội, đặc biệt, Trung tâm Hành chính tỉnh đã được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2014.
Bên cạnh phát triển đô thị, phát triển các KCN còn góp phần tạo điều kiện phát triển dịch vụ chất lượng cao mà khởi điểm là phát triển dịch vụ hậu cần cho phát triển công nghiệp như: Logistics, vận tải, kho lạnh, ngân hàng, tài chính, nhà hàng, sân golf và hiện nay, Bình Dương đã có khách sạn 5 sao, các khu resort nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại quy mô rộng 50.000 m2.
Có thể nói, trong 20 năm phát triển, các KCN đã làm thay đổi rất nhiều diện mạo kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Từ khi tái lập, đến nay, Bình Dương đã phát triển gồm 01 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hạ tầng xã hội phát triển ở mức tốt nhất, góp phần đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020.
Kỳ 4: Đột phá trong công tác giảm nghèo
Nguồn binhduong.gov.vn (TT)