Cái chết hóa thành bất tử
(Baohatinh.vn) - Lần đầu tiên, một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi - Lý Tự Trọng đứng trước tòa đại hình của chủ nghĩa thực dân với tư thế hiên ngang và tiếng nói đanh thép, bảo vệ chính nghĩa làm rung động lòng người đến thế!
Anh chẳng thèm để ý đến cáo trạng, có lẽ trong đầu anh đang nung nấu những suy nghĩ của chính mình… Luật sư Căng-xen-lơ-ri đứng vai bào chữa cho Lý Tự Trọng nói rằng: “Bị can chưa đến tuổi thành niên nên đã hành động thiếu suy nghĩ, vậy xin tòa mở lượng khoan hồng”. Căng-xen-lơ-ri hiểu luật nhưng không thể nào hiểu được trí óc và chí khí của anh. Lý Tự Trọng gạt phắt lời bào chữa đó, vừa dõng dạc, vừa rành rọt nói rõ từng lời: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Ngày 30/4/2011, chuyên cơ của hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Vinh, đưa hài cốt của đồng chí Lý Tự Trọng về quê nhà Việt Xuyên, Thạch Hà. (Ảnh tư liệu)
Khi tòa luận tội, Trọng cũng chẳng thèm nghe bởi lẽ, anh có tội gì đâu mà “luận”. Anh yêu cầu được nói để tố cáo tội ác của bọn thực dân và nêu cao quyền được đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao. Nhưng như chúng ta đã biết, bọn thực dân muốn phiên tòa đại hình này kết thúc thật nhanh để công luận và báo chí khỏi phải "làm phiền" chúng.
Chánh án thực dân vội vàng tuyên án xử tử hình Lý Tự Trọng. Hắn vớt vát hỏi câu cuối cùng: "Bị can có ăn năn gì không?". Lúc ấy, Lý Tự Trọng tỏa sáng khó tưởng trước vành móng ngựa: Anh ngẩng cao đầu, hai tay chắp sau lưng, đôi mắt nhìn thẳng vào lũ quan tòa thực dân nói to: "Không ăn năn gì cả".
Đó là vào ngày 17/4/1931. Một phiên tòa đại hình được mở ra nhanh nhất, tự nó nói lên sự hoảng sợ đến tột cùng của bọn thực dân. Chúng muốn mau mau đưa vụ án Lý Tự Trọng vào quá khứ để mọi người nhanh chóng lãng quên. Nhưng sự việc lại không diễn ra như vậy. Phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống khủng bố, đàn áp, chống chế độ cai trị tàn bạo của bọn thống trị ngày càng lên cao; công luận ở Pháp cũng lên tiếng mạnh mẽ. Để xoa dịu phong trào, ghìm bớt công luận, thực dân Pháp chủ trương đưa sang Sài Gòn một phái đoàn của nghị viện, những thành viên được chọn lựa từ các trùm thực dân, trong đó có bộ trưởng thuộc địa Pháp.
Vừa đặt chân đến Sài Gòn vài hôm, bộ trưởng thuộc địa Pháp đã vào Khám Lớn tìm đến xà lim tử hình đang giam Lý Tự Trọng. Tất nhiên là hắn có mưu của hắn. Hắn bố trí tiếp anh đàng hoàng. Hắn thốt ra những giọng điệu lừa bịp sặc mùi thực dân: "Anh còn trẻ quá, tuổi thanh niên nông nổi, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh, chính phủ bao giờ cũng hết lòng nâng đỡ, chỉ cần anh thật thà khai báo. Nếu anh muốn, chính phủ sẽ đưa anh sang Pháp học tập rồi trở về làm việc với quyền cao chức trọng, giàu sang…".
Đáp lại những lời giả nhân, giả nghĩa đó của tên cáo già thực dân, Lý Tự Trọng dằn từng lời để hắn nghe cho rõ: "Ta sinh ra không phải vì những thứ ấy".
Lính canh và tù nhân (cả thường phạm) ở Khám Lớn Sài Gòn lúc đó có đến hàng nghìn người truyền cho nhau tin quan bộ trưởng ra về với nét mặt chẳng vui tý nào. Họ biết được "Ông nhỏ" đã nói gì nên càng quý mến "Ông". Đến một số tên mật thám, lính canh xà lim, kể cả một số tên đã từng tra tấn, đánh đập anh tàn nhẫn giờ cũng thay đổi thái độ, lúc được gặp, được đem cơm hoặc vào dọn xà lim của anh, chúng nói năng lễ phép và thường hỏi anh cần gì, chúng sẵn sàng giúp đỡ. Mãi sau, thấy trong số ấy có người tỏ ra thành thật, Trọng chỉ nhờ độc một việc là mang cho anh cuốn "Truyện Kiều". Từ đó, tuyệt tác ấy của Nguyễn Du luôn ở bên Trọng cho đến lúc anh phải đi xa.
Theo Baohatinh.vn (MT)