Vừa điều trị vừa dỗ dành…
Đó là nơi chăm sóc bệnh khá đặc biệt bởi những bệnh nhân (BN) nhi ở đây thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Các em bị cong vẹo đốt sống, tay chân bị dị tật… Thế nên, các nhân viên y tế vừa là bác sĩ điều trị, vừa là… bảo mẫu dỗ dành các em!
Tại phòng tập VLTL cho trẻ, KTV còn là những cô giáo
Khoa Nhi Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (ĐD-PHCN) tỉnh thoạt trông như một nhà trẻ. Dụng cụ tập của các bé trông như đồ chơi! Thế nhưng, để cho những trẻ em không may này tiến triển về sức khỏe, về khả năng vận động là cả một sự cố gắng không mệt mỏi của các nhân viên y tế tại đây. “Con đưa tay chào cô đi”, “Con thử nắm tay lại xem nào, mở tay ra”, “Con bước đi nào…”. Đó là những “mệnh lệnh dễ thương” mà các cô ở đây dành cho BN nhí. Tại phòng tập vật lý trị liệu (VLTL), các kỹ thuật viên (KTV) Đinh Ngọc Linh, Trần Kim Dung và nhiều bạn trẻ khác đang tích cực hướng dẫn cho các bé luyện tập. Ngọc Linh nhà ở Đồng Nai, học khoa điều dưỡng ở Đại học Y dược TP.HCM. Ngọc Linh về làm việc tại Bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh được hơn 4 năm nay. Ngọc Linh nói: “Những bài tập chủ yếu hỗ trợ, kích thích cơ, giúp các bé giảm đau. Hầu hết các trẻ vào điều trị ở bệnh viện này bị giới hạn vận động cơ, xương, khớp, bị bại não, chậm phát triển… Sau một thời gian điều trị tích cực và có sự phối hợp, kiên trì của người thân, bệnh của các bé sẽ đỡ dần lên”. Điều quan trọng khi có con bị bệnh về vận động cần ba mẹ, ông bà kiên trì cùng các KTV tập VLTL cho trẻ. Phát hiện bệnh sớm để đưa đi điều trị kịp thời cũng tăng khả năng vận động, hiệu quả cao hơn.
Thái độ thân thiện, cởi mở, chịu khó là điều chúng tôi ghi nhận ở đây. Phương pháp làm việc ở bệnh viện này là điều chuyển nhân viên các bộ phận với nhau nên hầu hết các KTV đều thành thạo kỹ năng vừa tập VLTL vừa chơi với trẻ. Những BN nhí khi khỏe hơn, đi lại được, nhanh nhẹn hơn trong sinh hoạt hàng ngày cũng là niềm vui chung của các cô chú ở đây.
Chú Năm, người thường đưa cháu nội đến tập VLTL cho biết; phụ huynh có con em bị bệnh đưa đến đây thường là những người khó khăn. Con cái bệnh tật như thế nên công việc bê trễ do phải chăm sóc con. Ở đây có trẻ bệnh nặng điều trị nội trú nhưng cũng có trẻ đến tập xong được ba mẹ đón về. Với BN nào cũng được các cô, chú ở phòng tập rất nhiệt tình giúp đỡ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận, cử nhân VLTL chia sẻ: “Với đòi hỏi của nghề nghiệp, hiện tại, nhiều bạn trẻ đăng ký học thêm chuyên môn ở các trường. Công việc khá vất vả, lại đòi hỏi phải thân thiện, dỗ dành các bé liên tục nhưng tất cả đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương trẻ”.
Nguồn baobinhduong.org.vn (TT)