Bên cạnh những công trình được xây dựng mang đậm nét văn hóa phương Nam như: Quảng trường Hùng Vương có cây đờn kìm khổng lồ, Nhà hát ba nón lá, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… chúng tôi còn đặc biệt ấn tượng với những giai điệu tỉ tê của bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) trong các xe taxi chở khách dạo quanh TP.Bạc Liêu. Qua đó cho thấy, ý thức bảo tồn ĐCTT Nam bộ và sự tôn sùng của người dân Bạc Liêu đối với bài ca “vua” này.
Với những cung nhớ, cung thương tỉ tê, bản DCHL của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu không chỉ được phát trong các xe taxi như một niềm yêu thích mà bài ca “vua” này còn là bài học vỡ lòng cho các em học sinh tiểu học ở Bạc Liêu. Trong chuyến công tác về Bạc Liêu vừa qua, chúng tôi may mắn được dự lễ khai giảng lớp hướng dẫn tài tử cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP.Bạc Liêu. Bài học vỡ lòng dành cho các em học sinh hôm ấy là bản DCHL. Nhìn các em say sưa học ca theo cô hướng dẫn và thầy đờn, mà chúng tôi như trào dâng trong lòng nhiều cảm xúc.
Bản chuẩn Dạ cổ hoài lang được trưng bày một cách trang trọng cùng với bức tượng bán thân của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của bản DCHL, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay, ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu nói, tuy có tuổi đời gần 100 năm nhưng bản DCHL với những cung nhớ cung thương dìu dặt đã làm thổn thức bao trái tim người mộ điệu. Trung thu
năm 1919, bản DCHL ra đời. Có rất nhiều bài viết bàn luận sâu xa về hoàn cảnh ra đời của bản DCHL, nhưng chung quy lại, nhiều người biết “sự tích” của DCHL chính là khúc nhạc lòng về niềm thương nhớ vợ hiền khi vợ chồng phải phân ly vì nghịch cảnh “tam niên vô tự bất thành thê”. Và trong hoàn cảnh ấy, với nỗi lòng ấy, bằng trái tim người nghệ sĩ đa tài, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã dâng cho đời một khúc nhạc lòng bất hủ.
Còn theo nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận (Hội Khoa học lịch sử Bạc Liêu), bản DCHL về nguyên nhân sáng tác tuy có dính líu một phần nào với hoàn cảnh chia ly của vợ chồng Cao Văn Lầu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhờ sự hướng dẫn sáng tác của thầy Nhạc Khị với một tiêu đề định sẵn.
Xuất hiệnnhiều dị bản
Bản DCHL từ khi ra đời đã nhanh chóng lan rộng trong Nam, ngoài Bắc và lan tỏa ra tận nước ngoài và dần dần đã trở thành biểu tượng của tình yêu con người và tình yêu quê hương, đất nước. Chính vì có sự lưu truyền và lan tỏa rộng rãi dưới nhiều hình thức từ truyền miệng, chép tay, đánh máy, chế tác… nên bản DCHL có rất nhiều dị bản. Ông Văn Công Diệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, vì có quá nhiều dị bản nên gây trở ngại cho hoạt động truyền bá, nghiên cứu, giảng dạy, thể hiện, bảo tồn, phát huy. Do đó, tại cuộc Hội thảo “90 năm - bản DCHL” (năm 2009), có nhiều ý kiến của đại biểu đề xuất cần thống nhất và xác định ra một bản DCHL chuẩn để khắc phục hiện tượng dị bản trên.
Bản chuẩn Dạ cổ hoài lang
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức Tọa đàm “Xác định bản DCHL chuẩn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu”. Trên tinh thần cuộc tọa đàm, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 17-9-2010 công bố chính thức bản DCHL chuẩn. Và cứ mỗi độ Rằm tháng Tám, trong không khí đầm ấm, sum vầy của Tết Trung thu, tỉnh Bạc Liêu lại tổ chức thành lễ hội hoặc các hoạt động kỷ niệm ngày ra đời bản DCHL để tri ân người nhạc sĩ tài hoa và tôn vinh giá trị “bản nhạc lòng”. “Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng…”, bài ca âm vọng tiếng gọi “lên đàng” của thời đại, tiếng lòng của người chinh phu gửi về cô phụ nơi quê nhà đang “luống trông tin chàng”… Cho nên, bản DCHL đâu chỉ là nỗi niềm riêng của phu thê mà nói rộng ra, bài ca còn hàm chứa tình yêu quê hương của ông cha ta thời trước. Một bài ca đậm đà bản sắc văn hóa từ giá trị nghệ thuật cho đến nội dung tư tưởng, có lẽ chính vì vậy mà “bản nhạc lòng” của người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu mang sức sống mãnh liệt và trải đường cho sự thăng hoa, phát triển dài về sau của câu vọng cổ ngọt ngào…
Để tưởng nhớ và tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, năm 2008, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã quyết định tổ chức Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” là lễ hội cấp tỉnh và 2 năm được tổ chức một lần vào dịp kỷ niệm bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời (Rằm tháng Tám âm lịch). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thu hút nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực tham gia với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Liên hoan ĐCTT Nam bộ 3 tỉnh (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau) mở rộng; thi tìm hiểu về ĐCTT, đối đáp, thơ ca, hò vè, nói thơ Bạc Liêu…
Từ một “bản nhạc lòng” được thăng hoa trở thành bản vọng cổ, bản chuẩn DCHL nay được lộng khung với chữ khắc bằng vàng. Đó cũng được xem là một tác phẩm nghệ thuật và ý nghĩa nghệ thuật đó được tạo dựng nên bởi những nghệ sĩ đầy tâm huyết. Bản chuẩn DCHL được trưng bày một cách trang trọng cùng với bức tượng bán thân của người nghệ sĩ tài hoa ấy, trong một khu đặc biệt trưng bày về ĐCTT cải lương. Đó là một trong những hạng mục công trình nằm trong khuôn viên của Khu lưu niệm ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Bài 4: Những danh ca,danh cầm của Bạc Liêu.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)