VANG VỌNG NON SÔNG LỜI BÁC DẶN
Khắc ghi lời dạy của Bác, 70 năm qua, Phú Thọ cùng nhân dân cả nước đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dù không trang hoàng sắc đỏ cờ, hoa, không tổ chức hội thi, hội diễn kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng do ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 nhưng triệu trái tim người con quê hương đất Tổ vẫn bồi hồi nhớ về Người với niềm kính yêu vô hạn.
Bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ nghỉ hưu ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì cho biết, lời căn dặn của Bác những lần về thăm Đền Hùng vang vọng cả non sông, thấm sâu vào trái tim mỗi người Việt Nam, nhất là người dân đất Tổ. Cả chặng đường dài mấy ngàn năm lịch sử dân tộc đã được Bác đúc kết trong một câu nói như một sự tổng kết quy luật tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ thông tin, năm 2024 là tròn 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng. Tỉnh dự kiến tổ chức nhiều hoạt động trọng thể, xứng tầm sự kiện lịch sử quan trọng này. Nhưng để tập trung phòng, chống lũ bão, khắc phục hậu quả thiên tai, Phú Thọ quyết định dừng khai mạc hoạt động trưng bày tư liệu, hiện vật và hội thi, hội diễn. Sở phối hợp các đơn vị liên quan sẽ tổ chức khi có điều kiện phù hợp. Các địa phương có Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tùy tình hình thực tế tổ chức dâng hương, báo công.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng số thời gian qua đã tăng cường đăng tải thông tin, tư liệu Bác Hồ về thăm Đền Hùng, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo Phú Thọ mở chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954 - 19/9/2024)"; xây dựng phim tài liệu, phóng sự tuyên truyền thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh…
GÓP SỨC CÙNG DÂN TỘC LÀM NÊN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Bác Hồ chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong ngay trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ngày 19/9/1954, tại đền Giếng, Đền Hùng, Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Khắc ghi lời dạy của Bác, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương và trách nhiệm của "hậu phương lớn", huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến. Phú Thọ có 92.782 thanh niên lên đường nhập ngũ, 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong.
Cùng với lực lượng bổ sung cho quân đội, Phú Thọ tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ; huy động hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường. Tỉnh huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán.
Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ tỉnh Phú Thọ phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch trong hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt. Quân và dân Phú Thọ trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Qua hai cuộc kháng chiến, toàn tỉnh 14.678 người con anh dũng đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Hiện toàn tỉnh có 11.593 thương binh, 4.068 bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, gần 52.000 người có công với nước... Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Những thành tích đó của quân và dân Phú Thọ đã góp phần cùng toàn dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội; đưa chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" - ước nguyện cháy bỏng của Bác Hồ trở thành hiện thực.
ĐƯA KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC
Lời nói thiêng liêng của Bác Hồ mang sức mạnh tinh thần to lớn đã trở thành kim chỉ nam, động lực để Phú Thọ vươn mình, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cả nước và các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tỉnh tập trung thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao vào khu, cụm công nghiệp; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Phú Thọ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mở rộng sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, phát triển sản phẩm đặc sản, cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến khích phát triển trang trại, gia trại… Tỉnh có cơ chế khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; giao quyền tự chủ từng phần cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…
Đến nay, Phú Thọ vươn lên đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng về tốc độ phát triển kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 65,4 triệu đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 5/14 tỉnh ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Giá trị xuất nhập khẩu vươn lên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố…
Nhờ vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và tranh thủ mọi thời cơ, những năm gần đây, Phú Thọ huy động nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021 - 2023, tỉnh huy động được 118,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển, đạt 74,2% so mục tiêu cả giai đoạn.
Dự kiến trong năm 2024 - 2025, tỉnh phấn đấu huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, riêng năm 2024 huy động đạt trên 50.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đã tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng du lịch, thương mại.
Tỉnh hoàn thiện xây dựng và mở rộng 7 khu công nghiệp, 21/28 cụm công nghiệp. Trong 3 năm qua, tỉnh thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 56,9 nghìn tỷ đồng, 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký ước đạt 2.126 triệu USD.
Hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Các chỉ số PAR INDEX, PCI, SIPAS, PAPI có tiến bộ về thứ hạng so giai đoạn trước.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu thông tin, thời gian tới, Tỉnh ủy tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; nâng cao năng lực, thái độ thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm trở lên. Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm từ 82% trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 190.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; Việt Trì là thành phố hiện đại, thông minh, địa chỉ hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi. Đến năm 2030, Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, địa danh mang tính biểu tượng hội tụ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc./.
LÂM ĐÀO AN (TTXVN)