Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn liền với việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng và là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Thực tiễn trong suốt quá trình 91 năm xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng đã cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng cũngluôn khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Bởi vì, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng cho cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, các nghị quyết của Đảng được tổ chức thực hiện tốt, qua đó khắc phục được tình trạng mất đoàn kết, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; giáo dục, bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám đột phá, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Riêng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, thông qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽgóp phần sàng lọc, thay thế những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lợi dụng cơ chế để thực hiện mưu đồ cá nhân, đồng thời từ đó cũng góp phầnkhuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(1).Chính vì vậy, tại Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Đảng ta khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Đặc biệt, trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trịvề chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộnăng động, sáng tạo vì lợi ích chungcũng đã chỉ rõ: “Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có độngcơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Tuy nhiên, để công tác kiểm tra, giám sát thực sựgóp phần quan trọng trong bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, thì đòi hỏi các cấp ủy cần phải tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ hơn đối với công tác kiểm tra, giám sát và cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Quy định số 22
Quy định số 22 chỉ rõ: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”, là rất đúng và kịp thờivới thực tiễn. Vì từ nhiều phong trào, hành động cách mạng những năm qua xuất hiện rất nhiều những tấm gương cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đó chính là những nhân tố tiên phong góp phần xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận cán bộ có tâm lý an phận thủ thường, ngại đổi mới, chỉ thực hiện “đúng vai, thuộc bài”. Lâu dần, quanh quẩn trong “vùng an toàn” cho nên có nơi, có lúc, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu thờ ơ với đổi mới, sáng tạo, thậm chí tỏ ra e ngại, né tránh việc đưa ra những đánh giá khách quan, toàn diện hay quyết định chủ trương thực hiện những ý tưởng, đề xuất đó. Có nhiều ý kiến cho rằng khi chưa có căn cứ pháp lý, thực tiễn cụ thể, cấp ủy, tổ chức đảng gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại trong việc đưa ra quyết định phê duyệt ý tưởng, đề xuất sáng tạo, bởi đổi mới thường gắn liền với rủi ro, nếu không cân nhắc, suy xét, tính toán thật kỹ lưỡng, thấu đáo dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Kết luận số 14 khẳng định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính là thống nhất ý chí trong toàn Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, thực hiện chủ trương khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, đặc biệt chú trọng vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.
Hai là, hiện thực hóa những ý tưởng, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ cần có điều kiện, môi trường thuận lợi, hỗ trợ về vật chất và tinh thần
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng xứng đáng, nhân rộng đối với những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả…Việc xây dựng quy chế, quy định, cơ chế dựa trên các quy định của Đảng và Nhà nước về khuyến khích cán bộ tài năng, có thành tích trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm, ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, mang lại sản phẩm cụ thể; các cơ quan chức năng thể chế hóa thành quy định pháp luật, xây dựng căn cứ pháp lý cho việc nhân rộng các mô hình, giải pháp sáng tạo, hiệu quả của cán bộ. Bảo vệ cũng là một cơ chế hiệu quả, một hình thức khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Việc bảo vệ cán bộ trước những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đổi mới, sáng tạo sẽ giúp cán bộ có động lực, niềm tin, yên tâm, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
Ba là, công tác kiểm tra, giám sát phải thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là phải hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo và thiếu rõ ràng. Một hệ thống quy định và pháp luật đồng bộ, thống nhất sẽ vừa bảo đảm được tính nghiêm minh của kỷ luật, pháp luật; vừa khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Công tác kiểm tra, giám sát cùng với thực hiện chức năng tham mưu, cơ quan kiểm tra, cán bộ kiểm tra còn trực tiếp kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề theo phân cấp. Do đó một trong những yêu cầu đặt ra với cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là phải đảm bảo các nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát, nhưng đặc biệt phải đảm bảo sự bình đẳng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, khách quan, thận trọng, đi đúng đường lối và phải thật sự nhân văn. Có như vậy công tác kiểm tra, giám sát mới bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời thực sự là công cụ hữu hiệu ngăn ngừa sai phạm, tăng cường kỷ luật của Đảng, góp phần tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng và chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.
Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ra đời đã đón nhận sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội và được dự báo sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực. Không chỉ nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo hướng minh bạch, công khai, dân chủ, lựa chọn được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Kết luận số 14 góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ sợ mắc sai lầm, khuyết điểm cho nên co cụm, đối phó, không dám đổi mới sáng tạo. Đây là động lực, niềm tin để cán bộ các cấp sẵn sàng tiếp thu những cái mới, tiến bộ, phá bỏ rào cản lối mòn trong nhận thức và hành động, lan tỏa mạnh mẽ, đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong hệ thống chính trị, toàn xã hội và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát gắn với việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vị lợi ích chung đã góp một phần không nhỏ mang lại thành công khi thực hiện Kết luận số 14.
Th.S Lê Mỹ Dung
Theo: Trang Thông tin điện tử Trung ương Đoàn