Trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương đã có hai lần điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với thực tế đời sống ở địa phương. Các chuẩn nghèo của tỉnh đều cao gấp 2 đến 3 lần so với chuẩn nghèo Trung ương. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo với mức thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng trở xuống khu vực nông thôn và 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống khu vực thành thị. Giai đoạn 2014 - 2015, nâng chuẩn nghèo lên 1.000.000 đồng/người/tháng trở xuống khu vực nông thôn và 1.100.000 đồng/người/tháng trở xuống khu vực thành thị. Giai đoạn này, Bình Dương có 11.383 hộ thoát nghèo, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1% hộ nghèo. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,64%.
Bình Dương liên tục nâng chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia
Như vậy, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh có 45.500 hộ thoát nghèo và tỉnh đã 9 lần nâng mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều với chuẩn về thu nhập gấp khoảng 1,5 lần so với chuẩn nghèo thu nhập của quốc gia. Sau khi điều tra, khảo sát theo chuẩn mới, toàn tỉnh có 3.889 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% và 2.870 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,97% (trên tổng số 294.573 hộ nhân dân toàn tỉnh). Bình Dương là tỉnh duy nhất cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Hiệu quả từ những chính sách đột phá
Đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt thời gian qua, kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo. Cùng với đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và sự triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.
Đặc biệt, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương. Cụ thể như ưu tiên đầu tư nguồn lực tập trung cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi khác đối với các xã vùng khó khăn; thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ về Bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, thực hiện chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo... Việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo không chỉ được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà còn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và phối hợp triển khai hiệu quả của các tổ chức Hội, đoàn thể, sự đồng hành của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội", lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt công tác giảm nghèo
Nhiều hộ nghèo ở Bình Dương đã được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Ông Tống Hữu Biên (thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) chia sẻ, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, sức lao động có nhưng không có tiền để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2015, gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để chăn nuôi gà thả vườn và làm chuồng trại. Hiện gia đình ông đã phát triển đàn gà lên trên 300 con và cho thu nhập ổn định.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Thành (xã An Tây, thị xã Bến Cát) cũng là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo. Ông Thành cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các ngành và địa phương cho vay vốn, tạo điều kiện cho gia đình tham quan học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, đồng thời với nguồn vốn vay và kỹ thuật được hỗ trợ, gia đình ông đã đầu tư vào chăn nuôi bò. Gia đình ông đang nuôi 10 con bò cái sinh sản và 3 bò đực, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 150 - 170 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có sinh kế bền vững.
Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay cho hộ nghèo
Từ nguồn vốn vay và kỹ thuật được hỗ trợ, nhiều hộ nghèo đã đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình
Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Do đó tỉnh xác định, các chính sách giảm nghèo cần hướng đến mục tiêu cải thiện điều kiện, chất lượng cuộc sống của người nghèo và tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua việc thực hiện hiệu quả các nhóm chính sách, giải pháp giảm nghèo, nâng cao và ổn định thu nhập, cải thiện chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến giữa giai đoạn 2016-2020 (năm 2018), toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo và đề xuất nâng chuẩn nghèo, ban hành chuấn nghèo mới; đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 1%, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.
Kỳ 5 - Thu hút đầu tư nước ngoài vượt 25 tỷ đô la Mỹ
Nguồn binhduong.gov.vn (TT)