Nét đẹp phụ nữ Việt Nam xưa và nay
TTBD - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, con người Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự gắn kết cá nhân, gia đình và xã hội, là tinh thần kiên cường, anh dũng, tạo nên sức mạnh cộng đồng để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong đó vai trò của người phụ nữ với thiên chức làm mẹ, làm vợ, vừa “lo việc nước, vừa đảm việc nhà” góp phần không nhỏ trong việc hình thành những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác, đó chính là yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hi sinh.
Ở khu vực Á Đông, hiếm có dân tộc nào phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong xã hội như ở Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ những buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, bà Trưng bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Thế kỷ 20, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, lao động, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu (1937-1953) khi mới 12 tuổi, đã ném lựu đạn giết chết ba tên chỉ huy Pháp, nổi tiếng về tài tình báo, biệt động và giao liên đặc biệt cho đến khi bị Pháp bắt năm 15 tuổi, trong tù chị vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến lúc hi sinh khi chưa đầy 17 tuổi; là chị Út Tịch, Anh hùng quân đội thời chống Mỹ- là người mẹ của chín đứa con, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, đánh giặc rất hăng hái, có nhiều mưu mẹo tài tình, khi có thai 8 tháng vẫn chỉ huy du kích hạ hai đồn giặc.Với câu nói nổi tiếng “ đánh giặc còn cái lai quần cũng đánh” thể hiện ý chí kiên cường của người nữ anh hùng.
Xuyên suốt lịch sử giữ nước và xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào thì người phụ nữ cũng là hậu phương và tiền tuyến vững chắc. Ngày nay, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục không thể thiếu vắng vai trò của người phụ nữ. Đối với người phụ nữ, tu dưỡng đạo đức là một phần để làm nên nét đẹp cho họ. Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tổng quát hóa thành 4 chuẩn mực đạo đức: Tự tin, tự trọng, đảm đang, trung hậu.
Nói đến phẩm chất tự tin của người phụ nữ, đó chính là người tin tưởng vào năng lực bản thân, tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình. Như vậy, hơn bao giờ hết, người phụ nữ cần có sự tự tin để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới, phát triển và hội nhập. Muốn có được sự tự tin, người phụ nữ phải dám nghĩ, dám làm, tin vào khả năng thành công của mình. Họ phải tích cực học tập, lao động sáng tạo, không ngừng học hỏi. Cùng với đó là không quên rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe và giữ gìn vẻ đẹp hình thể để có được sự tự tin vào bản thân.
Phẩm chất thứ hai của người phụ nữ đó là tự trọng, người phụ nữ có lòng tự trọng là người biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Đây là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng nhất để làm nên giá trị của một con người chân chính.Người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có phẩm chất tự trọng để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, cũng là để góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam trước những thách thức của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập. Để giữ được lòng tự trọng, người phụ nữ phải tạo cho mình một niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Nó cũng được thể hiện ở tinh thần vượt khó, ở ý chí vươn lên trong cuộc sống, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho bản thân.
Phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu, rèn luyện để trở thành người phụ nữ trung hậu. Trung hậu là trung thực, thẳng thắn, nhân ái, giàu lòng thương người. Phẩm chất ấy thể hiện cách sống đẹp của người Việt Nam nói chung và người phụ nữ nói riêng. Trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh của dân tộc, lòng trung hậu đã trở thành nền tảng cho những phẩm chất tinh thần phong phú, đặc sắc, những khả năng và vai trò thực tế to lớn của phụ nữ Việt Nam, đồng thời làm nên vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, tạo nên bản lĩnh riêng cho mỗi người phụ nữ.
Trong mọi thời điểm của lịch sử, phẩm chất đảm đang của phụ nữ Việt Nam luôn tỏa sáng. Đó là hình ảnh người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Người phụ nữ luôn phát huy vai trò của mình trong việc tổ chức cuộc sống gia đình, động viên, khích lệ chồng con chia sẻ công việc gia đình, nhất là người chồng. Hơn nữa, phụ nữ phải trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn, hoàn thành tốt công việc của mình. Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, giúp cho người phụ nữ thực hiện hài hòa: việc nước, việc nhà để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình.
Phẩm chất này là tiền đề, cơ sở, kết quả của phẩm chất kia và ngược lại. Như vậy, hội tụ được 4 phẩm chất trên người phụ nữ sẽ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; tránh những tác động tiêu cực của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội.
Thấm nhuần các giá trị tinh thần to lớn mà thế hệ phụ nữ Việt Nam dày công vun đắp, mỗi chúng ta cần thấy được trách nhiệm to lớn của mình, cần trân trọng, tự hào, giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó và khắc phục hạn chế, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực để góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2014), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức Diễn đàn “Theo bước chân anh hùng Lý Tự Trọng - Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới - Tác phong, lề lối, phong cách Người cán bộ Đoàn” và Diễn đàn “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Mời các bạn cùng tham gia diễn đàn bằng cách gửi bài về địa chỉ tuoitrebinhduong.vn@gmail.com để có cơ hội nhận được 1 phần quà lưu niệm từ Ban Biên tập Website Tỉnh Đoàn Bình Dương.
|
Nguyễn Thị Minh Huyền
Chi đoàn Điện lực Phú Giáo