So với phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động năm 2012, dự thảo Luật An toàn-Vệ sinh lao động được áp dụng với nhiều đối tượng hơn và quy định cụ thể hơn các hoạt động đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, dự thảo bổ sung nhiều quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với lao động không có hợp đồng lao động, lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động.
Luật An toàn-Vệ sinh lao động mở rộng thêm đối tượng và quy định chi tiết về phòng ngừa tai nạn lao động.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về những nội dung chủ yếu và điểm mới của dự thảo Luật An toàn-Vệ sinh lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 6-11, tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, dự thảo Luật An toàn-Vệ sinh lao động quy định đối với việc vận hảnh, sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thì lao động không có hợp đồng lao động cũng phải có chứng nhận huấn luyện phù hợp. Mặt khác, đối với những tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra với người lao động không có hợp đồng vẫn phải tiến hành điều tra, khai báo và thống kê.
Về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo ông Thơ, dự thảo luật quy định chi tiết hơn so với Luật Lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, dự thảo bổ sung một số trường hợp được hưởng chế độ bảo hiểm và quy định rõ những trường hợp không được hưởng chế độ do mẫu thuẫn cá nhân hoặc do người lao động cố tình tự hủy hoại sức khỏe.
Ngoài ra, dự thảo Luật An toàn-Vệ sinh lao động cũng quy định thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là lực lượng thanh tra chuyên ngành, bên cạnh cán bộ quản lý nhà nước ở cấp trung ương, cấp tỉnh có bổ sung thêm cấp huyện được thực hiện thanh tra. Công tác thanh tra tại khu vực không có quan hệ lao động cũng sẽ được mở rộng theo quy định của dự thảo luật.
Đánh giá về dự thảo Luật An toàn-Vệ sinh lao động, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng dự thảo đã hướng đến bảo đảm quyền được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và chú trọng đến việc phòng ngừa tai nạn lao động, giải quyết các hậu quả do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật chuẩn bị trình Quốc hội bao gồm 7 chương, 94 điều và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét vào tháng Mười Một tới cũng như trình Quốc hội xem xét thông qua lần cuối vào tháng 5-2015./.
Nguồn TTXVN (TT)