Xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội - Sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực rơi vào thoái trào, song thực tiễn chọn lựa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, với những khó khăn, thách thức và cả những thành quả mà đất nước ta đã đạt được sau hơn 35 đổi mới đã chứng minh sự vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn. Điều đó khẳng định, đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, sự chọn lựa phù hợp với quy luật khách quan và điều kiện lịch sử cách mạng Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Năm 1991 mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào. Niềm tin vào chủ nghĩa xã hội bị lung lay và bị tác động bởi các thế lực thù địch. Tuy nhiên, ở đất nước ta, Đảng Cộng sản Việt nam vẫn lựa chọn con đường đi lên CNXH và Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định: tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
2. Nội dung
2.1 Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển.
Học thuyết Mác - Lênin đã chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người là lịch sử phát triển và thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội: từ cộng sản nguyên thủy đến chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là xã hội XHCN). Các hình thái kinh tế - xã hội ra đời, phát triển dựa trên quy luật hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời lạc hậu, trong đó sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật bao trùm, chi phối mọi hình thái kinh tế - xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng minh và khẳng định, chủ nghĩa tư bản (CNTB) là một hình thái kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ nhưng chính CNTB đã tạo ra ngay trong lòng nó những mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của TBCN với lực lượng sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản (bóc lột) với giai cấp công nhân và người lao động (bị bóc lột). Những mâu thuẫn này tất yếu sẽ dẫn đến một cuộc đấu tranh giai cấp và chính cuộc đấu tranh giai cấp này sẽ làm cho CNTB tiêu vong và bị thay thế bởi một xã hội mới tốt đẹp, tiến bộ hơn đó là xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều tất yếu như nhau. Thực tiễn lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh, học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của Mác – Lênin là đúng.
Để đi lên CNXH, trên cơ sở lịch sử, nét đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc, xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội cụ thể mà từng quốc gia, dân tộc lựa chọn cho mình con đường đi lên CNXH khác nhau. Không có mô hình hoặc con đường đi lên CNXH chung cho các quốc gia, dân tộc để áp dụng một cách dập khuôn, máy móc. Những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đặc trưng, sự tiến bộ của CNXH cũng như phương hướng, con đường đi lên CNXH là sơ sở lý luận, phương pháp luận để các quốc gia, dân tộc vận dụng xây dựng CNXH hiện thực.
Trên cơ sở học thuyết Mác – Lênin về hình thái kinh tế xã hội, có thể khẳng định, đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển.
2.2 Đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là khát vọng của nhân dân, sự lựa chọn đúng đắn của Đảng.
Có thể khẳng định “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện” . Đó là cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho việc kiên trì, giữ vững định hướng XHCN và công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng ta khởi xướng.
Vận dụng một cách khoa học, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Trong Chính cương vắn tắt năm 1930 của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đại hội II (1951), Đảng tiếp tục khẳng định: quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam là quá trình từ xã hội có tính chất thuộc địa, nửa phong kiến, qua xã hội dân chủ mới đến xã hội XHCN. Và đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH vẫn nhấn mạnh: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Ngay cả khi chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng sau sự kiện năm 1991 Đảng ta vẫn giữ vững niềm tin với sự lựa chọn của mình: loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
Đại hội X của Đảng tiếp tục chỉ rõ quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết những thắng lợi vĩ đại và những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta hơn 80 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, phân tích sâu sắc bối cảnh quốc tế, những đặc điểm của thời đại đã khẳng định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội mặc dù gặp không ít những khó khăn thách thức, nhưng sẽ có bước tiến mới, theo tiến hóa của lịch sử, loài người sẽ nhất định tiến tới CNXH”. Đại hội XII của Đảng đánh dấu bước phát triển về nhận thức lý luận của Đảng trong việc xác định phương hướng xây dựng CNXH ở nước ta trong giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội xác định mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” . Tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), phát biểu khai mạc Đại hội XIII của Đảng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rõ: “Con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
Có thể khẳng định tư tưởng nhất quán của Đảng ta trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH. Mặc dù có những thời điểm ta mắc phải sai lầm, khuyết điểm (trước 1986) do nhận thức về mô hình và con đường đi lên CNXH thời kỳ này còn nhiều hạn chế, chưa làm rõ được tính đặc thù của mô hình CNXH Việt Nam cũng như con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN từ một nước tiền TBCN, có xuất phát điểm kinh tế, xã hội, văn hóa… thấp kém. Điều này đã đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong những năm 80 của thế kỷ XX, cũng từ đó đặt ra yêu cầu Đảng phải tư duy, nhận thức và đổi mới cấp bách ngay sau đó.
2.3 Đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn phù hợp với điều kiện lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam
Sau sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu. Các thế lực thù địch, chống cộng, bọn phản động, cơ hội chính trị cho rằng “chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác”?, “Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?” .
CNTB để đạt được như ngày hôm nay, cũng phải trải qua không ít thăng trầm đó là một quy luật tất yếu của lịch sử cho sự ra đời của một hình thái kinh tế - xã hội mới. Nhìn lại giai đoạn 1506 - 1609, cuộc cách mạng tư sản Hà Lan thắng lợi lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha, thành lập nhà nước tư sản đầu tiên trên thế giới. Năm 1640, cách mạng tư sản Anh thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa, trong đó diễn ra các cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới giữa phong kiến và tư sản. Nhưng, phải đến những năm 80 của thế kỷ XIX ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản chế độ phong kiến bị lật đổ thì chủ nghĩa tư bản mới trở thành một hệ thống trên thế giới.
Trước khi trở thành một hệ thống trên thế giới nhiều lần chủ nghĩa tư bản giành được chính quyền nhưng lại bị giai cấp quý tộc phong kiến lật đổ. Vì vậy, không thể từ sự sụp đổ của Liên Xô, Đông âu mà có thể kết luận rằng, chủ nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn, trong khi CNXH hiện thực vẫn tồn tại như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Lào… và chúng ta không thể không thừa nhận rằng CNXH hiện thực trong lịch sử và CNXH hiện thực đã thể hiện sự ưu việt của mình. Trong suốt hơn 70 năm tồn tại, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên nhiều lĩnh vực. Liên Xô trở thành nước công nghiệp hàng đầu châu Âu chỉ sau 16 năm công nghiệp hóa (1925-1941), là quốc gia đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo (1957) và đưa con người vào vũ trụ (1961). Giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở được quan tâm và miễn phí toàn dân; người già, phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên. Điều này đã tạo sự công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo, thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản.
Chúng ta cũng không phủ nhận việc CNTB ngày nay đã có những bước điều chỉnh, thích nghi với sự phát triển của xã hội, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, khoa học, công nghệ, chế độ phúc lợi xã hội… “Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”, thậm chí còn “làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu” vì ngay “tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”. Và “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc” . Chính vì vậy: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Thực tiễn cách mạng đã chỉ ra, chỉ từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo con đường XHCN bỏ qua chế độ TBCN, dân tộc ta mới giải phóng được mình, nhân dân ta mới giành lại địa vị người chủ lịch sử chân chính của mình. Việc bỏ qua chế độ TBCN để đi lên CNXH ở Việt Nam cũng không phải chưa từng xảy ra. Do quy luật phát triển không đều chi phối nên các nước trên thế giới không bao giờ có cùng chế độ xã hội. Lịch sử đã chứng kiến không ít trường hợp các quốc gia thành công theo hướng phát triển bỏ qua một chế độ nào đó. Chẳng hạn Mỹ, Ôxtơrâylia, Canada… đã bỏ qua chế độ phong kiến để tiến thẳng lên chế độ TBCN. Với Việt Nam ta, lựa chọn con đường XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN là đòi hỏi khách quan của chính điều kiện lịch sử và tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Thành công của Cách Mạng tháng 8.1945, Nhà nước dân chủ nhân dân ra đời, chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, chiến thắng lịch sử 30.4.1975 vang dội năm châu, thống nhất đất nước, … đã minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường XHCN. Những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua và của các nước XHCN càng khẳng định một cách thuyết phục sự lựa chọn con đường XHCN là sự lựa chọn duy nhất đúng. Muốn xây dựng xã hội “công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh” không có con đường nào khác con đường XHCN như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.
Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”.
3. Kết luận
Vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước ta sau 35 năm đổi mới đã khẳng định sự lựa chọn con đường di lên CNXH là con đường đúng đắn, phù hơp quy luật khách quan, đáp ứng khát vọng của nhân dân. Mặc dù hiện nay trên thế giới hệ thống XHCN tạm thời thoái trào, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị vẫn không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Song với những kết quả mà nước ta đã đạt được càng chứng minh, đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng mà Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn./.
Tài liệu tham khảo
1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
7. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022.
ThS. Võ Huỳnh Như Thuyên - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương