So với những làn điệu cổ nhạc khác thì “Vọng cổ” là làn điệu được thịnh hành trong nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương. Bởi chỉ có “Vọng cổ” mới hội đủ các hơi điệu: Xuân - Ai - Bắc - Oán; rồi dung nạp thêm các điệu lý, câu hò của dân ca Việt Nam. Thậm chí, một số nghệ nhân còn sáng tạo kết hợp giữa làn điệu “Vọng cổ” với một số bản tân nhạc thành một điệu ca mới gọi là “Tân cổ giao duyên” phát triển cực thịnh vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX.
Cha đẻ của “Tân cổ giao duyên” là ai?
Hầu hết các tài liệu nghiên cứu và cả những ghi nhận của giới chuyên môn, những nhân chứng sống của nghệ thuật ĐCTT và sân khấu cải lương Nam bộ đều công nhận người đi tiên phong sáng tạo ra thể loại “Tân cổ giao duyên” chính là NSND - soạn giả Viễn Châu. Sinh thời, cố GS-TS Trần Văn Khê khẳng định: “Anh Bảy Viễn Châu chính là người khai sinh và viết nhiều nhất thể loại “Tân cổ giao duyên”. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, soạn giả Viễn Châu mạnh dạn làm một cuộc cách tân điệu “Vọng cổ” thành “Tân cổ giao duyên” bằng việc ghép bài tân nhạc vào bản vọng cổ thật độc đáo, tài tình. Sau khi bản “Tân cổ giao duyên” đầu tiên có tên gọi “Chàng là ai” do cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết viết nhạc, qua phần thể hiện của NSND Lệ Thủy, được Hãng đĩa Hồng Hoa thu âm và phát hành, lập tức dư luận xã hội lúc bấy giờ có những phản ứng gay gắt với tác giả của điệu cổ nhạc này và kêu gọi công chúng tẩy chay. Mặc dù vậy, soạn giả Viễn Châu vẫn bình thản đọc tất cả các bài báo, lắng nghe hết các ý kiến khen chê… để rồi quyết định vẫn tiếp tục sáng tác “Tân cổ giao duyên” làm phong phú thêm sắc màu cho làn điệu “Vọng cổ”. Không ngờ, với sự kiên trì, nhẫn nại của ông, cuối cùng cũng chinh phục được mọi người. Sau thành công ngoài mong đợi của đĩa “Tân cổ giao duyên” với chủ đề “Cô hàng chè tươi - Chàng là ai”, soạn giả Viễn Châu tiếp tục chọn những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng của các nhạc sĩ: Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh… để soạn lời vọng cổ và được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Các nghệ sĩ: Bảo Quốc, Mộng Tuyền và Tuấn Thanh trong một chương trình
giới thiệu nhạc cổ truyền Nam bộ
Phương pháp sáng tác “Tân cổ giao duyên”
“Tân cổ giao duyên” là sự giao thoa, hòa quyện giữa cái hồn của bài tân nhạc và cổ nhạc. Vì thế, khi viết “Tân cổ giao duyên”, bắt buộc người viết phải chuyển tải lời vọng cổ theo đúng nội dung, ý tưởng ban đầu của bản tân nhạc. Thông thường, có hai cách viết “Tân cổ giao duyên”:
- Cách thứ nhất: Người soạn giả lấy một bài tân nhạc mà mình ưng ý, viết thêm lời vọng cổ phù hợp với nội dung theo ý tưởng của bài tân nhạc.
- Cách thứ hai: Người viết đưa thẳng một đoạn nhạc trong lòng câu của bài vọng cổ. Với cách viết này, người soạn giả phải am tường đoạn nhạc kia chiếm hết mấy nhịp trong phần lòng câu của bài vọng cổ. Khi lồng đoạn nhạc vào, sau đó viết tiếp lời ca như một bài vọng cổ bình thường.
Thời hưng thịnh của “Tân cổ giao duyên”
Thập niên 1960-1970 là thời kỳ hưng thịnh nhất của “Tân cổ giao duyên”. Thời điểm này, nhận thấy “Tân cổ giao duyên” đáp ứng được thị hiếu của khán-thính giả, một số soạn giả cải lương như: Loan Thảo, Yên Lang, Nguyên Thảo… chuyển hướng sáng tác “Tân cổ giao duyên”. Đồng thời, các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản thời đó tranh nhau ghi âm, xuất bản nhiều bản “Tân cổ giao duyên” và đạt lợi nhuận khá cao. Nhờ vậy mà các nghệ sĩ sân khấu cải lương có thêm đất diễn và có thêm nguồn thu nhập không nhỏ khi công chúng ngày càng thích nghe điệu nhạc độc đáo này. Nhớ lại thời hưng thịnh của “Tân cổ giao duyên”, Nữ hoàng kiếm hiệp - NSƯT Mỹ Châu chia sẻ: “Hồi đó, nghệ sĩ chúng tôi được các hãng băng đĩa mời thu âm liên tục. Ban ngày đi tập tuồng, rồi thu âm, tối đến đi diễn tuồng, diễn xong lại vào phòng thu để thu âm tiếp, gần sáng mới về nhà ngủ. Nếu đi diễn tỉnh thì ban ngày quay về Sài Gòn thu âm, chiều quay lại đoàn diễn tiếp. Cứ thế, anh em nghệ sĩ chúng tôi không có thời gian rảnh để nghỉ ngơi”.
Những soạn giả thành công với “Tân cổ giao duyên”
Trong số các soạn giả thành công ở thể loại “Tân cổ giao duyên”, ngoài soạn giả Viễn Châu (đã có trên 1.000 bài “Tân cổ giao duyên” được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công) thì phải kể đến soạn giả Loan Thảo. Có lẽ, “Tân cổ giao duyên” xưa nay khó có ai sánh kịp với Viễn Châu và Loan Thảo. Biết rằng, mỗi người có thế mạnh và cái hay riêng, nhưng nét độc đáo của hai soạn giả tài ba này là nổi trội hơn hết về bút pháp và ca từ. Những tình huống đơn giản ở đời thường, khi được Viễn Châu và Loan Thảo đưa vào tác phẩm, qua ngòi bút trau chuốt của hai ông, trở thành những ngôn từ văn chương bóng bẩy và hàm súc. Cả hai viết lời vọng cổ cho “Tân cổ giao duyên” luôn quyện chặt giữa nhạc tân và vọng cổ. Nói cách khác, những tác phẩm của hai ông không có lời tân nhạc một nơi, lời vọng cổ một nẻo, mà cả hai cùng hòa quyện vào nhau như một chỉnh thể thống nhất. Nội dung luôn bám sát trạng thái tâm lý của nhân vật trong bài hát, ngôn từ thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể, vừa mộc mạc, vừa trữ tình sâu lắng, lại vừa có tính triết lý nhân sinh sâu sắc. Do vậy mà những bản “Tân cổ giao duyên” như: Rước tình về với quê hương, Bánh bông lan, Con gái của mẹ, Mười thương, Mưa trên phố Huế, Chuyện tình Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử… của hai soạn giả tài ba này vẫn hiện hữu trong lòng người mộ điệu suốt mấy thập niên qua.
Với giai điệu trữ tình, lời ca trau chuốt, giàu chất văn học; với lối kể chuyện tài hoa, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa bản “Vọng cổ” và các bản tân nhạc khác; “Tân cổ giao duyên” đã đi vào lòng giới mộ điệu ngót hơn nửa thế kỷ qua. Dù cho vật đổi sao dời, nhưng ắt hẳn “Tân cổ giao duyên” vẫn được suy tôn là điệu cổ nhạc được ưa chuộng ở Nam bộ.
Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH
Nguồn baobinhduong.vn (TT)