Một vài suy nghĩ về vấn đề cán bộ, công chức, viên chức "bán hàng online" hiện nay
TTBD - Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet, thương mại điện tử cũng không ngừng phát triển và ngày càng trở thành giải pháp kinh doanh hiệu quả được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng phổ biến. Kèm theo đó, việc kinh doanh, mua bán cũng ngày càng đa dạng với nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ giới hạn bằng hình thức mua bán theo kiểu truyền thống như trước đây. Trong đó, có một loại hình buôn bán đã xuất hiện và phổ biến trong nhiều năm trở lại đây, đó chính là hình thức bán hàng online trên mạng xã hội thu hút được nhiều đối tượng tham gia, và trong số đó cũng có nhiều người là cán bộ, công chức, viên chức.
Những mặt tích cực từ việc bán hàng online đối với cán bộ, công chức, viên chức
Đánh giá một cách khách quan, hình thức bán hàng online đã trở nên khá phổ biến và đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người bởi tính tiện dụng và những lợi ích mà nó mang lại. Biểu hiện rõ nhất là các mặt hàng tương đối phong phú, mọi người có thể linh hoạt trong giao dịch, tiết kiệm về thời gian, không giới hạn về không gian, thoải mái so sánh giá cả, tránh khỏi nhiều phiền phức và việc mua sắm thu hút được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Có thể khẳng định, hình thức bán hàng online phù hợp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử. Thương mại điện tử mang lại việc tiết kiệm chi phí và tạo lợi nhuận cho các bên tham gia giao dịch, đồng thời đây cũng chính là phương thức kinh doanh mà cả thế giới đang hướng đến. Nắm được nhu cầu đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và có cả những cá nhân đã tham gia kinh doanh online. Đặc biệt, công việc này không chỉ thu hút những người nội trợ, những người nhàn rỗi, giới trẻ mà còn có cả cán bộ, công chức, viên chức tham gia và coi đây là công việc kiếm tiền thứ hai sau công việc chính của mình tại công sở. Tuy nhiên, việc bán hàng online của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm và trao đổi.
Tuy vậy, có thể khẳng định hình thức bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức sẽ giúp họ kiếm thêm thu nhập trong thời buổi vật giá ngày càng leo thang, trong tình hình mức lương còn tương đối hạn chế như hiện nay. Hình thức này tương đối phù hợp đối với họ vì nó không cần quá nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, họ có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để đăng bán các mặt hàng lên các trang mạng xã hội công cộng, trang mạng cá nhân, các trang Website thương mại điện tử... Khi có người mua, họ có thể thu thập các mặt hàng về bán mà khách đặt, hoặc bán những mặt hàng có sẵn mà họ làm ra, do đó vốn bỏ ra tương đối ít, nguy cơ rủi ro thấp và lợi nhuận mang lại cũng đáng kể.
Những quy định hiện hành đối với việc bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức
Câu hỏi đặt ra là nếu xét dưới góc độ pháp lý thì việc bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm các quy định của Đảng, của pháp luật hiện hành không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa có quy định cụ thể nào đề cập trực tiếp đến vấn đề bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng một số văn bản pháp luật có liên quan cũng quy định những nội dung mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm, chẳng hạn như: Điều 20, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định cán bộ, công chức không được làm những việc liên quan sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự theo quy định của pháp luật hiện hành; Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có quy định cán bộ, công chức không được tham gia bán hàng đa cấp; trong Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp cũng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; trong Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ cũng quy định cán bộ, công chức, viên chức phải có ý thức tổ chức kỷ luật, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc (mục 4, Điều 1). Như vậy, căn cứ vào một số quy định nêu trên có thể hiểu hành vi bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức không bị cấm. Tuy nhiên, việc bán hàng online chỉ được thực hiện ngoài giờ làm việc, nếu thực hiện trong giờ làm việc sẽ vi phạm các quy định của pháp luật.
Nhưng trên thực tế có không ít cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc bán hàng online trong giờ làm việc. Để chứng minh việc họ tham gia bán hàng online, sử dụng thời gian trong giờ làm việc để bán hàng online cũng không quá khó, chúng ta có thể căn cứ vào thời gian đăng tin, bài; thời gian tương tác của họ với khách hàng, tư vấn khách hàng, chốt đơn, hoặc thời gian online trực tuyến của họ trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, các website bán hàng,... nếu thời gian này nằm trong giờ hành chính thì có nghĩa họ đã sử dụng thời gian của Nhà nước để làm việc riêng. Và tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc chính của họ nơi công sở.
Những mặt tiêu cực từ việc bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức
- Đầu tiên, trên thực tế một cá nhân rất khó có thể hoàn thành tốt nhiều công việc khác nhau cùng một lúc. Nếu cán bộ, công chức, viên chức vừa tham gia giải quyết công việc của cơ quan, vừa tranh thủ bán hàng online (đăng bán, tư vấn, tương tác, trả lời, chốt đơn, gửi hàng,...) thì khó tránh khỏi những sai sót trong giải quyết công việc, và tất nhiên hiệu quả công việc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
- Thứ hai, khi cán bộ, công chức, viên chức vừa làm việc của cơ quan, vừa tham gia bán hàng online dù là trong hay ngoài giờ làm việc thì cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe của họ, điều này sẽ gián tiếp làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chính của họ. Khoa học đã chứng minh, trong 24 giờ mỗi ngày, con người cần dành ít nhất 8 tiếng đồng hồ để ngủ, không nên làm việc quá 8 tiếng và 8 tiếng còn lại là để dành cho các hoạt động khác nhằm tái tạo sức lao động như vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, các hoạt động cá nhân, gia đình, bạn bè,... Như vậy, ngoài 8 tiếng làm việc tại công sở, nếu như cán bộ, công chức, viên chức còn dành thời gian để tham gia bán hàng online, tư vấn khách hàng, chốt đơn, đóng gửi hàng hóa, ... thì sẽ không đủ thời gian để nghỉ ngơi, để tái tạo sức lao động của cơ thể và tất yếu sẽ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc nơi công sở.
- Thứ ba, việc cán bộ, công chức, viên chức bán hàng online trong giờ làm việc cũng đồng nghĩa với việc họ đã vi phạm các quy định của pháp luật, chẳng hạn như Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, các nội quy, quy chế của các cơ quan, tổ chức; Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đôi khi có thể vi phạm một số quy định trong việc đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ đóng thuế... Và nếu như vi phạm thì họ sẽ phải bị xử lý kỷ luật theo quy định.
- Ngoài ra, ở một góc độ khác, việc bán hàng online của cán bộ, công chức, viên chức trong giờ làm việc còn có thể làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người cán bộ, công chức, viên chức và gián tiếp làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các cơ quan nhà nước trong mắt của người dân. Người dân sẽ suy nghĩ như thế nào khi thấy cán bộ, công chức, viên chức - những người công bộc của nhân dân sử dụng thời gian hành chính, thời gian phục vụ nhân dân để làm việc riêng, tư lợi cá nhân. Điều này sẽ phần nào gây mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến vấn đề cải cách hành chính hiện nay.
Trước những thực trạng như vậy, để quản lý tốt hơn vấn đề cán bộ, công chức, viên chức bán hàng online, không để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả việc thực thi công vụ, theo tôi có thể thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
- Thứ nhất, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nên bổ sung nội dung này vào các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt chuyên đề, giao nhiệm vụ cho các tổ chức, đoàn thể kịp thời nắm bắt tình hình, thực hiện tuyên truyền, vận động thành viên của tổ chức mình thực hiện nghiêm túc các quy định, đặc biệt là các quy định của Đảng, của Nhà nước trong việc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tác phong, lề lối làm việc, các quy định của pháp luật về việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán, ...
- Thứ hai, trên cơ sở những quy định chung của pháp luật, mỗi cơ quan đơn vị nên xây dựng những quy định nghiêm ngặt về vấn đề quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia bán hàng online trong giờ hành chính. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tùy theo mức độ có thể nhắc nhở, khiển trách, đánh giá vào việc bình xét thi đua, thậm chí có thể sử dụng các hình thức kỷ luật ở mức độ cao hơn như theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
- Thứ ba, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giúp họ tự ý thức được tinh thần trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn hình ảnh, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, sử dụng hiệu quả quỹ thời gian trong quá trình thực thi công vụ. Nâng cao nhận thức của họ đối với các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuyên truyền, động viên mỗi cán bộ, công chức, viên chức giữ gìn, nâng cao sức khỏe để đảm bảo hiệu quả công việc. Sắp xếp thời gian làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý, không được để hành vi bán hàng online ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi cần thiết cho việc tái tạo sức lao động; không được kinh doanh, buôn bán những mặt hàng cấm theo quy định; thực hiện việc đăng ký kinh doanh, các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thứ tư, Đảng, Nhà nước nên ban hành các quy định cụ thể đối với vấn đề liên quan đến kinh doanh, buôn bán online của cán bộ, công chức, viên chức. Các bộ ngành cần đưa vấn đề này vào các quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành mình. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng cần quy định cụ thể vấn đề cấm cán bộ, công chức, viên chức bán hàng online trong giờ làm việc trong các quy tắc ứng xử của tỉnh, thành và đưa ra những chế tài nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe.
Nói chung, vấn đề bán hàng online đang ngày càng phổ biến, có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai và cũng phần nào giúp cán bộ, công chức, viên chức tăng thêm thu nhập. Đây là điều đáng khuyến khích nếu như mỗi cán bộ, công chức, viên chức biết cân đối thời gian khoa học, hợp lý, không vi phạm các quy định của pháp luật. Riêng đối với những người cố tình "ăn cắp" thời gian của nhà nước để phục vụ cho mục đích cá nhân thì cần phải lên án và có hình thức xử lý nghiêm minh, thích đáng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
2. Luật Viên chức năm 2010.
3. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
5. Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
6. Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
7. Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
8. Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ.
ThS. Nguyễn Trần Cảnh - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương