Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác dân vận chính quyền; trong đó có chủ trương xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân” và mô hình “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Từ chủ trương này, Sở Nội vụ đã và đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện.
CBCC tiếp xúc với người dân thân thiện và gần gũi. Trong ảnh: CBCC bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ HĐND - UBND TX.Dĩ An (phải) hướng dẫn người dân ghi đúng hồ sơ, thủ tục.
Chính quyền thân thiện
Ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, mục đích của 2 mô hình này là chính quyền thực hiện tốt việc phục vụ nhân dân khi đến giải quyết công việc hành chính trên tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện, sẽ đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của cán bộ công chức (CBCC) tại các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập trong cách phục vụ tổ chức, công dân; từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền thân thiện, gần dân, thực sự của dân, do dân và vì dân. 2 mô hình này cũng sẽ tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, CBCC Nhà nước trên cơ sở quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới.
Theo ghi nhận và khảo sát của chúng tôi, nhiều cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố và một số xã, phường cho rằng, khi thực hiện 2 mô hình này sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng một số CBCC có thái độ sách nhiễu, gây phiền hà cho dân khi đến cơ quan hành chính Nhà nước liên hệ công việc. Qua thực hiện 2 mô hình cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công các cấp, xây dựng được hình ảnh chính quyền thân thiện trong mắt người dân.
Để dân hiểu, dân tin
Hiện nay, Sở Nội vụ đang tham mưu UBND tỉnh chọn các đơn vị, địa phương làm thí điểm trên tinh thần quán triệt và thực hiện tốt 2 mô hình này để nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, các địa phương, đơn vị được chọn thí điểm sẽ bảo đảm được sự hài lòng của người dân, tổ chức khi đến liên hệ giải quyết công việc hành chính; đồng thời từng bước nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Các địa phương, đơn vị chọn thí điểm phải thực hiện tốt yêu cầu lắng nghe dân, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn… Ngoài ra, các địa phương, đơn vị thí điểm phải xây dựng được chính quyền, công sở thân thiện, thể hiện được văn hóa trong giao tiếp, tạo ra hình ảnh thân thiện, gần gũi trong nhìn nhận, đánh giá của người dân, tổ chức khi đến liên hệ công việc hành chính.
Để thực hiện tốt 2 mô hình thí điểm, UBND tỉnh yêu cầu địa phương, đơn vị thí điểm phải chuẩn hóa về yếu tố con người; thực hiện việc công khai số điện thoại của lãnh đạo địa phương, đơn vị; thực hiện nghiêm túc các giải pháp giám sát, kiểm tra theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị được chọn thí điểm cũng phải xây dựng và thực hiện tốt “nụ cười công sở”, các quy định về văn minh, văn hóa công sở, có thái đô tôn trọng, phong cách làm việc gần dân, nhẹ nhàng, lịch sự trong giao tiếp với dân. Hàng tháng, hàng quý phải tổ chức đối thoại, lắng nghe dân. Song song đó, phải thực hiện “thư xin lỗi”, “thư cảm ơn” và “thư chúc mừng” trong từng tình huống cụ thể nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với tổ chức, cá nhân.
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những kiến nghị của người dân liên quan cụ thể đến các thủ tục, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, thủ tục hành chính xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; ĐT: (0650) 3.835029
Địa chỉ email:kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn
Nguồn baobinhduong.vn (TT)