Cần thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong thanh niên
TTBD - Gần nửa thế kỷ chôn vùi trong lòng đất, cuốn nhật ký với những trang giấy ố vàng đã mục nát nhiều chỗ đã được phát hiện. Nhưng thật kỳ diệu, lần giở những dòng chữ còn đọc được, chúng ta thấy rõ những hoài bão và lý tưởng sống cao đẹp của một nữ thanh niên trong những năm 60 thế kỷ trước.
Không chỉ ở Bình Dương mà nhiều, rất nhiều tỉnh thành khác đã biết đến quyển nhật ký của một cô giáo trẻ đã chọn cho mình lý tưởng sống, chiến đấu vì Tổ quốc, tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Đọc các trang viết khiến tôi xúc động, tự hào vì ngoài liệt sĩ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm quê hương Tiền Giang mà còn có chị Lê Thị Thiên mới 17 tuổi đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ và hy sinh khi ở tuổi đôi mươi. Tôi có được may mắn gần gũi, tiếp cận được nhiều lần với gia đình thì mới biết gia đình chị vốn có truyền thống cách mạng. Cha mẹ liệt sĩ Thiên cũng tham gia cách mạng và được tặng Huân chương kháng chiến, anh trai của người nữ liệt sĩ này cũng đã gia nhập bộ đội và sau đó đã hy sinh ở Chợ Gạo đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thời kháng chiến, căn nhà của ông Ba Như - bà Ba Hò, cha mẹ liệt sĩ Thiên, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ. Từ "cái nôi" ấy sớm giúp cho chị có lý tưởng cách mạng. Theo nội dung của quyển nhật ký trong đó có đoạn "Tháng 12/1962, rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng, vừa dạy học, vừa tham gia các mặt trận khác. Sau đó lên đường vào chiến trường. Ngày đi, ngoại nhắn lời nhắn nhủ hữu ích của cậu, mình cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con gái ngoan của ba má, người con ưu tú của Đảng..." Có thể thấy chị là một người con hiếu thảo, luôn mang tình cảm gia đình trong tâm trí. Nhưng vì chiến tranh ngăn cách và nỗi khát vọng của tuổi trẻ, tinh thần yêu nước của người chiến sĩ cách mạng, chị đã quyết tâm tham gia cách mạng theo tiếng gọi của con tim.Với lý tưởng sống đã chọn, chị Lê Thị Thiên đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Trong cuốn nhật ký, ta bắt gặp một cô gái trẻ bày tỏ hứng khởi khi chọn đúng lý tưởng sống: "Một hôm, M. đến điểm học tập. Sinh hoạt ở đây có nhiều điều mới lạ, vui tươi" và chị rất thích thú vì "tư tưởng đã lớn, con người cũng mạnh dạn kể từ đây". M. cũng hay thể hiện cảm xúc lo lắng, thương nhớ quê nhà trong chuỗi ngày đi công tác ở xa. Rồi M. nhận được thư gia đình, trong đó cha mẹ, anh chị rất lo cho chị. "Phải cố làm thế nào để xứng đáng với niềm thương nhớ và lo lắng ấy" - M. viết.
M. sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân cho lý tưởng đã chọn. "Đêm nay, được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến. Phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù, trước mặt kẻ thù không do dự" - chị quả quyết. Sau mỗi trang nhật ký, M. còn tự rút ra cho mình những câu khẩu hiệu viết bằng chữ in hoa: CĂM THÙ > HÀNH ĐỘNG > HỌC TẬP, CÔNG TÁC TỐT; LẠC QUAN, PHẤN KHỞI, TIN TƯỞNG; QUYẾT TÂM SỐNG, CHIẾN ĐẤU NHƯ ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TRỖI…
Cô gái miền Tây tuổi đôi mươi với bao mơ ước hồn nhiên ấy lại tình nguyện băng mình vào lửa đạn của cuộc chiến khốc liệt một mất một còn. Chị đã tự nguyện hiến dâng cả tuổi xuân, lẽ sống và cả tình mẫu tử thiêng liêng của mình cho lý tưởng cao cả của Đảng. Từ đó, chị luôn tự vấn mình phải tự rèn luyện, tu dưỡng làm sao để ngày càng hoàn thiện hơn. Chị vui mừng với những đóng góp trong công tác hằng ngày của mình, rồi động viên sẽ cống hiến nhiều hơn. Trong nhật ký của mình, chị thường xuyên tự phê bình nghiêm túc những khuyết điểm, yếu kém trong sinh hoạt, chuyên môn, học tập, công tác… Đồng thời, chị cũng tiếp thu những ý kiến phê bình và coi đó như "thang thuốc bổ, uống vào khỏe mạnh". Cuốn nhật ký của chị là sự kết tinh mọi phẩm chất cao đẹp của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Với những kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên nói riêng và mọi người nói chung thì bài học đầu tiên mà chúng ta phải học, phải thực hành là bài học về tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao độ với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chất lý tưởng trong nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh không chỉ cháy sáng lên một chiều, không chỉ thể hiện ra bên ngoài mà nó còn toả sáng, soi rọi một cách đa chiều vào tận những góc khuất lấp của lòng người.
Tôi tự cảm thấy thật hổ thẹn với chính bản thân mình và với tất cả mọi người nhất là với chị Lê Thị Thiên. Đã 23 tuổi mà tôi chưa làm được gì tốt đẹp cho chính bản thân tôi, cho Đoàn, cho Đảng và cho đất nước. Tôi chưa biết nhận ra những khuyết điểm mà mình đã mắc phải, chưa biết tự giác, thường xuyên phê bình và tự phê bình nghiêm túc về những khuyết điểm, yếu kém trong sinh hoạt, chuyên môn, học tập, công tác của mình …tôi thật xấu hổ!
Qua việc nghiên cứu quyển Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh của nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên và những công việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày tôi nhận thấy thời nào cũng vậy, con người đều cần có ước mơ, hoài bão, lý tưởng để định hướng và và thắp lên ngọn lửa bên trong thôi thúc hành động. Nếu không có hướng đích đúng đắn, người ta có thể sa vào con đường lầm lạc. Sự chân thực của cuốn nhật ký, nhân cách sáng ngời của nữ nhà giáo – liệt sĩ Lê Thị Thiên, chất lý tưởng, tình người và ngọn lửa nhiệt tình sống không bao giờ tắt toả ra từ những trang nhật ký đã có sức cuốn hút và lan truyền kỳ diệu đối với những thế hệ bạn đọc hôm nay, là bạn đồng hành của họ trên con đường đi tới chân lý, cái thiện và cái đẹp, giúp cho họ hành động đúng vì đất nước mình và đồng loại.
Ở địa phương và nơi tôi đang làm việc cũng vậy công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hoạt động rất mạnh và sôi nổi. Nhưng bên cạnh đó công tác giáo dục của Đoàn ở một số đơn vị còn rập khuôn, máy móc, chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, chưa có sức lan toả rộng rãi đến các đối tượng thanh thiếu niên. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội trong thanh niên có lúc, có nơi chưa được thường xuyên. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn và hoạt động của Đoàn cơ sở chưa hấp dẫn, chưa thực sự thu hút được thanh niên, đội ngũ cán bộ nhiều đơn vị thiếu và chất lượng chưa cao, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cán bộ Đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Mà nguyên nhân chính ở đây là do:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Ban Chấp hành Đoàn các cấp đôi lúc chưa toàn diện, một số mô hình hoạt động và phương thức hoạt động của Đoàn còn chưa theo kịp với tình hình thanh niên hiện nay. Tư duy của một bộ phận cán bộ Đoàn trên một số lĩnh vực chậm được đổi mới, chưa theo kịp thanh niên, tác phong, lề lối công tác còn thiếu sâu sát cơ sở, chưa thực sự gắn bó với thanh niên; khả năng cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết, chương trình công tác của cấp trên vào thực tiễn cơ sở của một bộ phận cán bộ Đoàn còn hạn chế.
- Công tác tham mưu đề xuất của Ban Thường vụ Đoàn một số nơi chưa kịp thời việc tranh thủ các nguồn lực cho Đoàn hoạt động có lúc, có nơi chưa được phát huy. Công tác kiểm tra nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh và hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên. Việc quy hoạch, tạo nguồn và luân chuyển cán bộ Đoàn chưa được chú trọng dẫn đến số cán bộ Đoàn quá chậm được luân chuyển, số cán bộ Đoàn mới được kiện toàn, thay thế chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ công tác, năng lực trình độ, kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng vận động thanh niên còn hạn chế.
- Sự thoái hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tư tưởng thanh niên. Lực lượng thanh niên đi lao động xa nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý đoàn viên, tập hợp thanh niên và tổ chức các hoạt động tại địa phương. Điều kiện, kinh phí và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của Đoàn chưa tương xứng và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra. Một số cấp uỷ, chính quyền còn thiếu tin tưởng, chưa thực sự quan tâm đến thanh niên và công tác thanh niên; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để huy động thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành với tổ chức Đoàn trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ còn thiếu đồng bộ.
Từ những điều trên bản thân tôi nhận thấy Đoàn viên, thanh niên là những người đang mang trong mình bầu nhiệt huyết, sức sống của tuổi trẻ, là thế hệ đầy “hăng hái, kiên cường”, “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Nhưng ở họ cũng thiếu sự từng trải, thiếu kinh nghiệm cuộc sống... những thói quen làm việc chưa được hình thành một cách ổn định, vì vậy khi được đóng góp chân thành họ rất dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm của mình. Thực tế, lòng dũng cảm không phải bao giờ cũng gắn với những hành động mạnh mẽ, những lời nói hùng hồn mà đôi khi đó lại là những gì nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu công tác tự phê bình và phê bình thực hiện tốt thì không những hiệu quả làm việc của BCH được nâng cao mà mỗi cán bộ đoàn cũng sẽ tích luỹ cho mình một vốn kinh nghiệm nhất định, phục vụ cho việc thao tác kỹ năng nghề nghiệp góp phần xây dựng Đoàn - Đảng cũng như đất nước ta ngày một phát triển vững mạnh hơn, giàu đẹp hơn nữa.
CTV Phạm Thị Tươi - Trường Tiểu học Bình Quới - Thuận An (TT)