Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong công tác phòng, chống đại dịch Covid -19
1. Bảo đảm An sinh xã hội- chủ trương nhất quán của Đảng trong lãnh đạo đất nước.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhưng chính quyền non trẻ vừa ra đời đã đương đầu với những khó khăn chồng chất do thù trong, giặc ngoài cộng với những khó khăn về kinh tế, xã hội, văn hóa do chế độ cũ để lại. Có thể nói, tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đúng như chỉ thị “kháng chiến và kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/11/1945 đã nhận định: “việc giành chính quyền càng dễ bao nhiêu thì việc giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu”. Khâu then chốt để củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng lúc này là phải tạo nên một nền tảng xã hội rộng lớn và vững chắc của chính quyền cách mạng. Muốn vậy, chính quyền phải thực hiện ngay những chính sách đúng đắn đem lại quyền lợi thiết yếu nhất cho đông đảo tầng lớp nhân dân. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (3/9/1945) đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo”.
Thứ hai, giải quyết nạn dốt. Theo Người, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Thứ ba, Người đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.
Thứ tư, phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta, Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”.
Thứ năm, Người đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”.
Thứ sáu, đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết. Các nhiệm vụ trên đây, nhằm giải quyết khó khăn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết ngay những nhu cầu bức xúc về đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Hội đồng Chính phủ lâm thời và các cấp có thẩm quyền đã lần lượt ban hành các văn bản có giá trị pháp lý trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội. Đặt trong bối cảnh cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, việc ban hành và thực hiện các chính sách xã hội đã thể hiện rõ nội dung tiến bộ mang bản chất nhân văn của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Các chính sách ấy đã quán triệt luận điểm mang tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào góp gạo chống đói
Bên cạnh đó, trong tình hình kinh tế, tài chính kiệt quệ của nước ta sau cách mạng tháng Tám năm 1945, tất cả các chính sách xã hội đều thực hiện bằng chính sức người, sức của và tài năng của các tầng lớp nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân” cũng như phải làm cho mọi người dân giác ngộ “đem sức ta mà giải phóng cho ta” trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Bên cạnh nhiều nhân tố quan trọng khác về quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng và văn hóa, việc thực thi chính sách xã hội đúng đắn theo tinh thần của Cách mạng tháng Tám trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có tác dụng vô cùng to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng tiến lên CNXH. Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội, Đảng và Nhà nước ta nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện và tốt hơn quyền con người; khẳng định mục tiêu chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) chỉ rõ: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới. Đảng cũng chỉ rõ những định hướng bảo đảm an sinh xã hội là tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện bảo đảm an sinh xã hội và phát huy khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mình.
Để cụ thể hơn, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. Mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cũng tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta ra Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Chính sách bảo hiểm là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, giúp người dân giảm bớt gánh nặng khi tuổi già, tai nạn, ốm đau, thất nghiệp,… Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
2. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân trong công tác phòng, chống covid -19.
Hiện nay, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Để thực hiện được “mục tiêu kép” trong điều kiện như hiện nay là hết sức gian nan. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động, hàng trăm nghìn người bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ ta luôn kịp thời ban hành những Nghị quyết, chính sách để hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021 vì ảnh hưởng sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Đứng trước tình hình thực tiễn vô cùng khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn đang cố gắng để bảo vệ, chăm lo người dân trước dịch bệnh, chú trọng công tác phòng, chống dịch, phải bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự. An toàn xã hội cần được xem là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay. Phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên, trước hết đảm bảo an toàn, an dân. Vì vậy, khi thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm: không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội; đáp ứng các yêu cầu về y tế cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Để thực hiện được yêu cầu đó, toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục tuyên truyền, vận động, kêu gọi Nhân dân thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội theo đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, phong tỏa, bao vây nghiêm ngặt các ổ dịch, đồng thời thực hiện xét nghiệm thần tốc, hiệu quả trên diện rộng để nhanh chóng xác định, phát hiện sớm nguồn lây, tách ra khỏi cộng đồng, điều trị bằng các biện pháp hiệu quả, phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, “chung lưng đấu cật” cùng Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền; phát huy vai trò nòng cốt, tham gia lực lượng xung kích; huy động sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, nỗ lực và quyết tâm phòng, chống dịch; kêu gọi người dân hãy vì sức khỏe của chính mình, vì sức khỏe của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước, tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ban Dân vận Trung ương phối hợp chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân vận các cấp bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình người dân trên địa bàn để kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ; kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị mất việc, giãn việc, phụ nữ, trẻ em, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, tạo sự hưởng ứng tích cực và sự đồng thuận trong Nhân dân.
Lời kết
Trải qua 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm với những chính sách cụ thể nhằm phòng ngừa và khắc phục rủi ro khi có thiên tai, dịch bệnh, bằng mọi chính sách kịp thời chăm lo, hỗ trợ, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Như kinh nghiệm của cuộc cách mạng Tháng Tám đã chỉ ra, các chính sách xã hội đúng, hợp lòng dân có thể tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn phải là nhiệm vụ trung tâm. Bởi chỉ có một nền kinh tế năng động và hiệu quả cao dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, thì mới có khả năng huy động các nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách xã hội. Đất nước càng phát triển theo kinh tế thị trường định hướng XHCN thì con người càng phải được bảo vệ, bảo đảm an toàn bằng một hệ thống chính sách an sinh xã hội hiệu quả. Đặc biệt là trong tình hình đại dịch đã và đang diễn ra hết sức phức tạp ảnh hưởng đến sinh mạng và đời sống nhân dân, thì vấn đề sức khỏe, sinh mệnh và điều kiện sống thiết yếu cho người dân là một vấn đề cấp thiết, vô cùng quan trọng. Đó là một hệ thống an sinh xã hội phải được cụ thể hóa thật phù hợp, thiết thực, và linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận nhằm ổn định cuộc sống, phòng ngừa và khắc phục rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh, không để một người dân nào không được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, không bỏ ai ở lại phía sau trong trận chiến chống Covid 19 nhiều nguy hiểm và cả việc thích nghi dần với phồng chống dịch bệnh khi trạng thái xã hội dần trở lại bình thường trong thời gian sắp tới. Thiết nghĩ, với những chính sách thực sự phù hợp, đáp ứng được mong muốn cấp bách của nhân dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn thì sẽ tạo được lòng tin, sự đồng thuận của họ đối với Đảng, Nhà nước, giúp họ vững tin, đồng lòng phối hợp, chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh đi xa, dần mang lại cuộc sống bình yên cho toàn xã hội.
Võ Huỳnh Như Thuyên - CLB Lý luận trẻ tỉnh Bình Dương