Cuộc hội ngộ xúc động sau 22 năm
Sáng 12-8, tại Khách sạn Continentalo (Q.1, TP.HCM), Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu cuốn tự truyện “Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh” do chính Annette Herfkens (người Hà Lan) viết. Cô Annette Herfkens cũng chính là hành khách sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay Yak 40 mang số hiệu VN 474 cách đây 22 năm tại núi Ô Kha, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Cô Annette Herfkens ôm chặt cô Nguyễn Thị Lan, vợ cơ trưởng chiếc trực thăng cứu hộ Mi-8 Nguyễn Quang Vinh đã hy sinh
Cuộc hội ngộ khó diễn tả bằng ngôn từ
Không đơn thuần chỉ nói về cuốn sách, buổi ra mắt tự truyện 192 Hours còn là buổi gặp gỡ thân tình và xúc động giữa bạn đọc với tác giả Annette Herfkens - hành khách sống sót duy nhất sau vụ tai nạn máy bay kinh hoàng cách đây 22 năm.
Cô Annette Herfkens kể, ngày 14-11-1992, khi đó, Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem Van Der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines thì gặp nạn, rơi xuống thung lũng Ô Kha.
Câu nói “Sống là chiến đấu” dường như rất đúng với trường hợp của Annette. Bên cạnh cuộc chiến đấu sống còn tại thung lũng Ô Kha, Annette còn phải chiến đấu với những thương tổn, mất mát từ chuyến bay định mệnh. Cô cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo dựng lại sự nghiệp rồi lập gia đình, có con với một đồng nghiệp cũ.
Sau này, cô lại phải chiến đấu với căn bệnh tự kỷ của cậu con trai Maxi. Đặc biệt nhất, ám ảnh từ quá khứ chưa khi nào ngủ yên mà vẫn luôn trở đi trở lại trong tâm thức của Annette, thôi thúc cô đi tìm câu trả lời cho mình. Và đó chính là nguyên cớ để Annette quyết định trở lại Việt Nam, trở lại thung lũng Ô Kha để tưởng niệm những hương hồn đã khuất.
Tại cuộc hội ngộ này, một trong hai nhà báo cách đây 22 năm đưa tin về vụ tai nạn là Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có mặt. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã xúc động khi gặp lại Annette Herfkens và vợ của những phi công đã hy sinh trong vụ tai nạn thảm khốc - những nhân vật trong bài phóng sự “Nỗi đau này không của riêng ai” của Huỳnh Dũng Nhân lúc đó đã tạo tiếng vang trong làng báo. Chính Huỳnh Dũng Nhân đã có mặt tại khu vực gần Ô Kha để nắm thông tin và truyền thông tin đến bạn đọc trên báo Lao Động và một số báo khác lúc đó.
Họ vượt qua nỗi đau bằng nghị lực
Cô Nguyễn Thị Lan, vợ cơ trưởng chiếc trực thăng Mi-8 Nguyễn Quang Vinh đã hy sinh cách đây 22 năm đã có mặt và ôm chặt cô Annette Herfkens-người sống sót cuối cùng trong vụ máy bay rơi tại Ô Kha.
Cô Nguyễn Thị Lan nghẹn ngào chia sẻ: “Đến bây giờ trong tôi có rất nhiều cảm xúc. Đây là lần đầu tiên tôi tới dự một buổi họp báo. Ngay lúc này đây, những nỗi buồn cũng tràn ngập trong tôi khi những hồi ức trước đây lại trở về. Trên tổ bay Mi-8, ngoài chồng tôi còn có các bác sĩ. Khi chồng tôi và đồng đội của mình chưa kịp hoàn thành nhiệm vụ thì đã hy sinh khi cách chỗ cô Annette 5km. Đó là nỗi đau lớn với tôi. Không may mắn như những người khác, phải một tháng sau xác chồng tôi mới được tìm thấy. Vào thời điểm đó, tôi 26 tuổi và đang mang bầu con gái. Với tôi, đó là một tháng trời đằng đẵng sống trong chờ đợi”.
Nỗi đau của quá khứ dường như vẫn còn âm ỉ trong lòng cô Lan. Cô đã khóc trong vòng ôm chặt của tác giả Annette - người mà theo cô Lan cũng có nỗi đau giống như mình khi người thân yêu nhất đã không trở về. Nén lại những mất mát của quá khứ, cô Lan bộc bạch: “Đến nay, con gái tôi đã được 21 tuổi và cháu đang là sinh viên năm thứ 3. Giờ đây, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn khi đã nuôi dạy con khôn lớn, ngoan ngoãn và học giỏi để không phụ lòng thương yêu và sự hy sinh của chồng. Gặp lại cô Annette, tôi thực sự rất mừng khi thấy cô khỏe mạnh, đó cũng là niềm an ủi đối với tôi”.
Trong cuộc gặp thân mật với tác giả Annette, cô Nguyễn Thị Lan cũng dành cho tác giả tự truyện 192 Hours câu hỏi: Lúc chị được mọi người tìm thấy, chuẩn bị được đưa về cấp cứu nhưng khi nghe tin tổ bay 7 người tử nạn, chị có cảm nghĩ gì không? Tác giả Annette cho biết: Hồi đó tôi không được biết gì cả, tôi hoàn toàn không được thông báo kể cả khi đã được chuyển về TP.HCM. Mãi cho đến năm 2006, khi trở lại Việt Nam tôi mới được biết. Lúc này tôi không biết phải nói gì, nhưng tôi thấu cảm được với nỗi đau của cô Lan cũng như của những người vợ đã mất chồng. “Vì chỉ cứu một mình tôi mà đã có thêm nhiều người nữa tiếp tục rơi máy bay cứu hộ hy sinh. Tôi không có từ ngữ nào tả hết cảm xúc lúc này, cảm ơn các bạn, cảm ơn Việt Nam”, cô Annette Herfkens nói trong xúc động.
Xúc động, xúc động hơn nữa là trong buổi họp báo còn có cô Hồ Thu Thủy (vợ của cơ trưởng lái chiếc Yak 40 Lưu Công Lương), cô Hồ Thị Thanh Vân (vợ của cơ phó lái chiếc Yak 40 Dương Công Sử), cô Phan Thị Ngọc Khánh (vợ của Chu Minh Đông-người làm công tác hậu cần cho chiếc Yak 40). Cả ba người đã ôm chặt lấy cô Annette Herfkens khóc nức nở. Tất cả những gì họ chứng kiến và trải qua nỗi đau này cách đây 22 năm đều là những nghị lực phi thường trong cuộc sống. Từ nỗi đau đó, những người phụ nữ đã vượt qua nghịch cảnh của mình bằng sức sống kỳ diệu và dạy dỗ con cái khôn lớn nên người.
Cuộc gặp gỡ của họ trong thời điểm hiện tại là để cùng nhau chia sẻ cảm xúc và sống lạc quan hơn. Ngày 13-8, tất cả những người phụ nữ này sẽ trở lại núi Ô Kha, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa - nơi xảy ra tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 1992. Họ cùng làm lễ tưởng niệm những người không được may mắn trên chuyến bay Yak 40 mang hiệu số VN474 và những chiến sĩ đã hy sinh trong chiếc trực thăng cứu hộ Mi-8 cách đây 22 năm.
Annette Herfkens: Hãy học cách để vượt qua khó khăn
Chính thái độ sống lạc quan đã nâng đỡ tinh thần cho Annette Herfkens, giúp cô có thêm sức mạnh để vượt qua đau thương. Hôm nay đến Việt Nam, cô cảm ơn tất cả đất nước, con người, quê hương Việt Nam-nơi cô đã từng chết và sống lại để vượt qua nỗi đau tột đỉnh trong vụ máy bay rơi cách đây 22 năm.
Ra mắt độc giả Mỹ vào tháng 1-2014, từ đó đến nay, cô đã nhận được những phản hồi gì từ bạn đọc của mình?
-Vâng, tôi nhận rất nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Tôi cảm nhận được rất nhiều người đã nhận được sự giúp đỡ từ cuốn sách của tôi. Có rất nhiều người đã gửi thư để bày tỏ cảm xúc với tôi. Điều đó thực sự làm tôi vui và hạnh phúc.
Trong tình hình hiện nay có rất nhiều vụ máy bay rơi khiến cả thế giới đang sống trong tâm trạng hoang mang, lo lắng. Là người sống sót duy nhất trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc, cô có nghĩ mình là người may mắn?
-Tôi cảm thấy may mắn, nhưng một phần khác tôi lại cảm thấy không may mắn, vì tôi đã mất đi nhiều thứ từ chuyến bay năm ấy. Gia đình tôi đã không thể tưởng tượng được việc tôi còn sống và quay về, và nhiều điều khác, tất cả đều xảy ra quá nhanh, tôi chỉ cố gắng hết sức để vượt qua những đau đớn để có thể sống và trở về.
-Kể từ khi tự truyện 192 Hours được ra mắt, cuộc sống của cô có bị xáo trộn nhiều không?
-Không. Tôi sống ở New York, nơi mà có rất nhiều cuốn sách để độc giả lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người hiểu hơn về câu chuyện tôi viết ra, nhưng tôi thật sự không nghĩ quá nhiều về điều đó. Việc tôi muốn làm chỉ là kể lại câu chuyện về những gì đã xảy ra, mong rằng mọi người cũng sẽ hiểu sự việc xảy ra như tôi đã phải đối đầu.
Có điều gì cô muốn nhắn nhủ đến bạn đọc Việt Nam?
-Điều tôi muốn nói với bạn đọc Việt Nam cũng như điều mà tôi đã nhắn nhủ với bạn đọc trên thế giới: Thật sự bạn đừng cảm thấy lo sợ khi nỗi sợ hãi đấy thật sự xảy ra đối với bạn. Đừng để tâm trí dẫn dắt bạn, hãy tập trung và hãy tin vào trái tim của mình, để từ đó tìm ra những cách giải quyết. Dù bạn chỉ có một mình, hãy học cách để vượt qua mọi khó khăn. Tôi hy vọng bạn cũng như tôi! Đừng để tâm trí điều khiển bạn, tập trung vào con tim, quay lại thực tại và chiến đấu.
Dự định của cô sau khi xuất bản cuốn sách này?
-Tôi dự định sẽ hợp tác xuất bản sách với NXB Holland, Anh Quốc, sau đó đến Trung Quốc và Tây Ban Nha. Và sau đó, tôi muốn thực hiện sách nói (Audio Book), con gái tôi sẽ là người đọc vì cô bé có chất giọng rất tốt. Sau đó khi con cái tôi trưởng thành, tôi sẽ trở lại với nghề kinh doanh.
Sau tất cả những chuyện đã xảy ra với mình, cô có tin vào định mệnh không?
-Tôi không biết, tôi thật sự không biết. Nhưng con gái tôi thì tin vào số phận. Vì cô bé hay nói đùa rằng, ngày đó mẹ sống sót trở về, ngày nay mới có con ra đời và con được mẹ chăm sóc. Và khi mẹ là người sống sót duy nhất trở về để kể câu chuyện này, mẹ đã giúp đỡ được rất nhiều người khác. Nhưng khi viết cuốn sách này, tôi chỉ muốn chia sẻ một bài học sống đơn giản và hy vọng, đọc xong 192 Hours, bạn đọc sẽ nhận ra điều đó.
Xin cảm ơn cô, chúc cô sức khỏe và bình an!
Nguồn baobinhduong.org.vn (TT)