Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2014) Cuộc rút quân thần kỳ
Cách đây 67 năm (17.2.1947 – 17.2.2014), Trung đoàn Thủ đô sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch tại Hà Nội để Trung ương Đảng và Bác Hồ lên Việt Bắc đã được lệnh rút quân bảo toàn lực lượng. Đường rút quân bắt đầu từ ngõ Phất Lộc (phố Hàng Bạc) qua gầm cầu Long Biên, ven đê sông Hồng tới tận vùng an toàn được lặng lẽ thực hiện ngay trong vòng vây quân thù... Con đường huyền thoại ngày đó của những người con Hà Nội “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” chính là mạch nguồn chiến thắng để 7 năm sau - ngày 10.10.1954, họ lại trở về thủ đô trong khúc ca khải hoàn...
Trung đoàn Thủ đô rút qua sông Hồng hẹn ngày trở về.
Bài 1: Tài hoa ra trận
Hướng tới dịp kỷ niệm đặc biệt của thủ đô, Trang Hà Nội Báo Lao Động đã nhận được nhiều nguồn tài liệu quý ghi lại chân thực những nét tài hoa ra trận của những người Hà Nội thời kháng Pháp, trong đó có nguồn tài liệu gia đình của nguyên Trung đội trưởng tự vệ phố Hàng Bè năm xưa. Đồng thời với những nguồn sử liệu này, chúng tôi đã tìm gặp lại những nhân chứng của một thời hào hùng.
Mùa đông ở Liên khu I Hà Nội cuối năm 1946 đầu 1947 khét lẹt mùi thuốc súng. Đêm 19.12.1946, những tiếng súng đầu tiên đánh bật nhiều thanh niên Hà Nôi khỏi bàn học. Thế là, sau bao ngày căng thẳng, ngột ngạt, cuộc chiến đã bắt đầu. Trụ sở trung đội tự vệ phố Hàng Bè nằm giữa phố trải qua một đêm trắng, thao thức và hừng hực. Không hồi hộp sao được, khi những chàng thanh niên Hà Nội đó đang nóng lòng chờ đợi cuộc đọ súng đầu tiên với quân thù.
Tờ mờ hôm sau, những người lính vệ quốc từ Bắc Bộ Phủ tụ về khu phố, quần áo sạm mùi thuốc súng. Họ tranh luận với nhau quyết liệt về trận đánh hồi đêm, về sự hy sinh của đại đội trưởng Lê Gia Định ôm bom tử thủ... cùng Bắc Bộ Phủ. Gương mặt hiên ngang, đen sắt của họ như còn hằn sâu lòng căm thù và dũng cảm qua một đêm đấu súng không cân sức với quân thù. Những người lính tự vệ sao vuông phố Hàng Bè đã nhanh hòa nhập với anh em vệ quốc đoàn và ít lâu sau được biên chế vào các đơn vị vệ quốc.
Trận đánh đầu tiên của trung đội trưởng Hoàng Hải (tức Dương Hằng) chỉ huy diễn ra trên đoạn đường chưa đầy 100m từ ngã tư Hàng Dầu - Lò Sũ đến ngã tư Lò Sũ - Lý Thái Tổ (hồi ấy là đường Amiral Courbet). Một tiểu đội đang ở căn nhà góc phố Hàng Dầu có cửa sau trổ ra phố Lò Sũ, được Đại đội trưởng Liêm (tức Liêm Xồm, sau này là Thượng tướng Vũ Lăng) tay lăm lăm khẩu côn-bát 12 ly, lệnh cho trung đội trưởng Hoàng Hải phải đưa tiểu đội băng qua đường sang khối phố đối mặt để đến Sở Máy Điện đưa thương binh về. Băng qua đường lúc này là qua cửa tử, vì ở ngã tư Lò Sũ - Lý Thái Tổ, chiếc xe Háp-trắc của địch đang chĩa khẩu 12,7 ly kiểm soát con đường. Đại đội trưởng Hoàng Hải chạy đầu tiên thoát, vì địch bất ngờ. Phải vài tiếng sau, một số người nữa cũng băng qua được, chờ đến đêm mới đưa được thương binh về. Nhiều thương binh chưa về đến trạm xá quân y đã tắt thở, anh em tự vệ phố Hàng Bè lại cáng vào chôn trong ngõ Trung Yên.
Cuộc chiến muôn vàn khó khăn, nhất là ở phần lo hậu cần. Nhưng dân "thổ công" phố Hàng Bè thì dễ dàng tìm ra những kho gạo ở phố Chợ Gạo, những sọt cá mắm ở phố Hàng Mắm và cả một nhà ở phố Hàng Thiếc có mấy chục thùng phuy đựng nước mưa. Duy chỉ có khoản rau xanh là khó nhất, nhiều lần bộ đội ta mưu trí vượt qua đê, mò ra các bãi trồng khoai ở ven sông để hái lá và mót củ.
Những ngày ấy, những chàng trai Hàng Bè thường leo lên gác hiệu Sinki (nay là hiệu may Dân Chủ, cạnh Nhà hát múa rối Thăng Long) bắn trả đám xe của địch chạy quanh hồ Hoàn Kiếm, vừa ngắm bắn vừa nhai kẹo Sinki. Giây phút ngưng tiếng súng, họ rủ nhau lên phố Hàng Buồm, sà vào hiệu Tân Phúc Điền hay Tây Nam tửu gia, dốc những đồng tiền cuối cùng đổi lấy khăn tay, lược ngà... tặng người yêu... Trong cuộc chiến đó, Trung đội trưởng Hoàng Hải đã nên duyên với cô gái phố Hàng Bạc và họ sống với nhau đến đầu bạc răng long.
Nguồn baomoi.com (TT)