Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người thầy đáng kính của thanh niên Việt Nam
Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đặt nền móng cho việc xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ và vững vàng về đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, người thầy đáng kính, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thanh niên trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết phân tích những lời dạy của Người đối với thanh niên, đồng thời cũng rút ra những bài học kinh nghiêm sâu sắc trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo dục đoàn viên, thanh niên hiện nay.
1. Mở đầu
Trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam cho thấy, thanh niên Việt Nam luôn hăng hái, nghị lực, giàu lòng yêu nước, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của thanh niên và không ngừng giáo dục, rèn luyện họ trở thành những người kế thừa xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng và hành động của Người đối với thanh niên không chỉ là kim chỉ nam mà còn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ phấn đấu, vươn lên.
Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục đoàn viên, thanh niên ngày nay được thể hiện qua những nỗ lực không ngừng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của quá trình hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của đất nước. Trước những yêu cầu mới của thời đại, tư tưởng Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển thanh niên, tiếp tục được Đảng và Nhà nước quán triệt sâu sắc. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo và ý thức trách nhiệm xã hội, thanh niên trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giáo dục và rèn luyện thanh niên
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của thanh niên, cho rằng thanh niên là "thanh niên tức là tương lai của nước nhà" và sự thịnh hay suy của quốc gia phụ thuộc vào họ. Người coi trọng việc thanh niên gánh vác trọng trách quốc gia, tham gia tích cực vào các công cuộc cách mạng và xây dựng Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng, và với thanh niên, đây là yêu cầu tối quan trọng. Người yêu cầu thanh niên phải có "đức" và "tài," trong đó "đức" làm nền tảng. Đạo đức cách mạng ở đây, không chỉ là lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, mà còn là sự dũng cảm, khiêm tốn và trung thực. Người luôn cảnh báo thanh niên phải chống lại tâm lý ích kỷ, tự mãn, chỉ lo cho lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Qua đó, Người khuyến khích thanh niên học tập và rèn luyện, giáo dục lòng yêu nước, sống có ích, có lý tưởng cho thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần cống hiến và không ngừng học tập. Người khẳng định: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời", qua đó nhắc nhở thanh niên về tầm quan trọng của việc học tập và trau dồi tri thức, đặc biệt là trong bối cảnh hiện đại, khi kiến thức luôn cập nhật và phát triển nhanh chóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích thanh niên học tập mọi lúc, mọi nơi, coi đây là cách duy nhất để họ có thể hoàn thành trách nhiệm của mình với dân tộc. Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”, việc học không chỉ dừng lại ở kiến thức, mà còn bao gồm việc học đạo đức và rèn luyện thể chất. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chũ tịch Hồ Chí Minh khuyên thanh niên, không bao giờ khuất phục trước khó khăn mà luôn giữ vững tinh thần kiên nhẫn, chịu đựng và vượt qua mọi thử thách. Người dạy thanh niên rằng:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên".
Bốn câu thơ này, đã trở thành phương châm sống và hành động cho thanh niên, khuyến khích họ không ngại khó khăn và sẵn sàng đương đầu với thử thách để đạt được thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên rèn luyện tính kiên trì trong mọi công việc, không ngừng phấn đấu vì lợi ích chung, sẵn sàng cống hiến, hy sinh để phục vụ đất nước. Người thường nhắn nhủ: “Đâu cần thanh niên có; việc gì khó, có thanh niên làm”, điều đó không chỉ động viên thanh niên trong những thời điểm khó khăn mà còn khuyến khích họ tìm kiếm ý nghĩa và giá trị trong từng công việc dù nhỏ nhất, tránh xa những thói quen không lành mạnh như kiêu căng, tự mãn.
Sự giản dị trong đời sống hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng mẫu mực về đạo đức cách mạng. Người không bao giờ xa hoa, lãng phí, mà luôn đề cao sự cần kiệm và sống gần gũi với nhân dân. Chính phong cách sống này, đã truyền cảm hứng cho thanh niên noi theo, học tập và rèn luyện lối sống giản dị, khiêm nhường. Người từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải là “người đầy tớ trung thành của nhân dân". Lời dạy của Người là một phương thức giáo dục thanh niên về đạo đức phục vụ và lối sống gần gũi với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự khiêm tốn, không bao giờ tự cao tự đại, nhận thức rõ trách nhiệm và vị trí của mình nhưng không bao giờ cho mình là trung tâm. Đối với thanh niên, Người luôn dặn dò: "Thanh niên ta có cố gắng, có tiến bộ và có nhiều thành tích. Nhưng chớ vì thế mà tự cao, tự đại; phải khiêm tốn". Người khuyên thanh niên cần có tinh thần khiêm tốn, không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua hành động, luôn lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến, ngay cả những ý kiến trái chiều.
4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác thanh niên hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Vận dụng tư tưởng này, các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay được tổ chức thường xuyên nhằm xây dựng thế hệ trẻ có lòng nhân ái, đoàn kết và lối sống trong sạch. Các phong trào như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ giúp thanh niên hiểu về vai trò của đạo đức cách mạng mà còn giúp họ có cơ hội ứng dụng vào đời sống hàng ngày, chống lại những biểu hiện của suy thoái đạo đức và lối sống thiếu lành mạnh. Trong xã hội hiện đại, với nhiều ảnh hưởng từ kinh tế thị trường, thanh niên Việt Nam đối diện với các cám dỗ về lối sống hưởng thụ, vị kỷ. Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức Đoàn, Hội đã tập trung vào việc tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng các câu lạc bộ, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm giúp thanh niên hình thành lối sống lành mạnh, có trách nhiệm và hướng tới cộng đồng. Những hoạt động này, đã giúp thanh niên nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao tinh thần đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, thanh niên phải không ngừng học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Hiện nay, các chính sách khuyến học, học bổng, cùng với những chương trình học tập ở nước ngoài giúp thanh niên tiếp cận với kiến thức mới, nâng cao năng lực và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của sự phát triển đất nước. Tinh thần ham học, học đi đôi với hành được khuyến khích thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các cuộc thi kiến thức và khen thưởng kịp thời cho những thanh niên có thành tích học tập xuất sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng, thanh niên cần phải đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Trong bối cảnh hiện đại, tinh thần này được thể hiện qua các phong trào thanh niên tình nguyện, như các chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Xuân tình nguyện” và “Thanh niên lập nghiệp”... Những hoạt động này, không chỉ là cơ hội để thanh niên thể hiện lòng yêu nước mà còn giúp họ rèn luyện ý chí, dũng cảm đối mặt với khó khăn và làm quen với trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, sự sáng tạo của thanh niên là nguồn lực quý báu cho sự phát triển đất nước. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, các chương trình khuyến khích thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới được phát động mạnh mẽ. Các cuộc thi như “Sáng tạo trẻ” “Khởi nghiệp quốc gia”… là minh chứng cho thấy thanh niên không ngừng vươn lên để làm chủ công nghệ, sẵn sàng đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm chủ khoa học - công nghệ là một nhiệm vụ cấp bách. Các chương trình đào tạo, các khóa học kỹ năng, công nghệ thông tin và lập trình được tổ chức rộng rãi, nhằm giúp thanh niên bắt kịp xu thế toàn cầu. Những hoạt động này, không chỉ mang lại kiến thức mà còn xây dựng tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm của thanh niên.
Tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là môi trường để thanh niên phát triển toàn diện, do vậy cần tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn trong việc giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ thông qua các phong trào như “Thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”, “Thanh niên với công nghệ”… Qua đó, không chỉ mang lại cho thanh niên cơ hội trải nghiệm thực tế mà còn là cầu nối để họ tiếp cận với công tác xây dựng đất nước từ những việc nhỏ nhất.
5. Kết luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của thanh niên Việt Nam, đã để lại cho thế hệ trẻ những bài học vô giá về lòng yêu nước, ý chí bền bỉ và tinh thần cống hiến. Những lời dạy và tấm gương của Người, mãi mãi là kim chỉ nam cho sự phát triển của các thế hệ thanh niên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là con đường tất yếu để thanh niên Việt Nam hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước hòa bình, hùng cường và phồn vinh. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học vô giá đối với thanh niên Việt Nam. Từ tình yêu nước, sự kiên trì, lòng nhân ái đến tinh thần khiêm tốn, giản dị, mỗi đức tính của Người, đã trở thành chuẩn mực đạo đức cách mạng mà mỗi thế hệ thanh niên cần noi theo. Những bài học từ tấm gương của Hồ Chí Minh, không chỉ giáo dục đạo đức mà còn định hướng cho thanh niên về ý thức trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Việc học tập và làm theo tấm gương của Người, là nền tảng để thanh niên Việt Nam xây dựng bản lĩnh vững vàng, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh và thịnh vượng.
Trong bối cảnh hiện nay, lý tưởng cách mạng và mục tiêu sống cao đẹp là những yếu tố cần thiết giúp thanh niên tránh xa các cám dỗ, lối sống thực dụng. Các tổ chức Đoàn, Hội đã và đang chú trọng định hướng lý tưởng cho thanh niên bằng các hoạt động kỷ niệm lịch sử, tìm hiểu truyền thống yêu nước, qua đó thấm nhuần lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động này, giúp thanh niên Việt Nam hiểu sâu sắc về giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thanh niên trong giáo dục đoàn viên, thanh niên là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển nguồn lực trẻ cho đất nước. Với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thế hệ thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục là lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua các chương trình giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống, kiến thức và kỹ năng, thế hệ thanh niên hiện nay đang được rèn luyện để trở thành những người thừa kế xứng đáng của sự nghiệp cách mạng, góp phần đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
8. Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.