Xác định rõ việc nâng cao và chuẩn hóa trình độ tiếng Anh cho sinh viên là một yêu cầu khách quan, cấp bách đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trường Đại học Thủ Dầu Một đã xây dựng “Chuẩn năng lực ngoại ngữ trường Đại học Thủ Dầu Một (EPT - UTDM)”, tổ chức giảng dạy đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dựa trên đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành năm 2014.
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hội đồng Khoa học trường Đại học Thủ Dầu Một cũng đã mời những chuyên gia đến từ các khối của Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) thẩm định Đề án “Chuẩn năng lực ngoại ngữ trường Đại học Thủ Dầu Một (EPT - UTDM)”. Nội dung của đề án được xây dựng trên cơ sở khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Bộ GD-ĐT ban hành (sơ cấp: A1, A2, trung cấp: B1, B2, cao cấp: C1, C2). Chương trình đào tạo với các nội dung: Nghe, đọc hiểu, nói, viết, sử dụng phương pháp tổng hợp (blended solution) trong việc dạy và học ngoại ngữ, tích cực sử dụng trang thiết bị công nghệ thông tin vào việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên tự học, đồng thời giáo trình giảng dạy sẽ được tuyển chọn và biên soạn từ các nhà xuất bản Oxford, Cambridge, Macmillan, Cengage của nước Anh và Mỹ. Đề án đã xây dựng một bộ chuẩn đầu ra ngoại ngữ, các quy định về học và kiểm tra trình độ ngoại ngữ, bộ bài test phân loại đầu vào, bộ câu hỏi kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ, quy định về việc quy đổi điểm, miễn học, miễn thi học phần và miễn thi chuẩn đầu ra cho sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hội đồng Khoa học đã khẳng định nội dung chương trình đào tạo của Đề án “Chuẩn năng lực ngoại ngữ trường Đại học Thủ Dầu Một (EPT - UTDM)” bảo đảm tính toàn diện, phát triển được cả kiến thức và các kỹ năng ngôn ngữ: Nghe, đọc hiểu, nói, viết, cách phân bố nội dung, thời lượng học tập được nêu rõ ràng, cụ thể phù hợp với điều kiện của trường Đại học Thủ Dầu Một, đồng thời đáp ứng được các mục tiêu trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam do Bộ GD-ĐT quy định. Dạng thức đề thi, thang điểm, tiêu chí đánh giá rõ ràng mang tính phân loại theo nhiều trình độ khác nhau (từ sơ cấp đến nâng cao) bảo đảm được tính nghiêm túc và tin cậy.
Theo T.S Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của các trường về năng lực và chất lượng đào tạo để xã hội giám sát, vì vậy, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chuẩn đầu ra không phải là của riêng từng trường mà liên quan đến nhu cầu của xã hội và mối liên hệ giữa nhiều phía liên quan, đặc biệt là giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong thời gian sắp đến, trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ thường xuyên lấy những ý kiến phản hồi từ phía các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để có những hướng điều chỉnh chương trình cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nhà trường yêu cầu toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên cần có sự nhận thức đúng đắn về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, có sự thống nhất về ý chí và hành động của cả tập thể đối với việc áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ và việc tuyên truyền về chuẩn đầu ra ngoại ngữ đến các đối tượng, kể cả các nhà tuyển dụng.
T.S Nguyễn Văn Hiệp cũng chia sẻ: “Việc công bố chuẩn đầu ra thì dễ, nhưng để thực hiện một cách nghiêm túc lại gặp rất nhiều khó khăn và áp lực từ chính những đối tượng liên quan trực tiếp như: Thầy, trò, nhà quản lý và cả từ phía xã hội. Song dù có khó khăn thế nào, nhà trường cũng quyết tâm thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra theo đúng chủ trương và quy định của Bộ GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như cam kết thực hiện mục tiêu định hướng phát triển của nhà trường, đáp ứng mục tiêu trở thành một đơn vị giáo dục đào tạo đại học có uy tín ở Việt Nam cũng như trong khu vực…”.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)