Việt Nam - Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII, khi quần đảo này còn vô chủ.
Bản đồ của Đỗ Bá có 3 chữ Nôm Bãi Cát Vàng ở dưới
Như đã phân tích trong bài “Trung Quốc ngụy biện chủ quyền về cái gọi là “Tây Sa”, không hề có một chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý nào của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Chính các tài liệu của Trung Quốc cũng không cho phép xác định đã có sự thụ đắc chủ quyền lãnh thổ đối với quần đào này từ 2000 năm trước.
Đáng chú ý, những tư liệu được trích dẫn của Trung Quốc phần nhiều bị cắt xén, gán ghép và giải thích rất khiên cưỡng. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn giữa tư liệu này và tư liệu khác. Giới học giả quốc tế phản bác luận lý của Trung Quốc. Ngay cả học giả Trung Quốc cũng đã có người lên tiếng phê phán.
Trong khi đó, các tài liệu của nước ta cho thấy, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII, khi quần đảo này còn là vô chủ.
Tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo soạn vào thế kỷ XVII có các bản đồ An Nam từ thế kỷ XV, trong đó có vẽ quần đảo Hoàng Sa trong Biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát Vàng thuộc phủ Quảng Nghĩa: "Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hoá vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".
Trong Phủ biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) chép, đảo Đại Trường Sa, trong đó có Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Nghĩa. Các quần đảo được mô tả, xác định vị trí khá chính xác: "Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi gọi là Cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa.
Trước kia có nhiều hải vật và hoá vật của tầu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải".
Đại Nam nhất thống chí, soạn năm 1882, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802-1845) ghi, Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Ngãi: "Phía Đông có đảo cát - đảo Hoàng Sa - liền với biển làm hào; phía Tây là miền sơn man, có luỹ dài vững vàng; phía Nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chặn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn".
Các tác phẩm chính thức khác do Quốc sử quán biên soạn và in dưới thời nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên (1848), Khâm Định Đại Nam hội diễn sử lệ (1843-1851), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876) đều chép tương tự về Hoàng Sa.
Các bản đồ Việt Nam vẽ về quần đảo này như bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ. Ngoài ra, các sách địa lý lịch sử như Sử học bị khảo, Địa dư toát yếu, Quảng Thuận đạo sử tập, Trung kỳ địa dư lược, Quảng Ngãi tỉnh chí đều có những đoạn văn và bản đồ xác nhận Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi.
Ông Đinh Kim Phúc, giảng viên Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP. HCM cho biết, các tài liệu này không chỉ khẳng định sự hiểu biết từ lâu đời đến quần đảo Hoàng Sa mà sự hiểu biết này đã được chuyển hóa thành sự chiếm hữu thực sự từ thế kỷ XVII.
“Trong các bộ chính sử, triều đình nhà Nguyễn đã ghi rất rõ những quyết định của triều đình về biên chế các hải đội để hàng năm đi ra đó quản lý và tiến hành khảo sát, đo đạc. Và những mô tả chi tiết trong các bộ chính sử cũng như trong các bộ địa phương chí, dư địa chí của triều đình nhà Nguyễn, so đến ngày nay, nó chính xác có thể là đến 99%”, ông Đinh Kim Phúc cho biết.
Như vậy, ngay từ thời chúa Nguyễn, người Việt Nam đã có hiểu biết tường tận về sự hiện diện quần đảo Hoàng Sa. Sự mô tả các đảo chi tiết hơn, chính xác hơn sự mô tả của phía Trung Quốc. Các dấu hiệu của việc phát hiện và sự khẳng định chiếm hữu trên quần đảo này được ghi nhận với quyết định của các chúa Nguyễn cử đội thuyền tới đó hàng năm trong nhiều tháng để thực thi nhiệm vụ quản lý, khai thác hải sản và thu lượm các tài sản chìm đắm với tư cách một quốc gia làm chủ.
Ông Dieter Heinzig trong tác phẩm Các đảo tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa, Viện các vấn đề châu Á ở Hamburg, Đức nhận xét: “Giả định rằng các tư liệu lịch sử mà Việt Nam đưa ra là chính xác, chúng ta có thể thừa nhận rằng, với tư cách quốc gia, Việt Nam đã tỏ rõ mối quan tâm dứt khoát với Hoàng Sa sớm hơn nhiều so với Trung Quốc.”
Danh nghĩa quyền phát hiện ban đầu này của Việt Nam có thể trở thành vô giá trị nếu nó không được củng cố bởi sự chiếm cứ có hiệu lực, hòa bình, không gián đoạn và không bị tranh cãi. Các vua, chúa nhà Nguyễn củng cố và duy trì quyền thụ đắc lãnh thổ theo phương thức chiếm hữu thực sự quần đảo này trên thực địa như thế nào thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa.
Nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn- Quảng Ngãi (Ảnh: Hải Sơn)
Dưới thời các vua chúa Nguyễn, Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã thành lập hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, trồng cây, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền của đất nước ta.
Trải qua nhiều thế kỷ, đã có hàng ngàn võ quan, binh lính, binh phu cùng nhiều quan lại dân sự, quân sự của triều đình hy sinh trên biển trong khi thi hành nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Sự tồn tại của một nghĩa địa quân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn ngày nay với tên gọi “khu mộ gió” là minh chứng sống động cho sự thật lịch sử này.
Thượng tọa Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Đại lễ cầu siêu cho Anh hùng liệt sỹ và dân binh Hoàng Sa, những người đã từng bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc là nghĩa cử tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, các binh phu trong đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.
“Chúng ta không thể quên đội hùng binh Hoàng Sa, xuất phát từ Lý Sơn đi ra Hoàng Sa, Trường Sa để cắm mốc chủ quyền của dân tộc. Đại lễ này cầu nguyện cho các vị đó được yên nghỉ nơi chín suối, về với thế giới an lạc, thanh tịnh của Đức Phật. Đại lễ cầu siêu này là 1 thông điệp nói lên chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Thượng tọa Thích Huệ Phước nhấn mạnh.
Trên đảo Lý Sơn này còn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một trong những di sản văn hóa vô giá, góp phần khẳng định, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa là tổ chức Nhà nước đầu tiên được lập ra để thực thi nhiệm vụ quản lý, kiểm soát, khai thác tài nguyên ở quần đảo này. Sử sách Việt Nam và cả Trung Quốc chép rằng, đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn, tức vào nửa đầu thế kỷ XVII.
Phần viết về đội Hoàng Sa trong Đại Việt sử ký tục biên biên soạn vào đời chúa Trịnh Sâm (1739-1782)- Ảnh Hải Sơn (chụp tư lliệu)
Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh, vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý ở quần đảo Hoàng Sa và Biển Đông. Theo đó, nhiệm vụ của đội Hoàng Sa không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác quân sự và quản lý biển đảo: “Nhà nước hàng năm cử đi 70 suất đinh có nhiệm vụ khai thác các sản vật ở Hoàng Sa. Nhà nước lúc đó đã cấp 6 tháng lương để làm nhiệm vụ. Đội trưởng của Hoàng Sa lại kiêm quan Thổ ngự ở cửa biển Sa Kỳ mà Thổ ngự chủ yếu chống cướp biển, tức bảo vệ an ninh biển. Đội Hoàng Sa là đội có nhiều chức năng, không chỉ đi khai thác sản vật mà còn bảo vệ biển.”
Phủ biên tạp lục ghi: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương ăn đủ sáu tháng, đi bằng thuyền tiểu câu ra biển ba ngày ba đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột cốc hoa, rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân và định hạng xong mới đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về…
Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tư Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền tiểu câu ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiểm quản.”
Hoạt động của đội Hoàng Sa được tiến hành hàng năm và được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Chính quyền Trung ương. Các đội viên hàng năm được cấp giấy sai đi, được miễn thuế sưu, tiền đò và được thưởng tiền. Ngược lại, ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị trừng phạt. Rõ ràng, các chúa và vua nhà Nguyễn đã không ngừng quan tâm và có ý thức hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một Nhà nước có chủ quyền đối với Hoàng Sa.
GS Carlyle A. Thayer (áo trắng): Quan điểm của Việt Nam có cơ sở vững chắc
Theo ông Carlyle A. Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa cũng là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa: “Quan điểm của Việt Nam có cơ sở vững chắc. Đội Hoàng Sa có chức năng kinh tế, quốc phòng. Vào thời điểm đó, cách thức để duy trì việc quản lý chủ quyền là thông qua các cuộc thăm viếng thường xuyên để quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ đảo. Và đội Hoàng Sa của Việt Nam đã thực hiện các chức năng này.”
Sách Đại Nam thực lục chính biên (1848) ghi nhận một loạt các hành động của vua Nguyễn để củng cố chính quyền của mình trên các đảo. Các năm 1815, 1816, 1833, 1834, 1835, 1836, vua Gia Long và người kế vị ông là vua Minh Mạng đều ra chiếu chỉ lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa tới các đảo Hoàng Sa để ghi lại lộ trình. Quyển 165 có ghi: “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu: Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, (…). Xem từ nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, phái thủy quân, biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Nghĩa, giao cho hai tỉnh Quảng Bình, Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức là chiếu chỗ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi Việt Nam và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét, đo đạc kỹ càng, vẽ thành bản đồ. Lại chiếu ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến nơi ấy, căn cứ vào thủy trình đã qua, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông ra bờ biển, đối thẳng vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, ước lượng cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, đều nhất nhất phải nói rõ, lần lượt đem về dâng trình.”
Vua y lời tấu, sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi chuẩn bị, mang theo 10 bài gỗ, đến nơi dựng lên làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ.”
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, nếu các chuyến đi đo đạc, vẽ hải trình được coi là các hành động nhận biết chung thì việc cắm các bài gỗ theo lệnh Vua đã tạo nên một hành vi không thể tranh cãi trong việc thiết lập quyền lực vương triều An Nam trên các đảo hoang không người.
“Tôi cho đó là một trong những mốc rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, coi đó như một đỉnh cao của khẳng định chủ quyền. Ông ấy đã cắm lá cờ chủ quyền trên vùng đất này. Ngoài chuyện tuyên bố chủ quyền, khẳng định chủ quyền như vậy lại còn cho người ra đo đạc thủy trình, nghiên cứu, khảo sát, rồi có cả kế hoạch lớn trong việc kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc
Năm 1833, Vua lệnh cho Bộ Công: “Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Nghĩa, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buồm thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập lại bia, trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối tươi xanh, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó là việc lợi ích muôn đời vậy.”
Những hoạt động như: Tổ chức khai thác có hệ thống các đảo; Tổ chức công tác khảo sát, đo đạc nhằm hiểu biết rõ lãnh thổ và đồng thời để kiểm tra, kiểm soát biển; Xây dựng các miếu, đền, trồng cây như các dấu hiệu tượng trưng chủ quyền trên các đảo;… là những hành vi đủ để đáp ứng các điều kiện thụ đắc lãnh thổ vô chủ. Đó là sự thể hiện rõ ràng một quốc gia thực sự làm chủ các quần đảo này theo đúng các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng vào thời điểm đó cho đến ngày nay.
Điều rất quan trọng và có giá trị pháp lý là các sự kiện do sử sách ghi chép có liên quan đến quá trình Nhà nước Việt Nam thời kỳ phong kiến đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này đều được thể hiện trong các văn bằng, chiếu chỉ, sắc phong, tờ sai, tơ lệnh… của vua, chúa mà cho đến nay vẫn còn được lưu giữ. Đấy chính là những bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý, đủ sức thuyết phục để minh chứng cho hành động và ý chí xác lập chủ quyền của Nhà nước Phong kiến Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Một trong số đó là những Châu bản. Đây là những quyết định được nhà vua phê duyệt về việc thành lập đội Hoàng Sa, quyết định cử đội này ra Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ chấp pháp của Nhà nước Phong kiến Việt Nam,…
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng, những Châu bản chính là bằng chứng để khẳng định, việc tổ chức một đội khai thác kinh tế biển, kiểm soát và bảo vệ vùng biển đảo là thuộc một chính sách quốc gia chú trọng tới các lợi ích biển:
“Châu bản, trong đó cho biết, hàng năm, triều đình cử đội Hoàng Sa và Bắc Hải ra công tác ngoài các đảo, đo đạc hải trình, rồi khai thác hải vật. Như vậy, chúng ta có giá trị cao nhất về mặt hành chính do người đứng đầu đất nước đã phê duyệt. Thế giới công nhận Châu bản là di sản tư liệu thế giới. Như vậy, Việt Nam có những văn bản mang tính quốc tế chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, ông Phan Thuận An phân tích.
Hơn nữa, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã phản kháng lại những hoạt động thực thi chủ quyền liên tục, rõ ràng và hòa bình của Nhà nước Phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX. Việc thực thi chủ quyền không bị bất cứ một ai phản đối và đó chính là một trong những nội dung không thể thiếu được của nguyên tắc chiếm hữu thật sự.
Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa trước khi Pháp tới năm 1884 là không thể tranh cãi. Vấn đề đặt ra là quyền mà người Việt Nam đã giành được liệu có bị mất đi trong thời kỳ Pháp thuộc không?
Bà Monique Chemillier Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia Dân chủ Thế giới cho rằng, ở thời kỳ thuộc địa, Pháp vẫn duy trì cả sự có mặt lẫn yêu sách của mình cho đến khi rút khỏi Việt Nam: “Việt Nam không bị mất chứng thực chủ quyền vì chưa bao giờ thời An Nam tuyên bố không sở hữu và quản lý các quần đảo. Mặt khác, Pháp, ở thời kỳ thuộc địa, vẫn duy trì cả sự có mặt lẫn yêu sách của mình cho đến khi rút khỏi Việt Nam, để lại cho Việt Nam nhiệm vụ thay thế, góp phần duy trì danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở cuối thời kỳ thuộc địa.”
Thực tế này cho thấy, việc quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa thời kỳ Pháp thuộc vẫn được duy trì, góp phần khẳng định danh nghĩa chủ quyền rõ ràng của Việt Nam.
Nguồn baobinhduong.org.vn (TT)