Tấm Gương sáng cho thế hệ trẻ
TTBD - Khi đọc qua nhật ký “THẾ HỆ HỒ CHÍ MINH” của liệt sĩ LÊ THỊ THIÊN tôi chợt nhớ đến lời của nhân vật Paven – người thanh niên Cộng sản của tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”.
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: “cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Theo nội dung của quyển nhật ký trong đó có đoạn “Tháng 12/1962, rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng, vừa dạy học, vừa tham gia các mặt trận khác. Sau đó lên đường vào chiến trường. Ngày đi, ngoại nhắn lời nhắn nhủ hữu ích của cậu, mình cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con gái ngoan của ba má, người con ưu tú của Đảng...”
Có thể thấy chị là một người con hiếu thảo, luôn mang tình cảm gia đình trong tâm trí. Nhưng vì chiến tranh ngăn cách và nỗi khát vọng của tuổi trẻ, tinh thần yêu nước của người chiến sĩ cách mạng, chị đã quyết tâm tham gia cách mạng theo tiếng gọi của con tim.
“PHẤN ĐẤU VÌ ĐẢNG, VÌ TỔ QUỐC”
Ngày 01/01/1965, chị viết: "Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bạn bè, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến..."
Chị còn tự nhủ với lòng phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù hay trước mặt kẻ thù không do dự. "Qua lời kể của chú Năm, M. soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý cách mạng. Ta nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - Vì Tổ quốc"; "Vâng M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm lại mình, M. thấy còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ".
Cuối tháng 2/1965, Chị kết thúc khóa học trở về đơn vị công tác. Trên cương vị mới, chị luôn trăn trở, phấn đấu, tu dưỡng vì mục tiêu là cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc. Trong cuốn nhật ký của mình, chị đã viết to, tô đậm những dòng chữ “quyết tâm sống, chiến đấu như anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”. Đây như một phương châm, một lời nhắc nhở thường xuyên để chị rèn luyện, biểu tượng cho ý chí, sức mạnh của tuổi trẻ yêu nước bấy giờ.
Trong tập nhật ký, 2 chữ Tổ quốc và quyết tâm Vì Tổ quốc được chị Thiên trịnh trọng ghi lại nhiều lần. Tổ quốc đối với chị đẹp rạng rỡ trong tình yêu mãnh liệt. Vì đó mà chị và cả thế hệ của mình đã dấn thân, sẵn sàng chấp nhận mọi đau thương, hy sinh để đấu tranh cho ngày thống nhất đất nước. Cũng trong nhật ký, hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi được chị nhắc đến nhiều lần, ngay cả khi cô gái trẻ ấy nghĩ về tình cảm lứa đôi... Rồi chị làm thơ về anh Trỗi với ước nguyện (nhưng cũng là quyết tâm): “Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn/Nhớ anh, sống chiến đấu như anh.../Làm sao xứng với tuổi xanh/Giải phóng đất nước, đạt thành ước mơ”.
Lời thơ của chị chân thành và mộc mạc nhưng thấm đẫm trong đó là tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ và sức mạnh của lý tưởng cách mạng. Từ đó, chị luôn tự vấn mình phải tự rèn luyện, tu dưỡng làm sao để ngày càng hoàn thiện hơn. Chị vui mừng với những đóng góp trong công tác hằng ngày của mình, rồi động viên sẽ cống hiến nhiều hơn. Chị luôn nhắc nhở mình sống sao cho tốt đẹp, xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của mình.
“CHỊ LUÔN TỰ PHÊ BÌNH ĐỂ KHÔNG NGỪNG TIẾN BỘ”
Trong nhật ký của mình, chị thường xuyên tự phê bình nghiêm túc những khuyết điểm, yếu kém trong sinh hoạt, chuyên môn, học tập, công tác… Đồng thời, chị cũng tiếp thu những ý kiến phê bình và coi đó như “thang thuốc bổ, uống vào khỏe mạnh”.
Ngày 6-12-1964: Nhớ lại thời gian trước đây mình mắc nhiều sai lầm, thiếu sót. Bổ túc đẩy mạnh bình dân học vụ, chống giặc dốt mình chưa làm hết được. Một phần nữa là về văn nghệ, thể dục, thể thao mình cần tham gia nhiều hơn để rèn luyện trở thành con người mới toàn diện. Mình cần nỗ lực khắc phục thiếu sót để tiến bộ.
Ngày 22-1-1965: Qua bài kiểm tra hôm nay mình thấy được khuyết điểm là nghiên cứu chưa sâu, nắm vấn đề chưa chắc, chưa tập trung hết tư tưởng. Phải cố gắng thật nhiều “Vì nhân dân, vì Tổ quốc vô tư mà phấn đấu”
Ngày 30-7-1966: …Muốn tiến bộ hơn, làm tốt công tác của mình hơn, bản thân phải trau dồi, không ngừng tu dưỡng tinh thần, tư tưởng của người Cộng sản; ra sức học tập ở đồng chí, học tập ở hội nghị, học tập quần chúng nhân dân; soi rọi bản thân từng ngày, hòa mình lao động với đồng chí, với anh, chị, em. Điều lớn nhất trước mắt là phải sửa chữa tác phong cho nhanh nhẹn, quần áo, đầu tóc gọn gàng, đối xử đúng mực, không vui đùa quá trớn.
“PHẤN ĐẤU ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI TOÀN DIỆN”
Một đoạn trong cuốn nhật ký viết: “Ngày 20.11.1964: Hôm nay là ngày lễ Nhà giáo yêu nước. M. được nghe kể lại nghề giáo. M. cần học tập nhiều hơn nữa. Trau dồi bản thân để trở thành một giáo viên toàn diện, yêu nghề, yêu trẻ đúng mức. Soi rọi lại thời gian công tác đã qua, M. phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vì đây là nơi rèn luyện mình trở thành người cách mạng, người kỹ sư tâm hồn. Lời nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi”, cuộc đời là pho sách không có trang cuối, phải thực hiện cho được. Học để hiểu tri thức khoa học, có văn hóa làm cơ sở, để nâng cao khả năng chất lượng công tác, học để xứng đáng là con người mới. Muốn đạt được kết quả tốt trong học tập, M. cần tập trung tư tưởng cao độ, đào sâu suy nghĩ, lật ngược, lật xuôi vấn đề. Trong thời gian qua, M. ân hận nhiều vì đôi khi tư tưởng thiếu tập trung. Do đó, trong học tập chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. Thanh niên là lực lượng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều nhất và cũng là thế hệ xây dựng xã hội mai sau. M. phải suy nghĩ và thực hiện cho được như vậy. Mọi ý nghĩ riêng tư, vì cá nhân phải gạt bỏ, để xứng đáng là người cộng sản”.
“TÂM HỒN GIẢN DỊ ĐẦY TÌNH CẢM”
Lẫn trong quyễn nhật ký chiến trường còn có những bài thơ mộc mạc, giản dị đầy tình cảm. Như ngày 17/10/1966, M. viết tặng H., người em cùng quê: "Em hỡi! Em ơi! Em nghĩ gì / Rộn ràng phấn khởi hay sầu bi / Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng / Miền Nam ta giải phóng tự do / Cùng nhau vui hát bài ca thanh bình / Em hỡi sao em không nói / Nói đi em chị lắng nghe đây / Nghe em kể lại những ngày..."
Cuốn nhật ký của chị khép lại ở ngày 20-10-1966. Trước đó, chị viết 3 bài thơ nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với tựa đề “Nhớ anh”, “Quà mừng chiến thắng” và “Nói đi em”. Lời thơ như có thép, toát lên khí phách của một người chiến sĩ cách mạng: “Bên nhau chiến đấu cùng lý tưởng/ Vững lòng san phẳng mọi bất công/ Bên nhau chiến đấu vì dân/ Đạp bằng trở ngại, tiến lên diệt thù”; đồng thời, gửi gắm bao yêu thương đến với đồng đội, như một lời cổ vũ sức trẻ cống hiến hết mình cho đất nước: “Vui biết mấy trong ngày đại hội/ Lòng rộn ràng thêu vội chiếc khăn/ Tặng anh dũng sĩ ngoan cường/ Món quà kỷ niệm, kính, thương anh nhiều”. Chị đã vĩnh viễn nằm lại “Mãi mãi tuổi hai mươi” nhưng tâm hồn của chị, nhiệt huyết “Thế hệ Hồ Chí Minh” mãi còn vang vọng đến mai sau.
“CUỐN NHẬT KÝ XÚC ĐỘNG”
Sau khi xem những dòng nhật ký, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã xúc động ghi lại: “Tôi thực sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả; tâm hồn của họ luôn trẻ trung trong sáng; lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan; họ hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; tính tự giác, tự phê bình, tự chịu trách nhiệm nghiêm túc, sâu sắc... Tôi mong muốn và tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ học tập và tiếp nối lý tưởng của thế hệ đi trước một cách xuất sắc. Đó chính là lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ và của dân tộc ta, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu”.
Nói về cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, đại tá - nhà văn Chu Lai dẫn giải: “Truyền thống của người Việt Nam là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Có lẽ, sự xuất hiện hình ảnh của chị Lê Thị Thiên nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung đã làm chiến tranh mềm đi và sự chết chóc nhẹ hơn”.
Với nhà văn Chu Lai, nhật ký của liệt sĩ không phải là những con chữ, những văn bản ngôn ngữ mà được xuất phát từ trái tim, sự lãng mạn của trái tim. Cuộc chiến đấu bằng sự lãng mạn từ trong tâm hồn thì cuộc chiến đấu đó bao giờ cũng thắng. Và nhà văn Chu Lai đúc kết: “Hình ảnh chị Lê Thị Thiên là biểu tượng của lòng yêu nước”.
Từng tham gia chiến đấu trên vùng đất Bình Dương, nhà văn Chu Lai mô tả hình ảnh những cô du kích như chị Thiên trên vùng chiến tranh khốc liệt dọc sông Sài Gòn như những cây lau, cây sậy. “Khi mưa sa bão táp thì cây lau, cây sậy dạt xuống, nhưng khi nắng lên thì vươn mình đứng dậy, hiên ngang giữa cuộc đời” - nhà văn Chu Lai ví von. Sau đó, ông cắt nghĩa về lý tưởng sống đẹp và lòng yêu nước của thế hệ thanh niên xưa và nay. Ông nói: “Lòng yêu nước không của riêng ai. Thế hệ cha anh ngày xưa triển khai lòng yêu nước bằng cách vào trận. Còn thế hệ hôm nay triển khai lòng yêu nước bằng cách làm giàu cho bản thân và làm giàu cho cộng đồng. Nhưng các thế hệ đều có chung nhau một hạt kim cương trong lồng ngực, đó là lòng tự trọng”.
Khác với chị Trâm, anh Thạc, chị Sáu Thiên là cô gái miền Nam, học hành ít hơn, chị chưa có ngày tháng nào trên giảng đường đại học, chữ nghĩa cũng ít hơn, lời lẽ ghi chép cũng chất phác mộc mạc hơn. Dung lượng ghi chép, nội dung thể hiện, số trang nhật ký cũng ít hơn. Nhưng nói như người ta đã nói về nhật ký của chị Trâm, cả 3 tập nhật ký đều... có lửa. Ngọn lửa được thắp sáng rực rỡ từ lý tưởng cách mạng và lối sống trong sáng, cao quý của tuổi trẻ Việt Nam. Như vậy, nhật ký cách mạng của chị là nhật ký đầu tiên tìm được của thanh niên Nam bộ, được phát hiện ở Nam bộ. Chắc rằng, chúng ta sẽ còn tiếp tục phát hiện thêm được những tập nhật ký khác, cũng rực lửa lý tưởng như vậy.
Tôi học được gì từ chị? Tất cả! Từ một lý tưởng sống cao đẹp đến những việc làm giản dị hằng ngày; từ một tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu thương đến việc đối diện với thử thách, cam go; từ tinh thần lạc quan Cách mạng đến cách tiếp nhận hay từ chối tình cảm của một người. Những trang nhật ký chị viết cho riêng mình đã đến với mọi người và mở ra những bài học sống động, chân thật và dễ tiếp nhận nhất về một lẽ sống: “làm một người bình thường mà không tầm thường”. Và qua đó, tôi đã tìm thấy ngọn lửa thắp lên trong trái tim mình.
Tự hào sao tôi là người Việt Nam, nếu tôi sinh ra ở thời khắc đó tôi sẽ cống hiến tuổi trẻ cho quê hương đất nuớc, tôi rất tự hào khi đọc những tâm sự trong nhật ký của chị và chị đã hy sinh cho tổ quốc quyết sinh.
Thế hệ trẻ chúng ta hết sức biết ơn những tấm gương anh dũng như thế và sẽ cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Chị xứng đáng là một liệt sĩ chiến đấu và chết cho lý tưởng "Vì một quốc gia độc lập". Tôi rất thán phục cho một tâm hồn thanh khiết về tình yêu quê hương đất nước, tính đồng chí đồng đội. Lời văn nhật ký thật giản dị càng tô thêm vẻ đẹp huyền thoại của người con gái, một thiếu nữ sống, làm việc và hy sinh cho lý tưởng cách mạng cao cả nhất. Chị đã không ngại gian khổ hy sinh cho đất nước để có ngày hôm nay. Những trang nhật ký chị viết cho riêng mình đã đến với mọi người và mở ra những bài học sống động, chân thật và dễ tiếp nhận nhất về một lẽ sống: “làm một người bình thường mà không tầm thường”. Và qua đó, tôi đã tìm thấy ngọn lửa thắp lên trong trái tim mình.
Võ Thị Hòa Thuận - khu phố 3, Phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một