(ĐCSVN) - Trong dòng chảy không ngừng của văn hoá đất nước, trầm tích văn hoá thời đại Hùng Vương như một mạch nguồn mang sức mạnh lan toả và trường tồn trong đời sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tạo nên điểm tựa vững chắc để đất nước hội nhập và phát triển.
Mạch nguồn văn hóa dân tộc
Văn hoá thời đại Hùng Vương khởi thuỷ từ xa xưa, khi các Vua Hùng dựng nước. Theo thời gian, trầm tích văn hoá dần được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống cộng đồng. Những giá trị văn hoá hiện hữu sinh động qua những truyền thuyết, huyền tích, đền miếu, văn bia, lễ hội và đặc biệt là trong đời sống lao động, sinh hoạt văn hoá và lời ăn tiếng nói, phong tục, tập quán của cộng đồng làng xã vùng đất Tổ nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung.
Nét độc đáo trong văn hoá thời đại Hùng Vương, trước hết phải kể đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012, là một trong những tín ngưỡng vô cùng độc đáo trên thế giới. Giá trị của tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương không dừng lại ở việc thờ cúng, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng xây đất nước mà theo thời gian, tín ngưỡng ấy đã được chuyển hoá thành đạo lý mang giá trị nhân văn tốt đẹp của cộng đồng làng xã người Việt. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tri ân công đức của tổ tiên với ý niệm: “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”.
|
Nghi lễ tế thần trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. |
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan toả thành những nét sinh hoạt văn hoá trong mỗi gia đình, mỗi xóm làng và cộng đồng dân tộc. Vào những ngày lễ Tết, mỗi gia đình đều sắm sửa mâm cơm, lễ vật để dâng cúng tổ tiên với niềm tri ân sâu sắc. Và từ lâu, vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đều được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang trọng, thành kính để tri ân công đức các Vua Hùng. Làn khói hương lan toả trên bàn thờ trong mỗi gia đình, mỗi ngôi đền, ngôi đình như một sợi dây kết nối kì diệu trong tâm tưởng giữa con người trần thế với linh hồn của tổ tiên để tạo nên những giá trị tốt đẹp về đạo đức, nhân cách và sự trao truyền về lối sống dân tộc.
Trầm tích văn hoá thời đại Hùng Vương được lưu giữ và bảo tồn trên khắp các địa điểm vùng đất Tổ. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, có trên 300 di tích đền, đình, miếu thờ Hùng Vương. Từ núi Nghĩa Lĩnh, biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn dân tộc đến các làng xã, nơi có đền miếu thờ cúng Hùng Vương đã minh chứng cho sức sống bền bỉ của tín ngưỡng cao đẹp này. Phải kể đến các di tích như đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ Hoà), đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, Thanh Thuỷ), đình Hùng Lô, đền Tiên, Hùng Vương Tổ Miếu, miếu Lãi Lèn (Việt Trì), miếu Thiên Cổ, đình Cổ Tích (Việt Trì), đền Chu Hưng (Ấm Hạ, Hạ Hoà), đình Hội (Tuy Lộc, Cẩm Khê)… Không phong kín trong rêu phong trầm mặc, theo dòng chảy của thời gian, những di tích thờ cúng Hùng Vương không ngừng lan toả cho hậu thế những thông điệp có giá trị đến hôm nay và mai sau thông qua các lễ hội được tổ chức hằng năm, các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng gắn với di tích, các chương trình phát triển du lịch tâm linh về cội nguồn…
Lan tỏa và trường tồn
Từ bao đời nay, vùng đất Tổ Phú Thọ là biểu tượng thiêng liên cho cội nguồn của dân tộc. Trở về đất Tổ chính là hành trình con người tìm về cội nguồn của mình. Bởi vậy, trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt, dù khác nhau về địa bàn sinh sống, hoàn cảnh hay giọng nói nhưng tất cả đều mang trong mình niềm tự hào về giống nòi cao quý “Cha Rồng, Mẹ Tiên”. Ý thức được tất cả đều chung một “bào thai”, chung nghĩa đồng bào, mỗi người dân Việt Nam dù có đi đến chân trời góc bể, dù ăn đâu, làm đâu cũng luôn nhớ về cội nguồn, luôn tìm về Nghĩa Lĩnh thắp nén nhang trầm để tri ân công đức tiên tổ. Tìm về đất Tổ, mỗi con người còn tìm lại chính mình, cảm nhận được giá trị trường tồn của dân tộc để có thêm sức mạnh trong công cuộc dựng xây đất nước.
Trong cảm nhận của người dân khi trở về đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, ai cũng cảm thấy tâm hồn thư thái, nhẹ nhõm và bình yên giữa biết bao bộn bề. Đặc biệt, nơi cội nguồn đất Tổ, dưới mái đền rêu phong cổ kính, trong bảng lảng khói nhang trầm, con người như đang được sống dưới mái nhà bình yên, nhận được sự đồng vọng, che chở của tổ tiên. Trở về nơi đây, muôn người như một, không phân biệt giàu nghèo, không đua chen giành giật, tất cả đều lắng lòng mình trước anh linh tiên tổ. Bởi thế, văn hoá thời đại Hùng Vương còn mang giá trị lớn lao, đó là sức mạnh gắn kết cộng đồng. Thông qua lễ hội, qua những nét sinh hoạt văn hoá, con người như kết lại gần nhau hơn, tất cùng chung tay để làm nên những lễ vật thể hiện lòng thành kính, thơm thảo của con cháu dâng lên tiên tổ. Từ đó, mỗi người, mỗi làng xã, mỗi cộng đồng đều hoà chung ý thức bảo tồn và phát triển văn hoá cội nguồn, chung tay dựng xây đất nước.
|
Lễ hội đền Chu Hưng (Hạ Hòa), một di tích thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Tổ Phú Thọ. |
Từ trong những truyền thuyết, huyền tích xa xưa gắn với thời đại Hùng Vương, những triết lý nhân sinh đã tạo nên sự lan toả trong đời sống cộng đồng của người Việt. Những triết lý ấy phát tích từ thời Hùng Vương nhưng có sức mạnh vượt thời gian, thấm sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người để dù ở giai đoạn nào trong sự phát triển của lịch sử dân tộc, những bài học cha ông để lại như lời đồng vọng của ngàn xưa. Từ triết lý bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời tròn, đất vuông tạo nên ý niệm về sự cân bằng, hoà hợp đến những giá trị nhân sinh gắn liền với đời sống của cộng đồng như triết lý trọng nông, quý trọng cây lúa gắn với sản xuất nông nghiệp. Hình ảnh Vua Hùng tịch điền, đi cày, đi cấy cùng dân, lựa gạo nếp để gói bánh chưng, bánh giầy là minh chứng sinh động cho sự lan toả văn hoá Hùng Vương trong làng xã Việt Nam. Bên cạnh đó, những bài học về coi trọng sự học, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức xây dựng và bảo vệ đất nước, tư tưởng lấy dân làm gốc, trọng dân của các Vua Hùng luôn là những tư tưởng còn vẹn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay và mai sau.
Bảo tồn và phát huy
Bước vào thời kỳ hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, văn hoá thời đại Hùng Vương mang tầm giá trị lớn lao không chỉ đối với cá nhân, với làng xã mà với cả dân tộc. Văn hoá cội nguồn là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc để đất nước vươn tầm quốc tế, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Khi khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, điều đó khiến con người dễ bị cuốn theo những thứ hào nhoáng, xô bồ thì văn hoá dân tộc đã trở thành sức mạnh tinh thần để mỗi người dân đất Việt luôn ý thức được giá trị cốt lõi và nhận thức được bản thân mình để không ngừng rèn đức luyện tài, bồi đắp ý chí dựng xây đất nước, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tự hào về những giá trị trường tồn trong văn hoá thời đại Hùng Vương, chúng ta cần gắn việc bảo tồn với phát huy những giá trị đó trong thời kỳ hội nhập. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phương hướng, mục tiêu: “Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng…”. Đồng thời, trong 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ: “Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển du lịch bền vững”. Phát triển du lịch tâm linh về cội nguồn với phương châm “biến di sản thành tài sản” sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá thời đại Hùng Vương, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản với bè bạn quốc tế.
Nhà nghiên cứu Đặng Đình Thuận, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: “Từ hàng ngàn đời nay trên vùng quê đất Tổ, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành di sản tinh thần bền vững trong giá trị tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc của người dân Đất Tổ và của dân tộc Việt Nam”.
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương là trách nhiệm thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau. Bằng những hành động cụ thể và thiết thực, cùng với ý thức trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân đất Việt về giống nòi và cội nguồn thiêng liêng, cao quý của mình, văn hoá thời đại Hùng Vương sẽ luôn lan toả và có sức sống trường tồn trong đời sống dân tộc./.