Về dự Lễ khánh thành, có ông Mai Thế Trung – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Phạm Văn Cành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Liêm - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh Bình Dương; các đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ. Đến từ các đơn vị lực lượng vũ trang có Thiếu tướng Văn Công Danh – Phó Tư lệnh Quân khu 7, Thiếu tướng Trần Hữu Tài – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7. Lãnh đạo Thị uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQVN thị xã Tân Uyên. Đặc biệt, làm nên không khí ấm áp và đầy xúc động cho buổi lễ là sự hiện diện của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thành viên trong Ban Liên lạc chiến khu Vĩnh Lợi, CLB Nữ kháng chiến, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, Ban Liên lạc kháng chiến huyện Châu Thành, các đồng chí Lão thành cách mạng – thế hệ anh dũng năm xưa đã quên mình vì quê hương và nhân dân địa phương.
Buổi lễ được bắt đầu bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật Lân sư rồng sôi động, mang đậm nét văn hóa phương Đông. Ngay sau đó, các đại biểu đã được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề “Tự hào Chiến khu Vĩnh Lợi” với những tiết mục được đầu tư nghiêm túc, công phu, là những sáng tác mới về đất và người Tân Uyên, về Chiến khu Vĩnh Lợi từ thời đạn bom đến ngày hòa bình. Cũng trong không khí đầy long trọng và xúc động của buổi lễ, 1.500 đại biểu đã cùng nhìn lại quá trình hình thành và xây dựng khu di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi, cũng như sự thay da đổi thịt của vùng đất Vĩnh Tân, Tân Uyên anh dũng qua phóng sự ngắn với những hình ảnh đầy sống động về vùng đất anh hùng. Lễ khánh thành Khu di tích tưởng niệm truyền thống Chiến khu Vĩnh Lợi cũng là dịp để các cựu chiến binh năm xưa gặp lại nhau, thắp sáng tình đồng đội, đồng chí đã một thời đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau tha thiết, cùng vượt qua gian khổ, hy sinh.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, vào năm 1946, chiến khu Vĩnh Lợi được thành lập, là nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của huyện và của tỉnh, là căn cứ hậu cần, bàn đạp vững chắc trong kháng chiến đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Chiến khu Vĩnh Lợi và quân dân ta đã trải hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dạn dày gian khó, hy sinh nhưng đầy vẻ vang. Cho đến đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, nơi đây đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng là Di tích Lịch sử cách mạng cấp Tỉnh tại Quyết định số 3873/QĐ-UBND ngày 07/12/2010.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, đồng thời thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã sống, chiến đấu và hy sinh tại đất rừng Vĩnh Lợi, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tân Uyên đã đề xuất, xin chủ trương xây dựng công trình khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi tại căn cứ địa cách mạng năm xưa. Công trình khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi được chính thức khởi công từ đầu tháng 01/2012, với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, Đền tưởng niệm, Sân hành lễ, Nhà quản lý khu di tích, Thuỷ đài, Cổng tam quan, Cổng phụ, Tường rào, Nhà hội trường, Nhà nghỉ, Nhà ăn, Nhà chòi nghỉ, Nhà bảo vệ, Vườn hoa và các công trình phụ hỗ trợ khác.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Thị xã Tân Uyên trong tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dịp này, công ty xổ số kiến thiết tỉnh Bình Dương đã ủng hộ một tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo thị xã Tân Uyên.
Lễ khánh thành khép lại bằng nghi thức cắt băng khánh thành diễn ra trang trọng. Ngoài ra, lãnh đạo cùng nhân dân địa phương đã dâng những nén hương đầy thành kính lên tượng đài để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đời đời nhớ ơn sự hy sinh to lớn của bậc tiền nhân. Công trình Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được đưa vào sử dụng, mãi là niềm tự hào vô giá làm động lực, tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Uyên phấn đấu kế tục sự nghiệp cách mạng, quyết tâm xây dựng TX.Tân Uyên phát triển đồng bộ và bền vững.