Doanh nghiệp - Doanh nhân đóng góp tích cực vào sự phát triển của Bình Dương
Sau gần 30 năm thực hiện đuờng lối đổi mới của Đảng, nhất là sau gần 19 năm kể từ ngày Bình Dương tái lập tỉnh, các doanh nghiệp - doanh nhân Bình Dương không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bình Dương - đất lành đối với nhà đầu tư
Theo thống kê, đến đầu tháng 10/2015, Bình Dương có 22.335 doanh nghiệp, trong đó có 19.810 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nuớc với tổng vốn đăng ký hơn 145.000 tỷ đồng, 2.525 doanh nghiệp có vốn đầu tư nuớc ngoài với số vốn gần 22 tỷ đô la Mỹ. So với tổng số doanh nghiệp trên cả nuớc, số luợng doanh nghiệp tại Bình Dương chiếm khoảng 4,75%, luợng vốn đầu tư cả 2 khu vực tính chung chiếm khoảng 10%. Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp ở Bình Dương có qui mô khá lớn so với qui mô doanh nghiệp chung trên cả nuớc.
Thực tế cho thấy, trong một thời gian ngắn, số lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ở Bình Dương đã phát triển rất mạnh. Cụ thể, năm 1986 số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng vài trăm đơn vị. Qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đến nay, số luợng doanh nghiệp đã tăng gấp 111 lần. Riêng trong giai đọan từ 1997 đến nay, mỗi năm Bình Dương có từ 1.000-2.000 doanh nghiệp mới đuợc thành lập, trong đó giai đọan 2011-2015 Bình Dương có thêm hơn 9.400 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 40% số doanh nghiệp đuợc thành lập từ trước tới nay. Điều này khẳng định Bình Dương luôn là đất lành đối với các nhà đầu tư.
.jpg)
Nhiều nhà đầu tư lớn từ các quốc gia đến đầu tư tại Bình Dương (Ảnh: Nhà máy Công ty điện tử Foster (Nhật Bản) tại KCN VSIP I)
Có thể nói, quá trình phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và doanh nhân Bình Dương do nhiều yếu tố tạo thành. Trong đó yếu tố khách quan chính là vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội thuận lợi so với nhiều địa phương khác. Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với những trung tâm kinh tế, khoa học - kỹ thuật lớn của cả nước và đầu mối giao lưu quốc tế như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương luôn chủ động tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn với phương châm xuyên suốt là “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đó là, khi các nhà đầu tư có ý định lựa chọn Bình Dương là địa điểm đặt dự án, việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan thẩm quyền và cơ quan chuyên môn được dễ dàng và minh bạch, không bị bất cứ một rào cản nào. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu, đề xuất Trung ương cho tỉnh cấp phép đầu tư theo thẩm quyền rất nhanh chóng, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án nếu có khó khăn phát sinh, các ngành hữu quan sẽ phối hợp với nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam (thứ hai từ phải qua) cùng lãnh đạo các sở, ngành thăm Công ty Cổ phần gỗ Kaiser
Đối với những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Những cuộc tọa đàm, hội thảo, tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp… được xem là hoạt động thực tế rất hiệu quả được thực hiện thường xuyên ở các cơ quan hữu quan cấp tỉnh và UBND tỉnh Bình Dương. Qua đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các cơ quan hữu quan để đề xuất, kiến nghị những nguyện vọng của mình cũng như trình bày những khó khăn, vướng mắc để UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó Bình Dương luôn quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó hạ tầng về điện, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nuớc, hạ tầng viễn thông, hạ tầng xã hội, các thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa… ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hiện tại, Bình Dương có 28 KCN
Một yếu tố rất thuận lợi nữa là Bình Dương đã có hệ thống các khu, cụm công nghiệp hoàn chỉnh đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất của các nhà đầu tư. Từ KCN Sóng Thần 1 với diện tích hơn 180ha được thành lập vào tháng 9/1995, chỉ sau 20 năm, đến nay trên địa bàn Bình Dương đã hình thành 28 KCN với tổng diện tích trên 9.500 ha, (chiếm 9,5% về số lượng và 11,3% về diện tích KCN cả nước), có 26 KCN đã đi vào hoạt động (chiếm 12,3% so với cả nước). Đây quả là một thành tích ấn tượng và là một đẳng cấp phát triển mà rất ít địa phương đạt được, đồng thời còn là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngòai nước.
Ông Marcus IP - Tổng giám đốc Công ty liên doanh Nam Phương Textile cho biết: “Chúng tôi lựa chọn Bình Dương để triển khai dự án vì nơi đây có hạ tầng đồng bộ, có vị trí giao thương thuận lợi và môi trường đầu tư thông thoáng. Tôi tin tưởng rằng dự án của chúng tôi sẽ đạt đuợc thành công như mong muốn”.
Góp phần phát triển KT-XH địa phương
Trong quá trình phát triển của Bình Dương, đóng góp lớn nhất của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trước hết là góp phần đưa Bình Dương chuyển dịch thành công nền kinh tế nông nghiệp năng suất thấp sang nền kinh tế công nghiệp - dịch vụ, có tốc độ tăng trưởng cao, qui mô lớn chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong nhiều năm, Bình Dương luôn có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hơn 13%/năm, cao gấp 2 lần mức tăng trưởng chung của cả nước và gấp 1,5 lần so với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng là công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đã chiếm đến 97% trong GDP của tỉnh. Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo đuợc giá trị kim ngạch chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nuớc, đặc biệt đã tạo ra xuất siêu lớn cho tỉnh trong hoạt động ngoại thương. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương đạt giá trị gần 14 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,6 % so với cùng kỳ và chiếm 12% giá trị xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý là Bình Dương đã đạt giá trị xuất siêu hơn 2,2 tỷ đô la Mỹ chỉ trong 8 tháng năm 2015. Điều này khẳng định hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Bình Dương đã cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới và tăng đuợc tỷ trọng sử dụng nguyên phụ liệu trong nuớc để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Doanh nghiệp - Doanh nhân đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội Bình Dương (Ảnh: Công nhân Công ty Giày Đông Hưng trong giờ làm việc)
Doanh nghiệp Bình Dương không chỉ tạo dựng nên diện mạo của một tỉnh công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, mà còn tạo ra sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Riêng trong 4 năm gần đây, trong điều kiện nền kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động hậu khủng hoảng kinh tế thế giới, song giá trị thương mại dịch vụ của Bình Dương liên tục tăng trưởng ở mức cao. Giá trị thương mại dịch vụ của tỉnh đã tăng từ 59.400 tỷ đồng vào năm 2011 lên hơn 75.000 tỷ đồng vào năm 2012, hơn 89.500 tỷ đồng trong năm 2013. Năm 2014, giá trị thương mại dịch vụ của Bình Dương đạt gần 103.500 tỷ đồng.
Riêng 9 tháng đầu năm 2015, giá trị thương mại - dịch vụ của Bình Dương đạt gần 83.500 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Hiện tại giá trị thương mại - dịch vụ của Bình Dương đã chiếm khoảng 5% tổng mức bán bán lẻ và doanh thu dịch vụ của cả nước. Nếu phân theo khu vực thì khu vực kinh tế trong nước chiếm đến 97,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 2,9%. Điều này cho thấy lĩnh vực thương mại- dịch vụ của Bình Dương đang thu hút mạnh các doanh nghiệp trong nuớc tham gia và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến các lọai hình dịch vụ chất lượng cao.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp – doanh nhân Bình Dương luôn đồng hành với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Đó là quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, giải quyết những vấn đề về chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở. Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, chương trình giảm nghèo, công tác xã hội, từ thiện vì cộng đồng, xây dựng nông thôn mới... Đó là nghĩa cử cao đẹp và trách nhiệm của các doanh nghiệp – doanh nhân Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đánh giá vai trò to lớn của đội ngũ doanh nhân, ông Trần Văn Nam - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chính sự nhạy bén, năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân đã giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và ngày càng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện xã hội... Đó là những nỗ lực và đóng góp rất đáng trân trọng của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Bình Dương.
Đồng hành cùng doanh nghiệp-doanh nhân
Những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà đã được khẳng định. Tuy nhiên các doanh nghiệp - doanh nhân trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Đó là, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư trong nước thuộc loại vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa đủ mạnh, số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu mạnh chưa nhiều. Đội ngũ doanh nhân chủ yếu là trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, một số doanh nghiệp, doanh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nâng tầm doanh nghiệp, khả năng ứng phó với biến động của thị trường, năng lực hội nhập.

UBND tỉnh tuyên dương khen thưởng các doanh nhân tiêu biểu
Phát biểu tại lễ tôn vinh khen thưởng các doanh nhân tiêu biểu vừa qua, ông Trần Văn Nam - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đất nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, với việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương, chuẩn bị tham gia Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Đặc biệt là việc các nước thành viên vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được xem là Hiệp định mang tính lịch sử, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, trong nước, các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân được Đảng ta ngày càng quan tâm. Cùng với đó là chính sách vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Nhà nước. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tuy nhiên cũng tạo ra những khó khăn, thách thức và môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đứng trước những thời cơ lẫn thách thức mới, để cùng hòa vào biển lớn, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp phải thật sự năng động, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt thời cơ, quyết tâm vươn lên và phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh chung của đất nước, của khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp cần triển khai ngay các hoạt động tìm hiểu, nắm bắt thông tin hội nhập cũng như những chính sách hiện hành và sắp tới của Chính phủ. Tăng cường nghiên cứu thị trường, đánh giá tác động của cơ chế hội nhập đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh, chủ động tái cơ cấu trên các lĩnh vực vốn, thị trường, lao động.... Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Chú trọng đổi mới công nghệ và rà soát cải tiến quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất hoạt động, giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hết sức chú trọng việc hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau để tạo sức mạnh trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò của Liên đoàn doanh nghiệp, của các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ và liên kết các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp - một vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tình hình an ninh trật tự…, tạo môi trường an toàn, thông thoáng, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sẽ quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân phát huy khả năng nhạy bén, năng động, sáng tạo để đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi hơn nữa.
Ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kể từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh những doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước, mà còn là dịp để các cấp ủy Đảng, Chính quyền và toànxã hội quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nguồn: binhduong.gov.vn (TA)