Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi: Dấu son khơi dậy những ngày tháng anh hùng
Từ trung tâm thị xã Tân Uyên đầy nhộn nhịp, ngược về phía Bắc tầm 13km theo con đường ĐH 409, đến địa bàn ấp 3, xã Vĩnh Tân, người dân được chứng kiến một công trình đầy quy mô, dần hình thành, hoàn thiện từng ngày. Nhiều năm trôi qua, dưới đôi bàn tay khéo léo và khối óc tinh hoa của những người thợ, người kỹ sư đầy tâm huyết, dáng hình công trình này đến hiện tại đã gần hoàn tất. Uy nghiêm, lộng lẫy, oai hùng, như một thời vàng son và cha ông ta từng trải qua, đó chính là công trình khu di tích lịch sử chiến khu Vĩnh Lợi.

Thế hệ cháu con Tân Uyên hôm nay, dẫu chưa từng một lần nếm trải những gian lao, cơ cực, hy sinh ngày kháng chiến, nhưng khi được đọc qua trang sử vàng của thế hệ đi trước, với những địa danh đã trở thành niềm tự hào như Chiến Khu Đ, Châu Thành, Vĩnh Lợi... cũng đủ để nhắc nhở, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về quê hương anh hùng. Cách đây 70 năm, chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành, xây dựng trên một vùng đất cao ráo giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân là rừng Cầy Bộng, rừng Sở Tiêu và rừng Thầy Cai. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, bất khuất của nhân dân ta, cùng với quân dân nước Việt, chiến khu xưa đã chứng kiến biết bao hy sinh, mất mát nhưng đầy khí phách, tự hào. Chiến khu Vĩnh Lợi ngày xưa là tiền đồn xuyên suốt của chiến khu Đ, tập trung cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo 2 cuộc kháng chiến. Năm 1947, huyện ủy Châu Thành được thành lập tại đây, do đồng chí Đổng Văn Tài làm Bí thư, đồng chí Hai Phong (tức Trương Văn Nghi) phụ trách lực lượng vũ trang. Với tinh thần “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên nhiều trận thắng hào hùng. Lực lượng vũ trang địa phương không ngừng lớn mạnh, chỉ một tổ du kích xã Vĩnh Tân có thể diệt cả trung đội địch. Đến 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến khu Vĩnh Lợi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đồng bào ta. Tại nơi này, quân dân ta tổ chức đào hầm bí mật, địa đạo, đắp ụ chiến đấu, quyết bám trụ địa bàn, chống càn giữ vững căn cứ, chiến khu. Cứ như thế, thời khắc vàng son đã điểm vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi huyện Châu Thành và thị xã Thủ Dầu Một hoàn toàn giải phóng. Chiến khu Vĩnh Lợi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang về hòa bình trên quê hương. Vĩnh Tân và các xã bao bọc xung quanh chiến khu đã được tuyên dương là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.

Trải qua hơn 1/3 thế kỷ, những ký ức đầy oanh liệt ấy vẫn sống mãi trong lòng đất và người Vĩnh Lợi, đặc biệt là những cựu chiến binh từng chiến đấu nơi đây. Truyền thống anh hùng đó xứng đáng có một công trình để lưu lại những dấu ấn, giáo dục cho thế hệ mai sau. Theo tâm nguyện của Ban liên lạc những người kháng chiến Châu Thành, của các đồng chí lão thành cách mạng, đồng thời cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.Tháng 12/2011, nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, UBND huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu di tích tưởng niệm truyền thống Chiến khu Vĩnh Lợi, trong niềm vui mừng, phấn khởi của cán cán bộ lão thành cách mạng và nhân dân nơi đây. Ông Võ Văn Tính – Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên nói: “Căn cứ Vĩnh Lợi là một trong những căn cứ địa quan trọng của huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cùng với các căn cứ cách mạng khác như chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hoà tạo nên sức mạnh chung trên mặt trận chiến đấu của Tỉnh, góp sức vào thắng lợi chung trong hai cuộc kháng chiến của đất nước. Xây dựng công trình là việc làm ý nghĩa nhằm ghi danh những chiến sĩ cách mạng, người dân yêu nước đã dũng cảm chiến đấu hy sinh vì chính nghĩa, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Khu di tích sẽ là nơi tham quan học tập lịch sử của nhân dân trong và ngoài thị xã, kết nối với các di tích trên địa bàn tạo thành địa chỉ đến ấn tượng, mới mẽ cho hành trình du khảo về nguồn của đoàn viên, thanh niên, học sinh và sinh viên”.

Trên diện tích hơn 5,5 hecta, công trình Khu di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi được thiết kế theo phong cách kiến trúc Việt Nam, dung hoà giữa truyền thống dân tộc và nét hiện đại, văn minh. Tổng thể khu di tích bố cục theo kiểu cân xứng đăng đối, thể hiện tính nghiêm trang, mạnh mẽ, uy nghi trên một trục thần đạo với Đền tưởng niệm ở trung tâm. Quần thể công trình gồm nhiều hạng mục, từ cổng tam quan, sân, nhà bia, sân hành lễ, đền tưởng niệm, bố cục với trục ngang là đài Tượng đài chiến thắng tạo thành một tổng thể cân xứng, hài hòa. Khu tưởng niệm cũng là nơi khắc tên, lưu danh hơn 1.000 anh hùng liệt sĩ, năm xưa đã anh dũng nằm lại đất mẹ, mang hòa bình về cho Tổ quốc.

Qua 5 năm sau ngày khởi công, giờ đây, chỉ còn 2 tuần nữa, tại nơi này, gần 1.500 đại biểu là lãnh đạo các cấp, cán bộ lão thành cách mạng và mọi tầng lớp nhân dân TX.Tân Uyên cũng như những đơn vị bạn sẽ có dịp tề tựu về đất anh hùng, để một lần nữa cùng nhau sống dậy những ký ức thời hào hùng trong lễ khánh thành khu di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi. Với ý nghĩa to lớn đó, TX.Tân Uyên đã và đang tập trung nhiều nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị. Nhiều tuyến đường trục chính tại thị xã Tân Uyên và xã Vĩnh Tân được trang trí với paner, cụm pano tuyên truyền để nhân dân khắp nơi nắm bắt thông tin, cùng về chung vui trong ngày Lễ khánh thành. Đảm bảo mỹ quan tại khu di tích, Ban quản lý dự án đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên, xí nghiệp Công trình công cộng thị xã cũng làm sạch lề đường, cắt cỏ tại khu vườn dầu, bố trí thùng chứa rác thải, chỉnh sửa hệ thống đèn đường vào Khu di tích. Đội văn nghệ chủ yếu đến từ Nhạc viện TP.HCM đã luyện tập 6 tiết mục biểu diễn với nhiều thể loại, mang nội dung ca ngợi quê hương Tân Uyên ngày mới, ca ngợi những chiến công oanh liệt trong kháng chiến tại chiến khu Vĩnh Lợi anh hùng thuở xưa. Các đại biểu cũng sẽ được xem phóng sự về lịch sử hình thành chiến khu, sống dậy một thời khói lửa bất khuất, kiên trung. Ông Võ Văn Tính – Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết thêm: “Công trình Khu di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi sẽ được tổ chức khánh thành vào ngày 22/12/2016, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2016). Sau khi khánh thành, công trình sẽ được đưa vào sử dụng. Để tiếp quản và điều hành hoạt động của khu tích chiến khu Vĩnh Lợi, UBND thị xã đã thành lập đề án ban quản lý di tích riêng cho khu di tích, có quy chế quản lý, con người quản lý cụ thể và kinh phí phục vụ”.

Ngày xưa, là căn cứ địa cách mạng, mảnh đất Vĩnh Lợi này nhộn nhịp bước chân chiến sĩ, cùng nhân dân chiến đấu đánh tan quân thù, giành lại độc lập tự do. Năm nay, chính tại nơi này đã hình thành nên công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc thế hệ cha anh và những hy sinh cao cả. Những ý nghĩa lịch sử to lớn ấy cho chúng ta niềm hy vọng rằng mai đây, khu di tích lịch sử chiến khu Vĩnh Lợi cũng tiếp tục nhộn nhịp những bước chân du khách khách tham quan, trong đó đa số là thế hệ trẻ với ước nguyện tìm về nguồn cội, để tên gọi Vĩnh Lợi sống mãi một niềm tự hào.
Nguồn: Trang Thông tin điện tử Thị xã Tân Uyên (MH)