Giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường đảng ở Trường chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay
Trường Đảng là hệ thống cơ sở đào tạo cán bộ, gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các Học viện Chính trị khu vực, các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng là một hệ thống các giá trị văn hóa trường Đảng được tạo nên bởi sự bồi đắp và chia sẻ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức… Những giá trị này mang tính đặc trưng và bản sắc riêng, biểu hiện bằng tính cách, các thế ứng xử của cán bộ, giảng viên, học viên nhà Trường, hình thành trong lịch sử, phản ánh môi trường giáo dục đặc thù, mang tính ổn định và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Từ khóa: Truyền thống trường Đảng; Bản sắc văn hóa trường Đảng; Trường Chính trị tỉnh Bình Dương.
Nội dung: Có thể hiểu truyền thống là những gì được lưu truyền từ đời này sang đời khác, biểu hiện tính kế thừa của lịch sử, văn hóa. Còn văn hóa là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra, tích lũy và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh nhu cầu và năng lực của con người hướng tới giá trị cốt lõi là chân – thiện – mỹ.
Theo tác giả Dương Văn Chăm – Truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng là một hệ thống các giá trị văn hóa Trường Đảng được tạo nên bởi sự bồi đắp và chia sẻ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức… Những giá trị này mang tính đặc trưng và bản sắc riêng, biểu hiện bằng tính cách, các thế ứng xử của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường, hình thành trong lịch sử, phản ánh môi trường giáo dục đặc thù, mang tính ổn định và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đối với các Trường Chính trị tỉnh, truyền thống trường Đảng là những giá trị về cống hiến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; là giàu tính đảng trong môi trường học tập và rèn luyện; là sáng tạo và từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắm liền với thực tiễn; là phương châm cải cách, đổi mới, hướng đến hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ giảng viên. Còn văn hóa trường Đảng được xây dựng trên các mối quan hệ: quan hệ giữa con người với thiên nhiên (cảnh quan môi trường); quan hệ giữa con người với con người (cán bộ, viên chức, giảng viên, học viên). Văn hóa trong nhà trường sẽ tạo dựng và nuôi dưỡng “bầu không khí” cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau; mỗi cán bộ, giảng viên đều biết rõ công việc mình phải làm, hiểu rõ trách nhiệm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia vào việc lãnh đạo, quản lý, giảng dạy và học tập; coi trọng con người, cổ vũ sự nỗ lực hoàn thành công việc và công nhận sự thành công của mỗi người; khuyến khích học viên học tập, rèn luyện, học viên được tôn trọng và thấy rõ trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện.
Việc xây dựng, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng sẽ góp phần giúp mỗi cán bộ, viên chức, giảng viên, học viên nhận thức rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của nhà trường và trách nhiệm của bản thân, để từ đó họ nỗ lực phấn đấu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cá nhân, qua đó góp phần vào thành tích chung của nhà trường.
Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã luôn chú trọng xây dựng, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng. Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao chất lượng văn hóa trường Đảng, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Những năm gần đây, Nhà trường đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện về văn hóa công vụ trong cơ quan theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025; Hướng dẫn số 568-HD/HVCTQG ngày 29/12/2020 của của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Khen thưởng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025; Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn.
Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các Quy định về văn hóa trường Đảng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố uy tín và vị thế của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, việc thực hiện những nội dung về văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có lúc vẫn chưa đúng, chưa thực sự tạo thành quy chuẩn, vấn đề phối hợp, giao tiếp, ứng xử, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm… có đôi lúc còn thực hiện chưa hiệu quả.
Trong thời gian tới, để giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và học viên nhà Trường cần phải thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
Trước hết, để giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng thì từ lãnh đạo nhà Trường, lãnh đạo các khoa, phòng đến giảng viên, người lao động phải nắm bắt và hiểu biết về văn hóa trường Đảng để vận dụng vào bản thân mình, từ đó hình thành tri thức, tình cảm đối với văn hóa trường Đảng và có những hành vi, xử sự với đồng nghiệp phù hợp với yêu cầu của văn hóa trường Đảng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa nói chung, văn hóa trường Đảng nói riêng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi lẽ khi cán bộ, giảng viên và học viên có nhận thức đúng, hiểu rõ vấn đề họ sẽ có quyết định, hành động đúng, tôn trọng văn hóa trường Đảng và làm theo các chuẩn mực của văn hóa trường Đảng. Vì vậy, để đưa các chuẩn mực văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đi vào nhận thức của từng cán bộ, giảng viên, học viên thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng.
Hai là, để các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương được phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có một cơ sở vật chất tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của nhà Trường.
Trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương cần được đầu tư để hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật để có đạt được kết quả cao nhất trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, triển khai các mô hình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại. Cần phải dành một khoản kinh phí để đầu tư cho việc cải tạo và nâng cấp trụ sở làm việc, hệ thống giảng đường, ký túc xá, các khu hoạt động văn hóa, thể thao của cán bộ và học viên. Một nơi làm việc thoải mái là điều kiện quan trọng góp phần không nhỏ vào sự thành công trong giải quyết công việc. Khi bước vào một nơi làm việc không chỉ đơn giản là bước vào một căn phòng cụ thể mà còn là sự hòa nhập tâm trạng, thái độ, trạng thái tinh thần hiệu quả dẫn tới công việc trở nên thú vị hơn. Trang thiết bị và điều kiện làm việc đầy đủ, hiện đại, được bố trí hợp lý sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công việc.
Ba là, cần hoàn thiện quy chế về quan hệ công tác và lề lối làm việc của nhà Trường. Đây là quy chế quan trọng, trong đó thể hiện những quy định cơ bản nhất về các mối quan hệ công tác trong nhà Trường, chẳng hạn như: mối quan hệ giữa lãnh đạo với giảng viên, giữa giảng viên với giảng viên, giữa giảng viên với học viên…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới cũng cần xây dựng quy chế văn hóa trường Đảng của nhà Trường. Để xây dựng và nâng cao chất lượng văn hóa trường Đảng của nhà Trường, cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó việc xây dựng quy chế trực tiếp điều chỉnh công tác này là hết sức cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và kiểm soát quá trình thực hiện trong thực tế. Quy chế văn hóa trường Đảng sẽ làm hình thành các chuẩn mực bắt buộc trong ứng xử của cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao đông và học viên. Từ đó tạo thành nền nếp, thói quen trong thực hiện. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xây dựng văn hóa trường Đảng, đảm bảo tính đồng bộ khi thực hiện.
Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong xây dựng truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng.
Các tổ chức đoàn thể của nhà Trường (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) cần đưa vào chương trình hoạt động của mình nội dung về xây dựng và thực hiện văn hóa trường Đảng, Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc vận động đoàn viên thực hiện nghiêm Quy chế văn hóa trường Đảng. Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà Trường cần tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể tham gia vào quá trình xây dựng thể chế quản lý văn hóa trường Đảng.
Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện văn hóa trường Đảng.
Việc thực hiện kiểm tra, giám sát phải được làm thường xuyên, có hệ thống. Từ kết quả kiểm tra, đánh giá cần tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện khoa, phòng tốt, việc làm tốt, mô hình thực hiện sáng tạo, hiệu quả để kịp thời biểu dương, nhân rộng và chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành phong trào trong cơ quan, đơn vị.
Kết luận: Có thể nói, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng nhà Trường trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chăn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’’, “tự chuyển hóa’’ trong nội bộ gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư (2021), Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập I.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Tỉnh ủy Thanh Hóa (2019), Xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay (kỷ yếu hội thảo khoa học cấp bộ), Nxb. Lý luận chính trị.
6. Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
7. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
Th.S Nguyễn Văn Hân
Giảng viên chính Khoa Lý luận cơ sở