Bình Dương với mục tiêu bình đẳng giới - vì sự tiến bộ của phụ nữ
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Dương đã thường xuyên quan tâm, thực hiện hiệu quả các mục tiêu của “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020”. Nhờ đó, phụ nữ tỉnh nhà được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát huy sự tự tin, năng động, sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Phát huy tốt vai trò của phụ nữ
Trên cơ sở Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và nhiều chủ trương, chính sách mới của Nhà nước về công tác phụ nữ, ngày 22/7/2011, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020”. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã thành lập Tổ Công tác cán bộ nữ; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc cũng thành lập tổ công tác nữ hoặc bộ phận phụ trách công tác này. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh vượt khó, hoàn thành tốt vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Cụ thể, trong lĩnh vực lao động - việc làm, nhiều lao động nữ, nhất là phụ nữ nghèo, ở nông thôn được đào tạo nghề và giới thiệu vào làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Qua 18 năm (1997-2015), đã thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 126.000 lượt phụ nữ và giới thiệu việc làm cho 46.800 lao động nữ. Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã nhận ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và tín chấp với các ngân hàng thương mại, huy động tiền tiết kiệm trên 86 tỷ đồng, giúp vốn cho hàng nghìn phụ nữ sản xuất, kinh doanh. Nhiều phụ nữ với ý chí vượt khó của bản thân và nguồn vốn được hỗ trợ đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế (Trong ảnh: Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các cấp hội phụ nữ TX.Dĩ An đã giúp cho nhiều hội viên vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Ngọc Thanh)
Công tác giáo dục - đào tạo học sinh nữ có những chuyển biến tích cực. Hội LHPN tỉnh đã vận động phụ nữ tham gia hưởng ứng phong trào, khảo sát và nhận đỡ đầu hàng trăm học sinh nghèo, vận động sách vở, tập viết, quần áo mới, ủng hộ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp xây dựng, sửa chữa trường lớp; hỗ trợ giáo viên nữ vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức nữ cũng được quan tâm. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 5.530 nữ cán bộ, công chức, viên chức trình độ trên Đại học, 21.650 người trình độ Đại học và 14.795 người trình độ Cao đẳng.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt kết quả khá tốt. Hiện nay, 91/91 trạm y tế cấp xã đều có bác sĩ và y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai đủ 3 lần trở lên khi mang thai đạt 100%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS giảm qua từng năm. Hội LHPN tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Sở Y tế và các tổ chức từ thiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ mổ tim cho trẻ em nghèo; thực hiện lịch tiêm ngừa cho trẻ tại các trạm y tế, bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi quy định được tiêm và uống các loại vacxin theo quy định.
Trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp tập trung, tỉnh chủ trương tạo cơ chế, giao đất để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, trong đó có lao động nữ. Đồng thời, vận động “xây dựng các khu nhà trọ thân thiện”, “nhà trọ văn minh” và đưa vào tiêu chí bình xét gia đình, khu phố văn hóa, góp phần thực hiện chính sách chăm lo cho công nhân, nhất là lao động nữ. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ và lao động nữ; đề xuất với các ngành chức năng biện pháp ngăn chặn bạo hành gia đình, các vụ ly hôn mà quyền lợi của phụ nữ bị xâm hại, các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài mang tính chất vụ lợi.
Công nhân nữ được quan tâm chăm lo, ổn định đời sống (Ảnh: Thiên Lý)
Để phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, đại diện các cấp Hội LHPN ở cơ sở đều được tạo điều kiện tham gia tổ hòa giải, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương, thắt chặt tình cảm giữa gia đình và cộng đồng, khu phố, xóm ấp. Ngoài ra, cán bộ, hội viên phụ nữ còn được tư vấn pháp lý miễn phí để nắm vững kiến thức về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Nữ “Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Hồng Xuân Trường (thành viên Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) phát biểu trong buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh
Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Nâng cao vị thế của phụ nữ trên lĩnh vực chính trị có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung. Nhận thức rõ điều này, các cấp, ngành tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ.
Theo đó, trong công tác quy hoạch cán bộ theo nhiệm kỳ của cấp ủy các cấp, tỷ lệ nữ được đưa vào quy hoạch ngày càng tăng. Bên cạnh chính sách, chế độ chung của Nhà nước, tỉnh luôn tạo điều kiện, khuyến khích phụ nữ là công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Công tác bổ nhiệm nữ cán bộ, công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý được các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực chỉ đạo, có xu hướng phát triển. Hiện nay, nữ trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh có 17 người, cấp huyện có 42 người. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt 22,82% (tăng 5,08% so với nhiệm kỳ trước).
Nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (thứ hai từ trái qua) trúng cử Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh tại kỳ họp Kỳ họp thứ 15 (bất thường) - HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Mai Xuân)
Về công tác tham mưu, chuẩn bị nguồn cán bộ nữ cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy rà soát cán bộ nữ lãnh đạo các cấp. Kết quả, nữ lãnh đạo chủ chốt, cấp trưởng, phó đầu ngành toàn tỉnh có 572 người, chiếm 25,87%. Trong đó, cấp tỉnh có 37 người, đạt 17,37%; cấp huyện có 222 người, đạt 26,88%; cấp xã có 313 người, đạt 26,71%. Đồng thời, tiếp tục rà soát, giới thiệu cán bộ nữ bổ sung quy hoạch cấp ủy giai đoạn 2015 - 2020.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ tỉnh nhà tiếp tục phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội của của địa phương.
Ông Trần Thanh Liêm - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ năm 2014 (Ảnh: Thu Thảo)
Nhiều phụ nữ tỉnh Bình Dương trở thành những điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, được các Bộ ngành Trung ương khen tặng danh hiệu cao quý. Tiêu biểu như: bà Nguyễn Lệ Hằng - Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản và Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất, bà Đào Thị Thanh Nguyên - Nguyên Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Kim Oanh…
Nguồn: binhduong.gov.vn (TA)