Bình Dương: Tham gia vòng bán kết cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức
TTBD - Nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nói chung. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn nói riêng trong quá trình khởi nghiệp nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tài nguyên bản địa, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm. Tỉnh Đoàn Bình Dương đã hỗ trợ Thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh tham gia cuộc thi Thanh niên nông thôn khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức.
Ban Chuyên môn đã hướng dẫn các Thanh niên nông thôn thực hiện hồ sơ tham gia một cách chỉn chu và trình bày các dự án nổi bật và đầy đủ. Từ đó Ban Chuyên môn đã rà soát và gửi về cho Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn hồ sơ của 05 mô hình tiêu biểu của Thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Và dự án “Thu gom và tái chế rác thải vỏ hộp sữa” của chị Nguyễn Thị Hoa đã xuất sắc lọt vào vòng Bán kết của cuộc thi.
Chị Nguyễn Thị Hoa - Giáo viên trường Tiểu học Tân Đông Hiệp
Chị Nguyễn Thị Hoa là giáo viên trường Tiểu học Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) với khát khao cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho địa phương, chị luôn mong muốn dự án của mình có thể lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc để tạo nên một màu xanh trong lành cho đất nước. Để triển khai Dự án, chị và các thầy cô giáo trong trường đã phối hợp với Đoàn phường Tân Đông Hiệp và các doanh nghiệp để phát động thu gom vỏ hộp sữa giai đoạn 1 tại các điểm trường học và mở rộng ra toàn bộ các khu dân cư. Sau đó mang đi tái chế rác thải nhựa thành tấm lợp sinh thái tại Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến. Qua đó giúp tăng nguồn thu nhập cho nhà trường với giá thu mua sản phẩm vỏ hộp sữa (đã rửa sạch) là 3.000 đồng/kg; góp phần giáo dục học sinh biết bảo vệ môi trường và tái chế rác thải.
Dự án “Thu gom và tái chế rác thải vỏ hộp sữa”
Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của dự án là bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời hạn chế tiêu hao năng lượng trong sản xuất bằng cách sử dụng vật liệu tái chế. Vỏ hộp sữa sau khi thu gom sẽ được tách thành bột giấy và hợp kim nhôm nhựa. Bột giấy sẽ được tái sản xuất thành giấy bìa, carton hoặc các loại sổ sách. Hợp kim nhôm nhựa sẽ được tái chế thành tấm lợp sinh thái, có độ bền lên đến cả trăm năm. Tấm lợp này có những ưu điểm nổi bật như khả năng cách nhiệt, chống cháy, chống thấm và đặc biệt là thân thiện với môi trường."
Minh Khôi (TP)