Bình Dương: Họp báo thông tin về kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới
TTĐT - Chiều 02-10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (BCĐ) tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị thông tin về kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, BCĐ tỉnh đã thông tin tóm tắt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các biện pháp trong công tác y tế, lưu thông, quy định đối với người dân khi đi ra đường, các ngành nghề được phép hoạt động, các hoạt động phải tiếp tục tạm dừng… Đại diện lãnh đạo Sở Y tế thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các giải pháp triển khai trong thời gian tới để kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình “3 xanh” trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp phải tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông trước khi cho vào nhà máy và trong quá trình hoạt động, sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, trước khi cho công nhân, người lao động ngừng thực hiện phương án sản xuất này để trở về nơi cư trú thì phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc. Riêng cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải cam kết thực hiện đúng, đủ các yêu cầu, điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tự thực hiện (hoặc thuê dịch vụ) xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên. Đối với nơi cư trú, chỗ trọ của người lao động, tùy theo mức độ nguy cơ, tình hình diễn biến dịch, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần.
Ông Trần Văn Huy - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông tin biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới
Đại diện các cơ quan báo chí đã đặt những câu hỏi liên quan đến nhu cầu về quê của người lao động; công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng trong thời gian giãn cách xã hội; việc di chuyển của người dân từ các địa phương khác đến Bình Dương làm việc…
Giải đáp câu hỏi liên quan đến việc người dân tự ý đi xe máy về quê, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, người dân ở các vùng dịch không được tự ý đi xe máy về quê nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Hiện tại, các ngành chức năng địa phương phối hợp lập danh sách những người có nhu cầu về quê sẽ tổ chức đưa đón về quê bằng phương tiện ô tô để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với việc lưu thông liên tỉnh, Công an tỉnh sẽ phối hợp với Công an các địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai xây dựng phương án thống nhất để tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện, dự kiến sẽ ưu tiên cho công nhân lao động đã tiêm vắc xin mũi 1 được 14 ngày và 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính sẽ được đi lại bình thường.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin về các chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian dịch bệnh
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian dịch bệnh, bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Sở đang triển khai chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh và Quyết định số 12 của UBND tỉnh, đến nay, đã chi hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng cho các đối tượng, trong đó có đối tượng ở trọ. Tuy nhiên, ở một số địa phương còn sót một số đối tượng chưa được nhận. Nguyên nhân là do trong thời gian ngắn phải chi hỗ trợ cho số lượng lớn người được hưởng, bên cạnh đó, các đối tượng lại tập trung ở địa bàn thực hiện khóa chặt như TP.Thuận An, Dĩ An, TX.Tân Uyên nên cũng gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc lập danh sách. Ngoài ra, có một số đối tượng cũng ở trọ nhưng không thuộc diện được hỗ trợ và không ở trọ trong tháng 8 nên không thể giải quyết được. Đối với một số chính sách thực hiện đến cuối tháng 12/2021, tỉnh đang tiếp tục rà soát triển khai hỗ trợ cho các đối tượng. Bà Hằng cũng cho biết thêm, Sở đã phối hợp với 15 tỉnh, thành đưa hơn 5.000 người về quê bằng các phương tiện khác nhau. Do năng lực tiếp nhận của các địa phương có hạn nên chỉ có nhu cầu đón trẻ em, phụ nữ mang thai, người già về quê.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thông tin thêm về các chính sách hỗ trợ đối với người lao động khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, ông Võ Văn Minh cảm ơn các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng chính quyền tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Làm rõ thêm nội dung thắc mắc của các cơ quan báo chí, ông Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương là một trong những địa phương thực hiện khá tốt các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, trong thời gian qua, tỉnh đã chi hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là sự quan tâm và nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh nhằm chăm lo tốt đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động, tỉnh cũng đang thực hiện các lộ trình khôi phục kinh tế, mở dần hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, do đó, công nhân sẽ được đi làm trở lại. Đồng thời tiếp tục rà soát các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa nhận được hỗ trợ để chi hỗ trợ trong thời gian tới. Đối với việc di chuyển của công nhân, chuyên gia ở các địa phương khác đến Bình Dương làm việc, tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương có phương án thống nhất để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Nguồn: binhduong.gov.vn (MH)