Sáng qua (23-10), ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp Ban chỉ đạo chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM) và chống sản xuất, buôn bán hàng giả tỉnh Bình Dương (gọi tắt là BCĐ 389 tỉnh). Chủ động nắm bắt tình hình để có biện pháp thực hiện đạt kết quả cao; đề ra các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường phù hợp trong từng thời điểm; các ngành thành viên tăng cường trách nhiệm và phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ… và thông qua kế hoạch kiểm tra hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là những nội dung chính tại cuộc họp.
Tiêu hủy rượu lậu tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.
Đủ kiểu gian lận thương mại
Trao đổi với các đại biểu tại cuộc họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Xin kể với hội nghị một kinh nghiệm của bản thân: Xe ô tô của tôi có dung tích 60 lít, vào một tiệm xăng ở TP.Thủ Dầu Một bơm xăng, quay đi quay lại đã thấy bảng điện tử hiện rõ con số 61 lít. Tại thời điểm phát hiện hành vi gian lận, tôi thắc mắc vì sao ô tô vẫn có thể chạy thêm vài km, xăng vẫn còn, sức chứa tối đa vẫn 60 lít nhưng cớ sao lại hiển thị 61 lít. Anh nhân viên trả lời, việc này phải hỏi chủ cây xăng (!?)”.
Còn đại diện lãnh đạo TX.Dĩ An cho biết, chúng ta có lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường… nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, BL, GTLM tại địa bàn TX.Dĩ An còn khá phổ biến. Đáng nói là tình trạng hàng giả, hàng dỏm các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán công khai tại một trung tâm thương mại lớn của doanh nghiệp nước ngoài nhưng chưa được ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Cùng quan điểm này, ông Lâm Phi Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho rằng, lâu nay chúng ta luôn tin tưởng siêu thị, nhưng thực tế bên cạnh những đơn vị kinh doanh chân chính vẫn còn một số đơn vị chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc quản lý hàng hóa kinh doanh tại các kiốt cho thuê tại siêu thị. Đến khi xảy ra chuyện thì tiểu thương bỏ trốn, người tiêu dùng chịu thiệt thòi. “Tình hình buôn bán, làm ăn gian dối đang diễn biến phức tạp, gây thất thu lớn cho ngân sách. Đề nghị có những biện pháp quyết liệt hơn trong chống BL, GLTM để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra 9.354 vụ, phát hiện 3.062 vụ vi phạm, đã xử lý 2.766 vụ vi phạm. Lực lượng đã xử phạt, truy thu và giá trị hàng tịch thu có giá trị sử dụng trên 213 tỷ đồng.
|
Thực tế cho thấy, tình hình BL, GLTM, hàng gian hàng giả trong 9 tháng qua chưa có dấu hiệu giảm tiếp tục gây bức xúc của người tiêu dùng. Các sản phẩm như kính ô tô các loại, áo sơ mi Việt Tiến, giày thể thao Adidas, bột giặt Omo, sữa, phân bón… được các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn bất chính buôn lậu, làm giả nhiều nhất.
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay đáng lưu ý là tình trạng gian thương mua hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc, Thái Lan đóng gói và bao bì giả nhãn hiệu những sản phẩm Việt Nam có uy tín xuất hiện khá nhiều tại Bình Dương.
Xử lý tận gốc
Ông Võ Văn Phúc, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh khẳng định, lâu nay chúng ta vẫn chống BL, GLTM nhưng chưa đánh trúng và chưa tận gốc. Lấy ví dụ như bắt giữ tại hiện trường các vụ việc sản xuất hàng giả, nhưng chỉ bắt một vụ cụ thể đó thôi chưa đủ. Cần phải xây dựng công tác nắm tình hình theo chức năng, đi sâu xem các đối tượng này được ai cung cấp nguồn hàng; phải truy xuất những đối tượng này đem tiêu thụ ở đâu… Từ đó nắm rõ đường dây mối nhợ mới triệt phá được các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh khẳng định, cần tập trung trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải và phải xử phạt thật nghiêm minh thì hiệu quả triệt tận gốc BL, GLTM mới đạt cao. Về những nhiệm vụ cần tập trung trong 3 tháng cuối năm, ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh, các huyện, thị, thành phố cần nhanh chóng củng cố lại BCĐ cấp mình và có kế hoạch triển khai công tác này từ nay đến cuối năm. Các ngành chức năng và địa phương xây dựng kế hoạch chống BL, hàng gian hàng giả đối với những nhóm hàng có sức tiêu thụ cao vào dịp tết như quần áo, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia… Các ngành liên quan như Hải quan, Cục Thuế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cần tăng cường tuyên truyền trên các kênh thông tin nhằm nâng cao ý thức, kiến thức cho doanh nghiệp, người kinh doanh và người tiêu dùng luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa; đồng thời chú trọng phối kết hợp trong thanh kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép…
Nguồn baobinhduong.vn (TT)