Đất nước trọn niềm vui - Đẹp niềm tin mãi mãi
Ngày 27/4/1975, trước vài ngày khi chiếc xe tăng của quân đội Việt Nam tiến thẳng vào Dinh Độc lập, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà cũng vừa kịp hoàn thành và được đem đi thu thanh. Âm hưởng của bài hát đã vang suốt chiều dài lịch sử của đất nước từ đó cho tới nay. Và mỗi khi nó được cất lên, không khí của ngày 30/4 dường như lại trộn lẫn với ca từ, làm chộn rộn bao nhiêu trái tim người Việt.
 |
"Tiến về Sài Gòn" - tiết mục tái hiện ngày thống nhất đất nước 30/4/1975
|
|
|
Tiếng hát, tiếng lòng
Một buổi chiều 4/9/2013, tại thành phố Vũng Tàu, trái tim của nhạc sĩ Hoàng Hà, cha đẻ của ca khúc bất hủ này đã dừng nhịp thở ở tuổi 84. Trong kho tàng các ca khúc ông để lại cho đời, người ta không thể không nhắc đến ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội.
Đương thời, trong một lần trả lời phỏng vấn nhạc sĩ kể lại: “Chỉ đến ngày 26/4/1975, tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng và ngay trong đêm đó tôi viết “Đất nước trọn niềm vui” với những câu: “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực sao hôm nay Bác vui với hội toàn dân…”. Viết xong, tôi định ký bút danh là Cẩm La, nhưng sau khi nghe bài hát thấy rất hay - tính thời sự và khái quát cao nên nhạc sĩ Triều Dâng vỗ vai tôi nói: “Bài này phải ký tên Hoàng Hà”.
Cũng theo nhạc sĩ, trước khi đặt bút viết “Đất nước trọn niềm vui”, ông bỗng nhớ đến điệu hò Đồng Tháp đã từng làm ông ám ảnh mãi. Điệu hò ấy cứ lảng vảng trong đầu ông cho đến khi bật ra câu hát: Hò ơ... ớ hò... ớ hò... ớ hò... Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng!
Bài hát được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Nhạc sĩ Hoàng Hà cho rằng viết bài hát “Đất nước trọn niềm vui” chỉ trong một ngày, nhưng là kết quả của cả quá trình, một đời ông tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc. Điều kỳ lạ nữa, ai cũng tưởng bài hát đó ông viết về Sài Gòn nhưng là viết ở Hà Nội, khi ấy đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam và 2 năm sau, năm 1977, ông mới đến Sài Gòn lần đầu.
Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Lương - Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, người con trưởng đồng thời là “Trưởng ban đại diện phía Bắc” của nhạc sĩ Hoàng Hà cho biết chính từ bài “Đất nước trọn niềm vui” mà anh trở thành nhạc sĩ.
Năm đó, Hoàng Lương 16 tuổi, cái tuổi đã biết dự định cho mình bao hoài bão, ước mơ, nhưng chính tiếng reo ca thiêng liêng của bài hát, của ngày đất nước toàn thắng đã thu hút anh đến với âm nhạc, đã thôi thúc anh từ bỏ ước mơ trở thành nhà báo, nhà văn để dấn thân vào sự nghiệp âm nhạc. Đây cũng chính là ngã rẽ cuộc đời anh. Thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội, Hoàng Lương đã chọn ngành âm nhạc và ngày càng phát hiện là có duyên với nghề. Năm 1986, khi cả gia đình anh chuyển vào Vũng Tàu sinh sống, anh đã quyết định ở lại Hà Nội để được sống trọn vẹn với nghề. Bài hát đã mở ra con đường mới cho anh đi, giúp anh phấn đấu và có nhiều cống hiến trong sự nghiệp âm nhạc.
Điều đặc biệt khiến cho “Đất nước trọn niềm vui” được yêu mến đến như vậy đó chính là âm điệu và lời bát hát đúng như tên bài hát đã đặt ra. Giai điệu bài hát như niềm vui đã được dồn nén lâu lắm rồi, nay gặp thời khắc lịch sử hân hoan mà vang lên từng nhịp, ca từ như nhảy múa hát ca, như reo rắt niềm vui với người nghe, người hát. Một ca khúc mà niềm vui lấp lánh trên mỗi ca từ.
Ý nhạc trong đoạn 1 đầy gợi mở và cũng khẳng định: “Ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương”. Đó là điều ai cũng mong muốn khi non sông sạch bóng quân thù. Nghệ sỹ Nhân dân Trọng Bằng từng nhận xét: “Ta muốn bay lên” niềm vui lớn quá làm cho con người như “bay lên” khỏi mặt đất để nhìn tới được nơi đang chiến thắng, nhìn trước được ngày toàn thắng”. Dường như nhạc sĩ muốn bay lên để nhìn được đại cảnh chiến thắng mới thỏa lòng.
Sức sống mãnh liệt
Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng sáng 30/4. Dù được sáng tác trong một thời gian ngắn, dù nhạc sĩ không có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử để chứng kiến cảnh: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây”, nhưng bằng sự trải nghiệm niềm hân hoan của một người nghệ sĩ mong ngóng ngày chiến thắng và hân hoan với ngày khải hoàn của dân tộc, lời ca, tiếng hát của ca khúc như là tiếng lòng của những người con nước Việt trong thời khắc quan trọng của lịch sử.
Sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải dĩ nhiên mà có. Nó được đúc kết trong chính giá trị mà ca khúc tạo ra, xuyên qua năm tháng, vượt qua thời gian để chạm đến trái tim của bao thế hệ người nghe.
Ở khía cạnh chuyên môn, theo đánh giá của các nhà phê bình âm nhạc, tác giả đã rất khéo chọn gam trưởng với những “quãng nhảy” hợp với chất giọng terno càng làm cho giai điệu vút lên, thổi vào hồn người nghe một luồng gió mới phơi phới, mát mẻ. Đồng thời làm sống lại không khí hừng hực của những đoàn quân xốc tới quét sạch kẻ thù. Có lúc giai điệu lại lắng xuống trầm hùng như lời cha ông, lời sông núi, ngậm ngùi nhớ thương những người con của đất mẹ yêu quý đã ngã xuống cho Tổ quốc ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Về giá trị lịch sử, ca khúc đã khẳng định giá trị đích thực của nó trên nhiều khía cạnh, mà có thể nhìn nhận rõ nhất ở hai giá trị tiêu biểu là lịch sử - tư tưởng và nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm nhạc).
Nguyễn Tùng, nhà nghiên cứu âm nhạc khi phân tích ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” cho rằng: Nội dung tư tưởng bao trùm toàn bài hát này cũng là sự thăng hoa, vui mừng và niềm tự hào đến cực điểm: Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng!; nhưng ẩn chứa trong đó cũng có những ký ức khổ đau không bao giờ quên: Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn - Mà vẫn ngoan cường. Đó là tiếng lòng, tiếng nói “từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả” (Chế Lan Viên) khi cuộc chiến tranh chính nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Có người ví Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả của sự chưng cất, kết tinh tinh hoa về trí tuệ, sức mạnh dân tộc thời hiện đại - kể từ sau năm 1885. Và “Đất nước trọn niềm vui” cũng là sự phản ánh cô đọng và tinh tế nhất những tinh thần, tinh hoa đó, là tiếng nói chung của toàn dân tộc, trong đó có đội ngũ trí thức và văn nghệ sỹ Việt Nam”.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, ca khúc viết ở hình thức ba đoạn đơn tái hiện có thay đổi, sử dụng nhịp đi thể hiện niềm tự hào, lạc quan, vui tươi và mạnh mẽ. Đoạn mở đầu gồm hai câu nhạc nhắc lại; đoạn thứ hai giai điệu được phát triển với màu sắc có nhiều đặc điểm so với đoạn một: Xuất hiện nhiều quãng 4, quãng 6 khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng và thời cơ chiến thắng đã và đang đến.
Bài hát kết thúc bằng những lời vui mừng đến thăng hoa, gắn với giai điệu âm nhạc tái hiện có chút thay đổi rất độc đáo. Các ca từ và cao độ, giai điệu âm nhạc gắn kết chặt chẽ, hài hòa, một cuộc “hôn phối” thống nhất, độc đáo và đẹp đến lạ thường.
Bao nhiêu năm kể từ khi ca khúc ra đời, tác giả của bài hát đã trở thành người thiên cổ, nhưng âm hưởng của bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và niềm hân hoan như thủa ban đầu của nó.
Để mỗi dịp tháng 4 về, gợi nhắc thời khắc lịch sử thiêng liêng thì “Đất nước trọn niềm vui” là một bài hát không thể không được nhắc tới. Sở dĩ đó là ca khúc có sức sống mãnh liệt, sống mãi với thời gian bởi nó như một cuốn lịch sử bằng âm nhạc ghi lại một thời khắc lịch sử không thể nào quên của dân tộc, thời khắc Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng, thời khắc cho tới mãi bây giờ vẫn Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời!
Nguồn: LĐNA (MH)