Thanh niên cần nêu cao tính tự phê bình và phê bình
TTBD - Đọng lại trong tâm trí tôi khi đọc qua cuốn nhật ký của chị Lê Thị Thiên đó là một sức sống mãnh liệt, một ý chí mạnh mẽ, không phải bằng những giọng văn đao to búa lớn mà chỉ đơn giản là những dòng chữ mộc mạc, giản dị, những tâm sự chân thành của một người con gái, của một người trẻ tuổi.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi mà những quyển nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm hay chị Lê Thị Thiên được quyết định đưa ra xuất bản, mà bởi một bộ phận lớn giới trẻ ngày nay và ngay cả những người đã có chức vụ, quyền lợi đang dần đánh mất chính bản thân mình. Tôi rất thích câu nói, chúng ta phải sống sao để khi chúng ta sinh ra, mọi người cười, ta khóc nhưng khi chúng ta chết đi, mọi người khóc, ta cười.
Trong cuốn nhật ký, ta bắt gặp một cô gái trẻ bày tỏ hứng khởi khi chọn đúng lý tưởng sống: Một hôm, M. đến điểm học tập. Sinh hoạt ở đây có nhiều điều mới lạ, vui tươi và cô rất thích thú vì “tư tưởng đã lớn, con người cũng mạnh dạn kể từ đây”. M. cũng hay thể hiện cảm xúc lo lắng, thương nhớ quê nhà trong chuỗi ngày đi công tác ở xa. Rồi M. nhận được thư gia đình, trong đó cha mẹ, anh chị rất lo cho cô. “Phải cố làm thế nào để xứng đáng với niềm thương nhớ và lo lắng ấy” - M. viết.
M. sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân cho lý tưởng đã chọn.
- Đêm 1-1-1965: “Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc”. Vâng! M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm điểm lại mình, M. thấy mình còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ tuổi hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ. Khuyết điểm của mình là nghiên cứu chưa sâu, nắm vấn đề chưa chắc, chưa tập trung hết tư tưởng. Phải cố gắng thật nhiều, “vì nhân dân, vì Tổ quốc vô tư mà học tập”.
Hình ảnh tìm được trong quyển nhật ký
- Ngày 28-3-1965: Ngày đầu tiên bắt tay vào công tác. Lần đầu nói chuyện còn kém. Cần trau dồi thêm cách nói và nhất là cần bình tĩnh, mạnh dạn hơn, khắc phục được sẽ thành công trong công tác.
Khuyết điểm ai cũng có, nhưng dám nhìn nhận và biết sửa sai như thế nào không phải ai cũng làm được. Bác Hồ từng nói “ thang thuốc tốt nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình". Đã là một con người, ai cũng có tính tốt và tính xấu nhưng quan trọng tự mỗi người phải biết nhìn nhận và sửa chữa như thế nào để xứng đáng là người có ích.. “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm".
Người chỉ rõ :"Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”
Hiện nay việc “Tự phê bình và phê bình” thực hiện đôi khi vẫn còn mang tính hình thức và nể nang. Bản thân là viên chức và là đoàn viên tôi học ở chị tinh thần học tập rất cao, chị luôn nhìn nhận rõ khuyết điểm bản thân để rút ra bài học kinh nghiệm và sửa chữa. Nếu mỗi người chúng ta khi có lỗi đều biết nhận lỗi, biết lắng nghe ý kiến đóng góp chân thành của đồng nghiệp thì bản thân sẽ ngày càng hoàn thiện.
Nhật ký đã khép lại, xen lẫn trong tôi là sự hỗ thẹn và cảm phục. Hỗ thẹn vì cảm thấy bản thân mình đôi khi còn chưa dám nhìn nhận khuyết điểm của bản thân, hỗ thẹn vì chưa sống và cống hiến hết mình như chị. Tuổi trẻ vốn qua đi thì không có gì níu lại được, ở tuổi đời còn quá trẻ nhưng ở chị có sự chín chắn, sự giản dị và luôn không ngừng phấn đấu để bản thân ngày một tốt hơn và toàn diện hơn. Điều đó thể hiện, một tâm hồn tình cảm, trẻ trung, một nhiệt huyết của tuổi trẻ, một tình yêu bao la dành cho Tổ quốc, cho đồng chí, đồng đội.
Tự hào thay khi Tổ quốc có những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Lê Thị Thiên…họ đã sống hết mình cho lý tưởng cao đẹp, đã hi sinh tuổi trẻ của mình vì đất nước. Họ chính là những tấm gương sáng mà thế hệ trẻ cần noi theo và học tập.
“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”
Tôi tin không chỉ tôi và nhiều bạn thanh niên, đoàn viên ai đã từng đọc cuốn Nhật ký này đều cảm thấy mình cần phải sống sao cho xứng đáng một thời tuổi trẻ, cần phải không ngừng trau dồi kiến thức và tu dưỡng đạo đức để làm những người có ích cho xã hội.
Nguyễn Thị Ngọc Thảo - Chi đoàn Bảo hiểm xã hội Dĩ An