Lê Văn Quý: Thanh niên giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống
TTBD - Về với địa phương ấp 1 nếu có ai đó nhắc đến thanh niên đi xe lăn đó là anh Lê Văn Quý, sinh năm 1992. Theo cha mẹ từ Hải Dương vào làm ăn sinh sống tại ấp 1, xã Hưng Hòa huyện Bến Cát(nay là Bàu Bàng) từ năm 1998 ai cũng biết đến nam thanh niên đầy nghị lực, chăm chỉ và sáng tạo, anh là người vượt lên chính mình vượt lên những mặc cảm về cuộc sống, về hoàn cảnh, vươn lên làm giàu chính đáng. Anh là tấm gương không chỉ điển hình của phong trào vượt lên chính mình mà còn là tấm gương làm giàu từ chính đôi tay của mình.
Đến với ấp 1 xã Hưng Hòa huyện Bàng thì nhiều người thường bắt gặp một thanh niên đi trên chiếc xe lăn do ba mẹ mình đặt mua cho anh, một thanh niên nhìn bên ngoài chúng ta đã thấy sự đau đơn, mệt mỏi hiên trên khuôn mặt của anh, không bằng những bạn bè trang lứa về ngoại hình còn mang trong mình những căn bệnh và đôi tay không được khỏe mạnh, đôi chân không thể bước đi và thay vào đó là một đôi chân được điều khiển bằng chính đôi tay của mình. Nếu ai có dịp bắt gặp thì chúng ta cứ nghĩ rằng đó là một thanh niên tật nguyền, chắc hoàn cảnh như thế thì sẽ không làm được những gì.
Được sinh ra từ quê hương Hải Dương, anh sinh ra trong một gia đình nông dân, và đến năm 1998 được ba mẹ đưa vào miền Nam làm kinh tế mới nơi có những vườn cao su bạt ngàn xanh thẫm, ở nơi mà những con người mới cùng một chí hướng làm ăn lập nghiệp. Khi sinh ra anh đã mang bệnh tật bẩm sinh, không bằng bạn bè trang lứa, đến tuổi đi học anh cũng không được đến lớp như những người bạn hàng xóm của mình, nhiều lúc thấy thật buồn cho số phận. Nhưng cũng từ đó đã tạo thêm nghị lực cho anh, dù gia đình khó khăn và bằng nghị lực của mình anh đã xin ba mẹ để đi học để biết cái chữ, biết đọc biết viết với người khác, so với những người khác thì anh không bằng nhưng bù lại bằng tình thương yêu của ba mẹ, ông bà và đặc biệt là những người xung quanh, Anh được một người hàng xóm là giáo viên đã tận tụy giúp đỡ anh và dạy anh từng nét chữ, dạy anh biết đọc, biết viết.
Được biết đọc, biết viết và tuổi mỗi ngày một lớn lên, lúc này anh bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống, lúc 15 tuổi anh suy nghĩ làm sao mình có một công việc, kiếm ra được đồng tiền để phụ giúp cha mẹ, và công việc cũng là động lực để mình vươn lên đấu tranh với những căn bệnh bên trong cơ thể mình.
Anh Quý trên chiếc xe của ba mẹ mua, là đôi chân thứ hai của anh
Năm 16 tuổi anh suy nghĩ phải có một cái nghề, thời gian này những công việc cần sức lực thì không phù hợp với anh, và thời điểm này khoa học công nghệ, thông tin đại chúng càng ngày càng đi lên anh suy nghĩ và quyết định xin ba mẹ theo học nghề sửa chữa điện thoại di động. Quyết định được gia đình đồng ý và ủng hộ. Vào thời điểm mới đi học khi được ba mẹ dẫn đến xin thầy để theo học nghề thì thầy đã chê là anh yếu không đủ sức khỏe để theo học. Buồn cho số phận của mình nhưng không dừng lại ở đó anh quyết tâm xin thầy khác để theo học, mặc dù khi được nhận vào học thì anh cũng khó khăn hơn người khác với đôi tay yếu đuối, đôi chân không thể đi lại được và điều kiện sinh hoạt trong quá trình học. Thời gian này thì anh được ba mẹ đưa đi học và phương tiên di chuyển của anh là chiếc xe tay do UBND xã Hưng Hòa quan tâm đã trao cho anh. Anh cũng cố gắng và theo đuổi con đường mình đã chọn mặc dù khó khăn, học thầy giáo đầu tiên với thời gian là 1,5 năm đã truyền cho anh được nhiều kiến thức, khi đã thành thạo hơn về máy móc, thiết bị,… và đã tự mình sửa được chiếc điện thoại, nhưng anh vẫn muốn khám phá thêm, học thêm kiến thức để nâng cao tay nghề, anh đã xin học thêm thầy giáo thứ hai với thời gian là 1,5 năm nữa.
Khi đã đủ kiến thức, tay nghề đã cứng anh quyết định xin ba mẹ mình mở một tiệm sửa chữa điện thoại di dộng, vì gia đình anh ở ngay đường ĐT 741B nên cũng là điều kiện tốt để mở tiệm cho anh làm, gia đình anh đã đầu tư và mở một tiệm sửa chữa điện thoại di động cho anh.
Đến năm 20 tuổi anh Quý đã tìm tòi trên mạng internet và đã nhờ ba mẹ liên hệ mua cho mình một chiếc xe lăn chạy bằng điều khiển tự động bằng số tiền mà anh dùm dụm được, để không phải dùng chiếc xe lăn tay mà UBND xã đã hỗ trợ cho anh, để giữ sức khỏe cho bản thân trong quá trình làm việc. Thời gian đầu vào nghề cũng gặp nhiều khó khăn nhiều người thấy anh với bề ngoài như thế cũng còn đắn đo trong việc sửa chữa đồ dùng của mình, nhưng với những người khác thì họ đã quan tâm và tạo điều kiện cho anh để có công việc, và với tay nghề của anh đã khẳng định cho mọi người biết rằng dù có bệnh tật anh cũng có thể làm được những điều mà người khác còn nghi ngờ về anh, và anh cũng có thể làm được những việc mà nhiều người khỏe mạnh còn không thể làm được.
Nghề của anh càng ngày càng phát đạt, cái tiệm sửa chữa nhỏ ngày xưa giờ đã trở thành một cửa hàng buôn bán khang trang với nhiều loại điện thoại khác nhau thu hút đông khách đến mua. Công việc đòi hỏi phải nâng cao tay nghề, anh không chỉ học tập từ thực tế công việc mà anh còn tìm tòi nghiên cứu trên mạng internet và hiện tại anh đã sửa chữa được những điện thoại thông minh smartphone như Iphone, SamSung,… và anh còn cài đặt được phần mềm máy tính và sửa chữa những máy móc, thiết bị khác.
Với công việc như thế đã tạo anh cho anh động lực tiếp thêm sức mạnh và khi anh còn bận nhiều công việc thì người em gái Lê Thị Thúy sinh năm 2000 của anh cũng bị bệnh như anh cũng giúp đỡ anh trong việc chép nhạc, phụ giúp buôn bán. Với nghề của anh thì hiện tại thu nhập bình quân mỗi tháng của anh được khoảng 7.000.000đ cũng đủ trang trải cho cuộc sống của anh và phụ giúp cho ba mẹ. Hiện tại cuộc sống của gia đình anh và công việc của anh đã ổn định.
Nơi làm việc của anh Quý
Là thanh niên của địa phương được sự quan tâm của các anh chị cán bộ Đoàn - Hội trong các hoạt động của ấp, của xã và các hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện về địa phương, anh luôn tham gia các hoạt động, tham gia giao lưu kết bạn với tất cả mọi người, anh không làm được những công việc như những người bình thường nhưng anh luôn tham gia các cuộc giao lưu, nói chuyện, chủ yếu là tạo thêm không khí vui tươi, những tiếng cười trong các hoạt động. Dù trong công việc hay mối quan hệ ngoài xã hội anh luôn vui vẻ hòa đồng, luôn nhẹ nhàng và biết quan tâm đến người khác và người anh yêu thương nhất đó là em gái của mình cũng có hoàn cảnh giống như chính bản thân của mình, nhưng đáp lại bên cạnh anh Quý và em gái luôn có một nguồn lực tinh thần bù đắp sức mạnh cho anh đó chính là gia đình.
Anh Lê Văn Quý luôn xứng đáng đại diện cho hình ảnh người thanh niên trong xã hội hôm nay: biết vượt lên khó khăn của bản thân, bỏ qua những mặc cảm của cuộc sống để tìm cho mình một ngành nghề, một công việc để nuôi bản thân, giúp đỡ gia đình và xã hội.
Trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hôm nay, cần lắm những tấm gương như anh để những con người khỏe mạnh đủ sức khỏe, đủ bản lĩnh và là thế hệ trẻ chúng tôi phấn đấu học tập, góp phần xây dựng cuộc sống và xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Thí sinh Bồ Hoàng Long - Bài thi đạt giải Nhì Cuộc thi Gương sáng quanh tôi năm 2016