Tết Độc lập - Thanh niên Bình Dương thể hiện lòng tri ân sâu sắc
TTBD – Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đã 77 năm trôi qua nhưng với những nội dung bất hủ, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc mà còn có giá trị thời đại sâu sắc. Hòa chung không khí sôi nổi của tuổi trẻ cả nước đang thi đua, lập thành tích chào mừng lễ Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tuổi trẻ tỉnh Bình Dương đã luôn thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến thế hệ ông, cha đi trước bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa.
1. Tuyên ngôn độc lập - Giá trị lịch sử trường tồn
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới trong lịch sử nước ta, thời đại độc lập, tự do, hạnh phúc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trước hết, Tuyên ngôn khẳng định các tư tưởng về quyền căn bản của con người, gắn quyền con người với quyền dân tộc. Đó là chân lý phổ quát có giá trị trên toàn thế giới, đối với nhân loại nói chung, trên cả hai phương diện, với con người, loài người và trên phương diện quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945
Mở đầu bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn tiến bộ của thế giới: Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Tuyên ngôn bắt đầu bằng những lời lẽ bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(1). Tiếp theo, người đề cập đến tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(2). Từ việc khẳng định các quyền căn bản của con người, Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền của các dân tộc “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(3). Gắn nội dung quyền con người với quyền dân tộc, gắn cuộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình, thống nhất hoàn toàn của dân tộc với việc đảm bảo các quyền căn bản của con người trở thành nội dung cốt yếu trong đường lối của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã khái quát thành chân lý căn bản: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nước được độc lập, nhưng dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Phạm trù quyền con người luôn gắn với quyền dân tộc.
Hai là, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã tố cáo đánh thép tội ác và bản chất xâm lược, bóc lột của thực dân Pháp. Tuyên ngôn khẳng định, nêu cao cuộc đấu tranh chính nghĩa của chống lại ách nô lệ của thực dân Pháp, việc tham gia vào cuộc đấu tranh của phe đồng minh chống phát xít của nhân dân Việt Nam; đồng thời chỉ ra cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn chỉ rõ: “hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”(4).
Chính sách cai trị thực dân Pháp trên đất nước ta thể hiện bản chất bóc lột, phản động, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, đó là một vết nhơ của lịch sử nhân loại, cần phải bị xóa bỏ. Hồ Chí Minh là người tiên phong trong việc đề xướng và thực hiện cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho các dân tộc thuộc địa trở thành nội dung thời đại sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám trở thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình, có ảnh hưởng to lớn trên phạm vi toàn thế giới, tác động sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc.
Tuyên ngôn khẳng định: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(5). Tuyên ngôn khẳng định sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Chúng ta không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý được ký dưới thời Nguyễn với thực dân Pháp. Tuyên ngôn khẳng đinh quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!”(6)
Thứ ba, tuyên ngôn khẳng định khát vọng tự do, độc lập, là tuyên bố của nhân dân Việt Nam với thế giới về nền độc lập tự do của mình. Đồng thời, Tuyên ngôn độc lập thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm của nhân dân Việt Nam về việc bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành lại được.
Tuyên ngôn Độc lập trang trọng mở đầu bằng những lời bất hủ trong các tuyên ngôn tiến bộ để nói với nhân dân thế giới rằng nhân dân Việt Nam tiến hành đấu tranh cách mạng, đánh phát xít Nhật, đuổi thực dân Pháp, lật đổ chế độ quân chủ, giành độc lập, tự do là thực hiện quyền chính đáng không ai có thế xâm phạm được. Tuyên ngôn khẳng định quyết tâm của dân tộc Việt Nam để giữ vững độc lập, tự do cho tổ quốc: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(8). Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc đang phát triển. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thế giới coi như “là Tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới”. “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”(9).
Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đã mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân làm chủ đất nước; đồng thời, khẳng định cơ sở chính trị - thực tiễn và cơ sở pháp lý của nền độc lập của Việt Nam. Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc và cũng tỏ rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập. Độc lập của Tổ quốc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quyền con người chân chính gắn bó với quyền dân tộc, được bảo đảm bằng nền độc lập thực sự và bền vững.
2. Tết Độc lập - Thanh niên Bình Dương thể hiện lòng tri ân sâu sắc
Chúng ta đang sống trong những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, trên khắp các ngả đường rợp bóng cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Thời gian đang đưa đến rất gần dấu mốc đất nước tròn 77 năm ngày Quốc khánh 2/9, cứ mỗi mùa thu Tháng Tám, cứ mỗi khi đến Tết Độc lập, những người con đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình về lịch sử hào hùng của dân tộc. Họ, có thể là những người suốt 77 năm qua lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày Tết độc lập đầu tiên, họ cũng có thể là những người trẻ sinh ra trong hòa bình chưa từng biết đến chiến tranh nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào, xúc động mỗi khi mùa thu cách mạng lại về. Với lực lượng đoàn viên, thanh niên, cái giây phút được tận hưởng không khí của quê hương, đất nước trong những ngày Quốc khánh đang đến gần, càng trào dâng sự xúc động, tự hào về Tổ quốc thiêng liêng.
Thế hệ trẻ được sinh ra trong hòa bình. Đó là một điều may mắn. Thanh niên còn có cơ hội được học và thể hiện những khả năng của mình, được sống, được theo đuổi đam mê của tuổi trẻ, đó là một điều hạnh phúc. Có được những giây phút như thế, chúng ta tuyệt đối không được phép quên, không được thiếu hiểu biết về quá khứ, về những người dân lam lũ, đói nghèo với vũ khí thô sơ, chủ yếu là gậy gộc, giáo mác đã cùng lúc vùng dậy theo tiếng gọi của Việt Minh lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, nhấn chìm bè lũ cướp nước, bán nước, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ bị sự thống trị hà khắc của chính quyền thực dân - phong kiến xuất hiện trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước tự do và độc lập.
Hơn 7 thập kỉ qua đi, nhưng cái thời khắc vô cùng ý nghĩa của cả một đất nước, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, hình ảnh vị cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lời tuyên bố dõng dạc với quốc dân và nhân dân thế giới, vẫn như vang vọng khắp không gian, khắc ghi sâu đậm trong tim mỗi người lời tuyên ngôn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! ...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.
Chúng ta là thanh niên Việt Nam, là thế hệ con cháu của những anh hùng đã ngã xuống vì đấu tranh cho độc lập tự do, hạnh phúc dân tộc. Khi nhìn vào những người đồng bào gần gũi nhất: ông bà và cha mẹ của chúng ta, những con người đã nỗ lực không ngừng nghỉ cho tình yêu và lý tưởng của họ, chúng ta có thể tự hào mà nói rằng phẩm giá của dân tộc Việt Nam là đức hi sinh và sự bền bỉ trong cuộc sống. Trong lời tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập 77 năm trước, Hồ Chủ tịch nhắc đến hai giá trị quan trọng: Lòng nhân đạo và sự gan góc chiến đấu cho lẽ phải - những phẩm giá để dân tộc Việt Nam có một chỗ đứng trong cộng đồng thế giới. Là thế hệ trẻ, chúng ta muốn nói đến cảm xúc, lòng biết ơn của bản thân mình với sự lãnh đạo của Đảng, đã đưa cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi, đi đến hòa bình và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày nay. Chúng ta phải hiểu rõ được những giá trị của bản thân để tự mình quyết định tương lai của mình, dùng trí tuệ và sức trẻ để tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử hào hùng cho quê hương tổ quốc, khẳng định hình ảnh và vị trí lớn mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, để bất cứ ai khi nhắc đến Việt Nam, cũng đều phải ngả mũ nghiêm trang trước một đất nước anh hùng cùng những người dân tuyệt vời đến thế.
Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do. Khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam và đây là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ trẻ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do đó của dân tộc. Đối với thế hệ trẻ, có nhiều cách để thể hiện tình yêu đất nước, và dù bằng cách này hay cách khác thì tình yêu Tổ quốc như mạch nguồn mỗi ngày được thấm sâu, chảy mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Là thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, chúng ta phải luôn trân trọng nhớ đến công lao của thế hệ cha anh đi trước đã vất vả, hy sinh xương máu để thế hệ sau được sống yên vui, no ấm. Và mỗi năm khi đến ngày Quốc khánh 2-9, thanh niên chúng ta nên dành thời gian để tìm hiểu về lịch sử đất nước, dân tộc và luôn tự nhắc nhở bản thân phải biết noi gương, phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước đó của các bậc cha anh đi trước,...
Tuổi trẻ tỉnh Bình Dương tổ chức lễ tri ân đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của tổ quốc
Hoạt động thăm hỏi, tặng quà tri ân đến các mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh cho dân tộc của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh
Ngày nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, Thanh niên nói chung và thanh niên tỉnh Bình Dương nói riêng phải không ngừng tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện bản thân, trao dồi đạo đức, trình độ năng lực, nguyện tiếp tục “rèn đức, luyện tài”, thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ chung ta xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển, giàu đẹp, người Bình Dương văn minh, tiến bộ, thân thiện và nghĩa tình.
Tài liệu tham khảo
- 1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr. 1.
- 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr. 2.
- 6,7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr. 3.
- 9. Đánh giá ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, trong lễ trao bằng Tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, của ông Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Băng - Đung (Indonesia).
Võ Văn Ninh Giang, Võ Huỳnh Như Thuyên - Trường Chính trị Bình Dương (PT)