Bài tham gia diễn đàn của Ngô Thị Kiều Tiên – Sở Tài chính tỉnh Bình Dương
TTBD - Để có được sự độc lập, tự do như ngày hôm nay, đất nước Việt Nam ta đã phải trải qua những năm tháng chiến đấu hy sinh gian khổ. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đó đã có biết bao nhiêu người anh, người cha, người con của đất nước đã mãi ra đi, các anh đã ra đi để đem lại cho thế hệ sau một cuộc sống thanh bình, độc lập, tự do...
Bên cạnh sự hy sinh to lớn của những người cha, người anh, người con ấy phải kể đến sự hy sinh to lớn hơn nữa của những người mẹ, người chị, những người đã sinh ra và đã cống hiến những người con ưu tú ấy cho cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam. Không những chỉ là sự hy sinh thầm lặng như vậy, những trang sử hào hùng của đất nước cũng đã ghi nhận và minh chứng về sự sáng ngời về lòng trung thành với Tổ quốc, về đức hy sinh, về tinh thần dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đến cùng của những người phụ nữ Việt Nam. Từ mẹ Âu Cơ đưa các con đi mở cõi, đến Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Hán và tiếp nối truyền thống đó là phụ nữ Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng. Điển hình như “Đội quân tóc dài” đã trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù trong kháng chiến chống Mỹ mà Bác Hồ đã từng khen ngợi:“Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Hình ảnh, tinh thần yêu nước của các mẹ, các chị sẽ mãi là tấm gương soi sáng, tiếp sức cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong thời kì chiến tranh, phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tuy nhiên, bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là người phụ nữ vừa đảm trách công việc ngoài xã hội, vừa hoàn thành các nghĩa vụ trong gia đình và biết chăm sóc cho bản thân thì các phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” đã trở thành kim chỉ nam để người phụ nữ tu dưỡng, hoàn thiện bản thân.
Trước hết, người phụ nữ cần có sự tự tin để đáp ứng yêu cầu của thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển và hội nhập. Nhìn một cách tổng thể, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang đòi hỏi việc trí thức hóa người lao động nữ, đào tạo nhân lực nữ có trình độ cao, biết ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Trong điều kiện đó, nếu thiếu sự tự tin vào bản thân, vào những điều kiện cần và đủ để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc, của cuộc sống, người phụ nữ sẽ không thể hội nhập, sẽ làm mất đi những cơ hội thay đổi, thăng tiến, cải thiện cuộc sống của mình. Sự tự tin giúp người phụ nữ tiếp cận với những thông tin, tri thức, cách suy nghĩ hiện đại, ngày càng gần hơn với cơ hội bình đẳng và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho gia đình, quê hương, đất nước. Thực tế đã chứng minh nhiều phụ nữ với sự nỗ lực vượt bậc, với bản lĩnh kiên cường và ý chí quyết tâm cao đã vượt qua hoàn cảnh, vượt qua số phận để tự khẳng định, vươn lên thoát nghèo, làm giàu và thành đạt. Và để làm rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp đó ở người phụ nữ ngày nay, tôi muốn nói về người phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ, nữ doanh nhân buôn trứng Ba Huân. Vào nghề bằng chính những quả trứng vỡ, đi lên từ đôi bàn tay trắng đến nay bà đã gây dựng nên một thương hiệu trứng sạch uy tín trên thị trường. Với phẩm chất tự tin, tin vào bản thân mình, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của chính bản thân mình bà Ba Huân đã tập tành buôn bán trứng và vượt qua những khó khăn, thử thách để có được thành công như ngày hôm nay.
Với phẩm chất tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Nói phẩm giá, danh dự là nói đến những cái quý giá nhất của mỗi con người, nó không chỉ có ý nghĩa về đạo đức mà rộng hơn là cả về năng lực, trình độ, cách ứng xử, những yếu tố làm nên giá trị, tư cách của con người. Tự trọng và tự tin là hai chị em sinh đôi, lòng tự tin, tự trọng vững chãi thì phong cách, phẩm giá – giá trị con người của người phụ nữ càng tỏa sáng.
Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu cũng luôn là một phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa luôn ý thức sâu sắc về tinh thần tương thân tương ái, đề cao nghĩa tình, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, thuỷ chung, son sắt. Với gia đình, người phụ nữ cần giữ được những tình cảm tốt đẹp như: hiếu thuận với cha mẹ, thủy chung với chồng, gương mẫu yêu thương con cái. Với cộng đồng, tập thể, người phụ nữ cần có sự chia sẻ, nhường nhịn, cảm thông đồng thời phải là người làm tốt công việc xã hội.
Trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, phụ nữ miền Bắc sôi nổi tham gia phong trào ba đảm đang: đảm đang sản xuất, công tác, đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, phẩm chất đảm đang sẽ giúp cho người phụ nữ thực hiện hài hòa hai vai: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Thực tế cho thấy, dưới những tác động của kinh tế thị trường, người phụ nữ đang chuyển dần từ trạng thái ít tham gia hoạt động kinh tế, đến chỗ dành nhiều thời gian cho hoạt động kinh tế. Nếu không biết cách sắp xếp, người phụ nữ có thể sao nhãng trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái, sao nhãng trách nhiệm gắn bó tình cảm của các thành viên trong gia đình. Người phụ nữ hiện đại cần biết cách cân bằng trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động kinh tế ngoài xã hội.
Để gìn giữ và không ngừng phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, mỗi người phụ nữ hãy tích cực học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, đồng thời tuyên truyền để làm sao cho các phẩm chất đạo đức tốt đẹp có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. Bởi lẽ những người phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Họ vừa là công dân, vừa là người mẹ, vừa là người thầy đầu tiên của mỗi con người. Họ chính là người giữ gìn, phát huy, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa cho các thế hệ tương lai.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2014), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức Diễn đàn “Theo bước chân anh hùng Lý Tự Trọng - Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới - Tác phong, lề lối, phong cách Người cán bộ Đoàn” và Diễn đàn “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Mời các bạn cùng tham gia diễn đàn bằng cách gửi bài về địa chỉ tuoitrebinhduong.vn@gmail.com để có cơ hội nhận được 1 phần quà lưu niệm từ Ban Biên tập Website Tỉnh Đoàn Bình Dương.
|
Tác giả: Ngô Thị Kiều Tiên
Chi đoàn Sở Tài chính tỉnh Bình Dương